Sông Phan đang "chết"

Vĩnh Phúc: Sông Phan đang "chết" do nước thải

Sông Phan ở Vĩnh Phúc hiện nay đang "chết" dần do nước thải, rác của những khu công nghiệp và đô thị lớn đổ về gây ách tắc dòng chảy.
Sông Phan tại tỉnh Vĩnh Phúc hiện nay đang "chết" dần do nước thải, rác của những khu công nghiệp và đô thị lớn đổ về gây ách tắc dòng chảy, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Nhiều nguồn nước thải không qua xử lý của các khu đô thị lớn, các khu cụm công nghiệp, làng nghề trên địa bàn tỉnh đổ vào dòng sông. Nguy hiểm hơn, có nơi rác thải sinh hoạt, rác thải nguy hại làng nghề, vật liệu xây dựng đổ phủ kín hai bên bờ sông.

Ngoài ra, chất thải chăn nuôi của hàng trăm trang trai nuôi lợn, gà cũng xả thẳng xuống sông. Nhiều đoạn do rác thải quá nhiều khiến cho dòng chảy bị thu hẹp, gây tắc nghẽn khi có mưa lớn.

Theo điều tra của Sở Tài nguyên và Môi trường, mỗi ngày có ít nhất từ 34.000-43.000m3 nước thải và hàng trăm tấn rác thải đổ về sông Phan. Qua kiểm tra, nồng độ BOD5 vượt từ 1,9 đến 2,2 lần; nồng độ COD vượt từ 2,6 đến 2,8 lần; Amoni vượt từ 1,2 đến 1,6 lần so với tiêu chuẩn QCVN 08.

Trước đây, sông Phan là con sông lớn, là tuyến giao thông thủy quan trọng. Chất lượng nước sông rất tốt, có thể khai thác được rất nhiều loại tôm cá, nước sông là nguồn nước sinh hoạt chính của hàng chục ngàn hộ dân. Các vùng đất ngập nước thuộc lưu vực sông Phan có giá trị rất lớn với những hệ sinh thái quí giá.

Với lưu vực rộng trên 800km2, dòng chảy chính sông Phan tiếp nhận phần lớn lượng nước mưa của toàn bộ sườn phía nam của dãy Tam Đảo, dẫn nước qua hầu hết các đô thị và khu công nghiệp chính của tỉnh Vĩnh Phúc.

Vĩnh Phúc chủ trương đầu tư 32 tỷ đồng hỗ trợ làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường ở 15 xã khu vực nông thôn và khu vực sông Phan.

Từ nguồn kinh phí này, tỉnh đầu tư mua sắm 2.000 xe kéo hoặc xe đẩy để thu gom, vận chuyển rác thải, mua ba xe ôtô tải ben loại 2,5 tấn để chở rác, xây dựng 2.700 điểm tập kết và trung chuyển rác thải ở 15 xã... để "cứu" sông Phan./.

Lâm Đào An (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục