Vụ ép học sinh yếu không thi vào lớp 10: Phải thay đổi cách đánh giá

Cô Chu Thị Xuân Hường, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Hoàng Mai đề xuất tổ chức một kỳ thi chung cho học sinh lớp 9 toàn thành phố để vừa xét công nhận tốt nghiệp, vừa xét tuyển vào lớp 10.
Vụ ép học sinh yếu không thi vào lớp 10: Phải thay đổi cách đánh giá ảnh 1Học sinh Hà Nội dự thi vào lớp 10. (Ảnh minh họa: Minh Sơn/Vietnam+)

Thông tin một số giáo viên ép học sinh có học lực yếu không được thi vào lớp 10 trở thành tâm điểm của dư luận những ngày qua. Thừa nhận hiện tượng này này có thật, lãnh đạo một số trường học và các chuyên gia cho rằng nếu không thay đổi cách đánh giá thi đua khen thưởng thì hiện tượng này sẽ vẫn tái diễn.

Vòng luẩn quẩn

Hiệu trưởng một trường trung học cơ sở ở Hà Nội cho hay tình trạng giáo viên vận động, thậm chí ép học sinh yếu không thi lớp 10 đã có từ nhiều năm, thậm chí giai đoạn hiện nay còn giảm so với trước do Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã nhiều lần yêu cầu các trường không được thực hiện các hành vi phản giáo dục này.

“Do không chọn lọc đầu vào nên ở bất cứ trường trung học cơ sở công lập nào cũng có những trường hợp học sinh có lực học yếu. Những học sinh này nếu xét một cách công bằng sẽ không đủ điều kiện tốt nghiệp trung học cơ sở, nhưng các bậc phụ huynh sẽ luôn năn nỉ giáo viên cho con mình được tốt nghiệp. Sau khi tốt nghiệp, các em dự thi vào lớp 10, điểm đương nhiên rất thấp, làm lộ rõ chất lượng thật đồng thời kéo điểm trung bình chung của học sinh toàn trường xuống. Vì thế, giáo viên sẽ đồng ý nâng điểm để học sinh được tốt nghiệp trung học cơ sở nhưng phụ huynh phải cam kết không cho con thi vào lớp 10,” vị hiệu trưởng này chia sẻ.

Theo thầy Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Lương Thế Vinh (Hà Nội), trong khi bệnh thành tích vẫn còn rất nặng nề trong ngành giáo dục thì những cách đánh giá khen thưởng hiện nay lại càng thúc đẩy các hành vi sai lệch. Cấp phòng áp lực vì cách tính thành tích của sở và tạo áp lực xuống hiệu trưởng, hiệu trưởng tạo áp lực xuống giáo viên, giáo viên tìm nhiều cách để đạt mục tiêu, trong đó có cả những cách không nên làm.

Vụ ép học sinh yếu không thi vào lớp 10: Phải thay đổi cách đánh giá ảnh 2Đánh giá giáo dục hiện nay đang chú trọng quá nhiều đến điểm số. (Ảnh minh họa: Minh Sơn/Vietnam+)

“Chúng ta đang lúng túng trong cách đánh giá thế nào là chất lượng giáo dục của nhà trường. Hiện cơ bản mới chỉ căn cứ vào điểm số, trong đó hết bậc trung học cơ sở thì căn cứ chính xác nhất là kết quả thi vào lớp 10. Chúng ta nói giáo dục toàn diện nhưng cuối cùng chỉ tập trung vào kết quả học tập dẫn đến nhiều hệ lụy. Tôi nghĩ ngành giáo dục phải có sự thay đổi trong cách đánh giá, nếu không thì sẽ vẫn như vậy, chỉ trong vòng luẩn quẩn. Từ chính sách đẩy thầy cô vào những việc làm sai dù họ không muốn,” thầy Bình chia sẻ.

Cần thay đổi thước đo giáo dục

Theo phó giáo sư, tiến sỹ Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục - Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, cần phải đo hiệu quả giáo dục của các nhà trường thể hiện qua sự tiến bộ liên tục của trẻ về các mặt kiến thức, kỹ năng và đạo đức qua từng học kỳ và năm học. Tương tự, đánh giá giáo viên không phải chỉ ở việc luyện ra được bao nhiêu học sinh giỏi trong số các em chăm ngoan, có ý thức mà cần đánh giá ở khía cạnh một giáo viên đã chuyển hóa được bao nhiêu học sinh mất động lực hứng thú học tập, gặp khó khăn trong phương pháp học tập bộ môn có lại niềm tin, có lại động lực, xác định lại được con đường tương lai của mình.

[Bộ GD-ĐT xác minh thông tin ép học sinh lớp 9 không thi lớp 10]

Cùng quan điểm này, thầy Nguyễn Quốc Bình cho rằng điểm số chỉ là một phần, giáo dục còn nhiều yếu tố khác thậm chí còn quan trọng hơn cả kiến thức, đó là đạo đức, kỹ năng, lối sống của học sinh, năng lực tư duy... “Vì vậy, đánh giá giáo dục trong nhà trường cần phải chú trọng đến sự thay đổi, tiến bộ của học sinh so với chính em đó ở nhiều khía cạnh chứ không chỉ là điểm số,” thầy Bình nói.

Tuy nhiên, việc đánh giá về đạo đức, kỹ năng, lối sống của học sinh lại là yếu tố mang tính định tính nhiều hơn định lượng. Vì vậy, thầy Bình cho rằng ngành giáo dục cần có sự nghiên cứu kỹ để có thể có điều chỉnh cách đánh giá phù hợp.

Tiến sỹ Nguyễn Tùng Lâm đề xuất thay đổi cơ chế quản lý, thi đua theo hướng giao quyền tự chủ cho nhà trường, giáo viên để họ có những sáng kiến hỗ trợ học sinh tốt nhất. Nhấn mạnh việc mỗi học sinh là một cá nhân đặc biệt với những tố chất riêng, tiến sỹ Nguyễn Tùng Lâm cho rằng việc đánh giá cào bằng trên một tiêu chuẩn chung như hiện nay là không phù hợp.

Việc thay đổi đánh giá ngay trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 được cho là sẽ có thể triển khai ngay và dễ thực hiện hơn. Ông Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Trung học phổ thông FPT cho rằng có thể thực hiện việc đăng ký dự thi vào lớp 10 trực tiếp với sở giáo dục và đào tạo, không cần thông qua các trường trung học cơ sở, nhằm hạn chế sự can thiệp của các trường.

Trong khi đó, cô Chu Thị Xuân Hường, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Hoàng Mai (quận Hoàng Mai, Hà Nội) đề xuất tổ chức một kỳ thi chung cho học sinh lớp 9 toàn thành phố để vừa xét công nhận tốt nghiệp bậc trung học cơ sở, vừa xét tuyển vào lớp 10.

“Khi đó, sẽ không còn hiện tượng giáo viên vận động học sinh yếu không thi vào lớp 10 mà cả thầy và trò sẽ phải tập trung cho một mục tiêu duy nhất là đạt điểm cao trong kỳ thi. Cách làm này cũng sẽ cho thấy chất lượng giáo dục thực sự của các trường, đảm bảo quyền lợi của mọi học sinh và sự công bằng trong đánh giá cho các nhà trường,” cô Hường nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục