Việt Nam đối mặt những thách thức nghiêm trọng về an ninh nguồn nước

Với 63% trong tổng trữ lượng 830-840 tỷ m3 nguồn nước bên ngoài lãnh thổ, an ninh nguồn nước của Việt Nam phụ thuộc lớn vào động thái phát triển trên các con sông quốc tế như sông Hồng, sông Mekong.
Việt Nam đối mặt những thách thức nghiêm trọng về an ninh nguồn nước ảnh 1Sông Mekong đoạn chảy qua nước Lào. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Chiều 18/5, tại Hà Nội, Cục quản lý Tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phối hợp Ngân hàng Thế giới tổ chức hội thảo lấy ý kiến về Báo cáo Quản trị cho an ninh nước ở Việt Nam và Dự thảo Nghị định quy định việc hạn chế khai thác nước dưới đất.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho biết trong phạm vi quốc gia, nguồn nước, hệ thống sông ngòi là nơi gánh chịu những ảnh hưởng rõ nét nhất từ các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội khi nhu cầu sử dụng nước ngày càng tăng, nhưng việc bảo vệ nguồn nước, triển khai các biện pháp sử dụng nước tiết kiệm lại chưa được chú trọng.

Nguồn sinh kế truyền thống và nguồn nước phục vụ sinh hoạt, tưới tiêu đã bị giảm sút, thậm chí là biến mất ở nhiều nơi, đồng thời, các tranh chấp trong việc chia sẻ, sử dụng nguồn nước trong lưu vực sông một cách công bằng, hợp lý giữa các địa phương, các bên liên quan trở thành một thách thức đối với an ninh nguồn nước.

Tại hai phiên họp Quản trị cho An ninh nước ở Việt Nam; Nghị định quy định việc hạn chế khai thác nước dưới đất, các đại biểu đề cập tới các vấn đề: Quản trị cho an ninh nước ở Việt Nam: hiện trạng và các phương án; giới thiệu Dự thảo Nghị định quy định việc hạn chế khai thác nước dưới đất nhằm góp ý các tiêu chí để khoanh định, công bố các vùng cấm, hạn chế khai thác nước dưới đất và áp dụng các biện pháp để hạn chế khai thác nhằm bảo vệ nước dưới đất; đồng thời đảm bảo đầy đủ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong việc thăm dò, khai thác nước dưới đất.

[Khai thác bền vững tài nguyên sông Mekong là trách nhiệm của tất cả]

Đại diện các bộ, ngành liên quan, các Sở Tài nguyên và Môi trường và đại diện các đại sứ quán... cùng tham gia thảo luận, qua đó nhận thức được tầm quan trọng của bảo vệ an ninh nguồn nước trong thời gian tới.

Vì vậy, bên cạnh những nỗ lực trong việc thúc đẩy hợp tác song phương, đa phương về phát triển bền vững nguồn nước, Việt Nam cần tập trung hoàn thiện chính sách, pháp luật, chiến lược, quy hoạch trong khai thác, sử dụng, bảo vệ nguồn nước; tiếp cận nhiều phương pháp, cách quản lý mới để quản lý tốt nguồn nước, nâng cao hiệu quả sử dụng nước.

Việc bảo đảm an ninh nguồn nước đã trở thành chủ đề hợp tác ưu tiên của các tổ chức, diễn đàn quốc tế, khu vực và cũng trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu của mỗi quốc gia.

Tại Việt Nam, trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội đã và đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng về an ninh nguồn nước.

Với khoảng 63% trong tổng trữ lượng 830-840 tỷ m3 nguồn nước bên ngoài lãnh thổ, an ninh nguồn nước của Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào động thái phát triển trên các con sông quốc tế như sông Hồng, sông Mekong.

Mặc dù đã tham gia các cơ chế hợp tác song phương, đa phương về phát triển bền vững nguồn nước, thực tế phát triển và xu hướng gia tăng khai thác nguồn nước của các quốc gia thượng nguồn đang đặt ra nhiều sức ép cho Việt Nam, một quốc gia ở hạ nguồn.

Năm 2008, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Quyết định số 15/2008/QĐ-BTNMT quy định bảo vệ tài nguyên nước dưới đất.

Quy định này ngoài việc quy định các biện pháp bảo vệ nước dưới đất trong các hoạt động khoan, đào, thăm dò khai thác nước dưới đất còn quy định cụ thể các tiêu chí để khoanh định, công bố các vùng cấm, hạn chế khai thác nước dưới đất và áp dụng các biện pháp để hạn chế khai thác nhằm bảo vệ nước dưới đất.

Kể từ khi được ban hành, đến nay mới chỉ có số ít địa phương đã ban hành quy định vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Long An, Bình Dương, Lạng Sơn, Hưng Yên…, còn lại đa phần các địa phương chưa ban hành quy định vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất.

Đến nay, để triển khai thi hành Luật Tài nguyên nước năm 2012, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã được Chính phủ giao dự thảo Nghị định Quy định việc hạn chế khai thác nước dưới đất để Nghị định có thể được triển khai hiệu quả bảo đảm khai thác, sử dụng bền vững nguồn nước dưới đất, đồng thời đảm bảo đầy đủ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong việc thăm dò, khai thác nước dưới đất./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục