VN cần có chiến lược quản lý tài nguyên đất dài hạn

Để đảm bảo việc quản lý, khai thác, sử dụng đất đai bền vững, Việt Nam cần phải xây dựng chiến lược quản lý tài nguyên đất đai dài hạn.
Để đảm bảo việc quản lý, khai thác, sử dụng đất đai bền vững trong thế kỷ 21,  Việt Nam cần phải xây dựng chiến lược quản lý tài nguyên đất đai dài hạn.

Đó là nhận định chung của các nhà khoa học, chuyên gia và quản lý  tại Hội thảo “Quy hoạch sử dụng đất đai và việc xây dựng chiến lược quản lý tài nguyên đất đai dài hạn tại Việt Nam," do Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường tổ chức ngày 1/10, tại Hà Nội.

Trước những thách thức lớn mang tính toàn cầu như áp lực gia tăng dân số, tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, nguồn nước, sinh thái và an ninh năng lượng, đòi hỏi công tác quy hoạch sử dụng đất phải được xây dựng dựa trên tầm nhìn dài hạn, dự báo hai chiều cả về nhu cầu sử dụng cho các mục đích và những biến động về diện tích, chất lượng nguồn tài nguyên đất do những tác động thiên nhiên và con người gây ra.

Hệ lụy về chất lượng quy hoạch thấp

Trong những năm qua với xu thế công nghiệp hóa, đô thị hóa, quỹ đất đai Việt Nam được khai thác mạch mẽ cho các mục đích phi nông nghiệp. Song nền kinh tế phát triển nóng, cộng với đầu tư dàn trải do sự thu hút đầu tư “bằng mọi giá” của các địa phương, các ngành lĩnh vực đua nhau đầu tư sang cả những lĩnh vực không phải là thế mạnh của mình, đã gây ra những hệ lụy về kinh tế, xã hội và môi trường cần phải sớm được khắc phục.

Thực tế trong 10 năm qua, đã có gần gần 350.000ha đất lúa, trong đó có 270.000ha đất trồng lúa nước bị chuyển cho các mục đích sử dụng khác. Nhiều diện tích thuộc đồng bằng là dạng “bờ xôi ruộng mật” đã chuyển sang để phát triển đô thị, khu công nghiệp và các cơ sở phi nông nghiệp khác.

Khi diện tích đất lúa chuyển sang sản xuất phi nông nghiệp thì khả năng quay trở lại là rất khó, trong khi quỹ đất để khai hoang, mở rộng diện tích đất trồng lúa để bù đắp vào diện tích đất lúa đã mất đi là rất hạn chế và tốn kém.

Theo nhận xét của thạc sỹ Phạm Thị Minh Thủy, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường: Quá trình phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp cũng còn nhiều bất cập, chậm được khắc phục.

Đó là chất lượng quy hoạch chưa tốt; phát triển quá nhanh về số lượng; đầu tư phát triển dàn trải. Đơn cử như quản lý phát triển đô thị thời gian qua của thành phố Hà Nội. Trong quá trình lập quy hoạch chung điều chỉnh Thủ đô sau khi hợp nhất, Bộ Xây dựng đã kiểm tra 772 dự án cấp đất, chỉ có 58 dự án được tiếp tục triển khai, 153 dự án cần điều chỉnh chức năng xây dựng hoặc diện tích, 77 dự án tạm dừng để chờ quy hoạch chung điều chỉnh mới, có 30 dự án phải dừng hẳn.

Việc quy hoạch và phát triển các khu công nghiệp thiếu sự thống nhất trên quy mô liên vùng, liên tỉnh; chưa xem xét đồng bộ với quy hoạch phát triển đô thị, khu dân cư nông thôn, hạ tầng kinh tế-xã hội.

Nhiều địa phương đã đề nghị quy hoạch quá nhiều khu, cụm công nghiệp không phù hợp với điều kiện hạ tầng kinh tế-xã hội, khả năng và nhu cầu phát triển thực tế, dẫn đến thực trạng phát triển công nghiệp quá nóng gây áp lực lên tài nguyên đất.

Nhiều khu đã tiến hành thu hồi san lấp mặt bằng nhiều năm, nhưng khả năng thu hút đầu tư kém nên tiến độ thực hiện còn chậm, tỷ lệ lấp đầy thấp dẫn đến tình trạng đất bị bỏ hoang hóa, lãng phí nguồn tài nguyên.

Cụ thể tại Hưng Yên, Hà Nội, Hải Phòng, Đồng Nai, Long An, Bình Dương..., việc bố trí đất đai cho các khu công nghiệp nhiều nơi còn chưa hợp lý và tiết kiệm. Một số tỉnh có điều kiện thành lập và xây dựng các khu, cụm công nghiệp ở những khu vực đồi núi, đất nông nghiệp kém hiệu quả nhưng vẫn tiến hành quy hoạch và xin phép thành lập trên những vùng đất thuận tiện về vị trí, hạ tầng, địa hình bằng phẳng (chủ yếu là đất trồng lúa) để hạn chế phải đầu tư hạ tầng.

Theo số liệu báo cáo của các địa phương, đến hết quý 1/2013 đã rà soát phân loại 3.742 dự án khu đô thị mới, khu nhà ở với diện tích sử dụng đất 90.612ha; đã tạm dừng triển khai 138 dự án với diện tích 4.361ha; yêu cầu điều chỉnh quy hoạch và cơ cấu cho phù hợp đối với 432 dự án có diện tích khoảng 22.024ha.

Những giải pháp trong chiến lược sử dụng đất

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Mạnh Hiển khẳng định Nghị quyết 19 ngày 31/10/2012 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng đến năm 2020 Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp hóa theo hướng hiện đại, trong đó quan điểm chỉ đạo nêu rõ: “Đất đai được phân bổ hợp lý, sử dụng đúng mục đích, tiết kiệm và có hiệu quả cao; bảo đảm lợi ích trước mắt và lâu dài, bảo vệ môi trường sinh thái, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.”

Giai đoạn vừa qua, đặc biệt từ khi có Luật Đất đai năm 2003, việc quản lý, sử dụng đất có nhiều tiến bộ, trong đó có sự đóng góp rất quan trọng của công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Thông qua hệ thống quy hoạch sử dụng đất được tổ chức ở bốn cấp hành chính từ cả nước đến cấp xã.

Nhưng cùng với xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, công nghiệp hóa theo hướng hiện đại, phát triển nền kinh tế thị trường, một số vấn đề quan trọng đã và đang đặt ra đối với công tác quản lý đất đai trong thời gian tới.

Cụ thể như giải quyết xung đột giữa gia tăng dân số và an ninh lương thực; giữa công nghiệp hóa, đô thị hóa dưới tác động của biến đổi khí hậu với việc đảm bảo quỹ đất sản xuất nông nghiệp, nhất là sản xuất lương thực; quyền sử dụng đất đai; giữa công cụ quản lý kinh tế và công cụ quản lý hành chính; giữa việc đáp ứng nhu cầu hiện tại với việc đảm bảo khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai...

Đề cập về tầm nhìn chiến lược sử dụng tài nguyên đất của Việt Nam trong thế kỷ 21, phó giáo sư-tiến sỹ Vũ Năng Dũng, Hội Khoa học đất Việt Nam, cho biết Việt Nam là một trong những nước có bình quân diện tích đất tự nhiên và đất sản xuất nông nghiệp vào loại thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Bình quân diện tích đất tự nhiên 0,38ha/người, đất nông nghiệp chỉ vẻn vẹn 1.140m2/người.

Trong tương lai, khi dân số tăng lên thì hai chỉ tiêu này lại càng giảm hơn nữa. Mặt khác, tất cả các hoạt động kinh tế đều cần đến đất đai. Nên đất đai trở thành tài nguyên vô cùng quý giá, cần được quản lý và sử dụng có hiệu quả nhất cho đất nước trước mắt cũng như trong tương lai.

Theo đó, Việt Nam cần xây dựng chiến lược sử dụng đất lâu dài, trong mỗi giai đoạn phát triển kinh tế từ 15-20 năm, hoặc tầm nhìn xa hơn phải xây dựng và phê duyệt được chiến lược sử dụng đất ở cấp tỉnh và cấp quốc gia, để làm căn cứ cho quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất 10 năm, 5 năm phù hợp với sự phát triển của kinh tế đất nước.

Viêt Nam có ưu thế về bố trí giãn dân vùng đồng bằng đông đúc lên trung du và vùng núi theo suốt chiều dài của đất nước. Đây là giải pháp quan trọng trong chiến lược sử dụng đất lâu dài.

Mặt khác vùng trung du nằm sát vùng đồng bằng đông dân cư, các khu công nghiệp thuận tiện cả về mặt bằng xây dựng, cũng như giải quyết các vấn đề lao động và môi trường. Ví dụ vùng trung du Bắc Bộ, vùng ven biển miền Trung, Đông Nam Bộ... có thể xây dựng các thành phố, các khu công nghiệp lớn mà vẫn không cách xa các cảng biển, cũng như nguồn lao động dồi dào vùng đồng bằng.

Bên cạnh đó, nghiên cứu quy hoạch dài hạn 50 năm hay xa hơn; có kế hoạch 5 năm, 10 năm xây dựng mới, củng cố đê biển, đê ứng phó với biến đổi khí hậu bảo vệ đất sản xuất nông nghiệp, đất khu dân cư. Nếu không làm ngay sẽ bị động trước biến đổi khí hậu đã và đang diễn ra.

Đi đôi với việc thâm canh cao rừng trồng; bảo vệ nghiêm ngặt rừng phòng hộ và rừng đặc dụng; chú trọng tăng chất lượng rừng cả về kinh tế và bảo vệ nguồn nước, bảo vệ môi trường.

Xây dựng chiến lược sử dụng đất lâu dài cũng phải tính đếm tới việc sử dụng nguồn nước theo các lưu vực sông lớn, đảm bảo sự phát triển bền vững cả về kinh tế lẫn môi trường; Tiếp tục đầu tư, nghiên cứu đo đạc nắm vững số lượng, chất lượng của từng loại đất chính; Xây dựng cơ sở lưu trữ, quản lý về đất đai hiện đại phục vụ cho việc khai thác và sử dụng của các ngành kinh tế; Có kế hoạch khả thi sử dụng đất nhiễm mặn, đất cát, đất khô hạn, đất bị xói mòn, đất dốc và chống hoang mạc hóa, đất bị ô nhiễm bởi nước thải đô thị, công nghiệp và chất độc hóa học./.

Văn Hào (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục