Vụ SVB phá sản: Ngân hàng Indonesia nỗ lực ngăn chặn tác động

Thống đốc Ngân hàng trung ương Indonesia nhận định rủi ro tác động trực tiếp gần như bằng 0 vì hầu hết các ngân hàng Indonesia không đầu tư tiền, không gửi tiền vào SVB, Silvergate và Signature.
Vụ SVB phá sản: Ngân hàng Indonesia nỗ lực ngăn chặn tác động ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Thejakartaglobe)

Ngày 16/3, Thống đốc Ngân hàng trung ương Indonesia (BI) Perry Warjiyo cho biết sự sụp đổ của 3 ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB), Silvergate và Signature ở Mỹ không tác động trực tiếp đến ngành ngân hàng ở quốc gia Đông Nam Á này, song bất ổn trên thị trường tài chính toàn cầu tiếp tục ảnh hưởng đến tỷ giá hối đoái của đồng nội tệ rupiah.

Phát biểu với báo giới sau cuộc họp 2 ngày của Hội đồng Thống đốc BI, ông Perry nhận định rủi ro tác động trực tiếp gần như bằng 0 vì hầu hết các ngân hàng Indonesia không đầu tư tiền cũng như không gửi tiền vào 3 ngân hàng này. Hơn nữa, các ngân hàng Indonesia hiếm khi sở hữu trái phiếu kho bạc Mỹ.

Tuy nhiên, Thống đốc Perry cho rằng tác động lan tỏa của vụ việc này cần được theo dõi vì ảnh hưởng của chúng đối với tâm lý và kỳ vọng của thị trường.

Trên thực tế, tâm lý thị trường tiêu cực đã gây hỗn loạn trên thị trường tài chính toàn cầu trong tuần qua, đồng thời kích hoạt dòng vốn nước ngoài chảy ra khỏi các nước đang phát triển, gây áp lực đối với tỷ giá hối đoái ở nhiều nước, trong đó có Indonesia.

[Vụ SVB phá sản: Hàn Quốc xem xét các biện pháp dự phòng rủi ro]

Ông Perry cho biết dòng vốn nước ngoài vào thị trường tài chính trong nước, đặc biệt là các danh mục đầu tư, từ đầu năm đến ngày 14/3 đạt 3 tỷ USD và dòng tiền chảy ra trong tháng 3 này phản ánh tình trạng bất ổn ngày càng gia tăng của thị trường tài chính toàn cầu.

Cùng với đó, tỷ giá hối đoái của đồng rupiah từ đầu năm đến ngày 15/3 đã tăng 1,32%. Tuy vậy, nếu so với cuối tháng 2/2023, giá trị của đồng rupiah đã mất 0,75%.

Ông Perry tuyên bố BI sẽ tiếp tục các động thái can thiệp nhằm ổn định tỷ giá hối đoái của đồng rupiah cũng như tâm lý thị trường, đồng thời bày tỏ lạc quan tỷ giá hối đoái của đồng rupiah sẽ mạnh lên, phù hợp với sự ổn định của hệ thống tài chính Indonesia.

Ông Perry khẳng định: “BI sẽ tiếp tục hỗ trợ tâm lý thị trường bằng cách ổn định tỷ giá hối đoái của đồng rupiah, can thiệp và phối hợp với Bộ Tài chính, Cơ quan Dịch vụ Tài chính Indonesia (OJK) và Cơ quan Bảo hiểm Tiền gửi Indonesia (LPS) để đảm bảo rằng mọi thứ đều được kiểm soát”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục