Vụ SVB phá sản: Hàn Quốc xem xét các biện pháp dự phòng rủi ro

Giới chức quản lý tài chính của Hàn Quốc đã triệu tập một cuộc họp cấp chuyên viên, thảo luận các biện pháp cải thiện năng lực tài chính nhằm giảm thiểu những thiệt hại tiềm tàng từ khủng hoảng.
Vụ SVB phá sản: Hàn Quốc xem xét các biện pháp dự phòng rủi ro ảnh 1Đồng won của Hàn Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Giới chức tài chính của Hàn Quốc đã kêu gọi các ngân hàng trong nước tăng cường năng lực ứng phó nhằm đề phòng nguy cơ xảy ra khủng hoảng sau sự sụp đổ của 2 ngân hàng lớn tại Mỹ là Silicon Valley Bank (SVB) và Signature Bank.

Những tuyên bố phá sản mới đây của các ngân hàng này đã làm dấy lên lo ngại về tác động đối với thị trường tài chính toàn cầu và khả năng Mỹ siết chặt quản lý tiền tệ.

Trong ngày 15/3, giới chức quản lý tài chính của Hàn Quốc đã triệu tập một cuộc họp cấp chuyên viên, thảo luận các biện pháp cải thiện năng lực tài chính nhằm giảm thiểu những thiệt hại tiềm tàng từ các cuộc khủng hoảng.

[Các cổ đông kiện công ty mẹ của SVB che giấu nguy cơ phá sản]

Phát biểu tại cuộc họp trên, Phó Chủ tịch Ủy ban Dịch vụ Tài chính (FSC) Kim So-young nêu rõ tác động của việc các ngân hàng Mỹ phá sản đối với thị trường tài chính Hàn Quốc là khá hạn chế. Tuy nhiên, các cơ quan quản lý sẽ theo dõi những diễn biến trên thị trường và nỗ lực hết sức để duy trì sự ổn định tài chính.

Quan chức này đồng thời nhấn mạnh hiện là thời điểm cần phải củng cố nền tảng vững chắc của các tổ chức tài chính, đồng thời thúc đẩy các biện pháp mở rộng cơ sở vốn và tăng cường khả năng đối phó với thua lỗ.

Các biện pháp khả thi đang được xem xét bao gồm cả việc tăng vốn cổ phần của các ngân hàng trong nước, giúp các thể chế này giảm thiểu những tổn thất có thể xảy ra do các cuộc khủng hoảng tài chính.

Theo FSC, tỷ lệ vốn cổ phần phổ thông trung bình của các ngân hàng Hàn Quốc tính trên tổng vốn hoạt động của ngân hàng là 12,26% (tính đến tháng 9/2022), thấp hơn mức 14,74% ghi nhận tại Liên minh châu Âu (EU), 15,65% của Anh và 12,37% của Mỹ.

Theo dự kiến, cơ quan này cũng sẽ tiến hành các cuộc đánh giá khả năng ứng phó với rủi ro của các ngân hàng và yêu cầu họ tăng quỹ phòng ngừa ứng phó rủi ro, tùy thuộc vào kết quả đánh giá.

Ngoài ra, hệ thống dự phòng rủi ro cho vay hiện tại của các ngân hàng trong nước cũng sẽ được cải tổ, có thể bao gồm các điều khoản dự dự phòng tổn thất đặc biệt./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục