Theo thông tin từ gia đình, nhà văn-nhà biên kịch Học Phi đã qua đời vào chiều 6/5, hưởng thọ 102 tuổi.
Tác giả Học Phi tên thật là Chu Văn Tập. Ông sinh năm 1913 tại Tam Nông (Tiên Lữ, Hưng Yên).
Ông tham gia cách mạng từ năm 14 tuổi và từng bị thực dân Pháp bắt giam tại nhà tù Hỏa Lò vào năm 1933.
Sau khi ra khỏi nhà tù thực dân (năm 1936), ông viết văn song song với hoạt động cách mạng. Tác phẩm đầu tay của ông là tiểu thuyết "Hai làn sóng ngược." Sau đó, ông viết tiếp hàng loạt truyện ngắn đăng trên các báo ở Hà Nội.
Nhà văn Học Phi bắt đầu viết kịch bản sân khấu từ năm 1944. Tên tuổi của ông gắn liền với các tác phẩm "Ni cô Đàm Vân," "Người kỹ nữ ở Đông Quan," "Cà sa giết giặc," "Chị Hòa, Một đảng viên," "Lúa mùa thu," "Mở đường"... Trong số đó, "Ni cô Đàm Vân” là tác phẩm gây được tiếng vang lớn và thành công hơn cả, được các đoàn nghệ thuật dựng lại nhiều lần.
Từ sau Cách mạng tháng Tám 1945, ông trải qua nhiều vị trí công tác như: Chủ tịch Ủy ban nhân dân Cách mạng tỉnh Hưng Yên, Tổng thư ký Hội Văn hóa kháng chiến Liên khu III, Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam, Chủ tịch Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam...
Tác giả Học Phi được trao tặng Huân chương Độc lập hạng nhất và Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (đợt 1 - năm 1996).
“Cha là tấm gương sáng về sức lao động bền bỉ, sự say mê với văn chương nghệ thuật. Hơn 100 tuổi nhưng cha tôi vẫn cầm bút, miệt mài sáng tác. Ông viết nhiều thể loại nhưng có lẽ kịch bản sân khấu là lĩnh vực ông thành công hơn cả,” nhà văn Chu Lai nhớ về cha mình./.