Vụ xây chui hơn 200 căn biệt thự ở Hưng Yên: Chờ cấp trên 'soi xét'

Vụ xây chui hơn 200 biệt thự ở Hưng Yên: Rút kinh nghiệm, chờ xử lý

Theo yêu cầu của lãnh đạo tỉnh Hưng Yên, giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường đã có báo cáo kiểm điểm “rút kinh nghiệm sâu sắc," còn Sở Xây dựng vẫn chưa có báo cáo, dù đã quá hạn.
Vụ xây chui hơn 200 biệt thự ở Hưng Yên: Rút kinh nghiệm, chờ xử lý ảnh 1Một góc dự án Vườn Vạn Tuế. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Liên quan đến vụ “đại” dự án Khu biệt thự và nhà phố Vườn Vạn Tuế-Sago Palm Garden tại huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên “xây chui, bán lủi” hơn 200 căn nhà biệt thự, liền kề trong suốt gần 3 năm trời khi chưa có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, chưa được giao đất, chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính, lãnh đạo các sở liên quan đã có báo cáo kiểm điểm và tự nhận mức kiểm điểm “rút kinh nghiệm sâu sắc.”

Riêng Sở Xây dựng Hưng Yên, lãnh đạo cho biết hiện vẫn chưa có báo cáo kiểm điểm nên cũng chưa biết nhận mức kiểm điểm gì, dù hạn cuối phải báo cáo gửi lên Ban thường vụ tỉnh đã quá 2 tuần so với yêu cầu.

Chưa biết nhận mức kiểm điểm gì?

Trước đó, tại buổi làm việc với phóng viên VietnamPlus, ông Bùi Thế Cử, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hưng Yên, cho biết tinh thần chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân tỉnh là yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Ủy ban Nhân dân huyện Văn Giang, Ủy ban Nhân dân Phụng Công phải kiểm điểm các tập thể, cá nhân liên quan đến sai phạm tại dự án Vườn Vạn Tuế.

Các tập thể, cá nhân liên quan có trách nhiệm báo cáo kiểm điểm trước ngày 30/6/2020. Trên cơ sở kết quả kiểm điểm, tỉnh sẽ xem xét thực hiện các bước xử lý sau, nếu đến mức phải kỷ luật sẽ nghiêm túc triển khai, tuyệt đối không bao che.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, đến ngày 14/7, Sở Xây dựng vẫn chưa có báo cáo gửi lãnh đạo tỉnh Hưng Yên để xem xét, đưa ra hướng xử lý trách nhiệm.

[Trôi nổi quả bóng trách nhiệm: Cấp trên làm sai, cấp dưới chịu tội]

Trao đổi với phóng viên VietnamPlus về nội dung trên, ông Lương Anh Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng Hưng Yên cho biết hiện đơn vị vẫn đang triển khai báo cáo và dự kiến sẽ gửi lên lãnh đạo tỉnh trong tháng 7/2020. Cũng bởi chưa báo cáo tỉnh nên bản thân ông Tuấn khi được hỏi cũng “chưa biết nhận mức kiểm điểm gì.”

Dù vậy, ông Tuấn khẳng định đồng ý với Kết luận Thanh tra tỉnh Hưng Yên đã công bố trong tháng 4/2020 là Sở Xây dựng đã tiếp nhận hồ sơ trình thẩm định thiết kế công trình của dự án Vườn Vạn Tuế khi chưa có văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng. Việc này theo Kết luận Thanh tra tỉnh là chưa đảm bảo theo quy định.

Liên quan đến việc chậm phát hiện, để chủ đầu tư xây dựng “đại” công trình trái phép trong thời gian dài, ông Tuấn cho rằng một phần nguyên nhân là do “lỗ hổng” trong quản lý trật tự xây dựng không quy định cụ thể nên vẫn xảy ra tình trạng đùn đẩy-né tránh trách nhiệm từ trên tỉnh đến cơ sở, đặc biệt là cấp xã, huyện.

Về phía Sở, ông Tuấn cho biết tháng 4/2019, Sở Xây dựng mới phát hiện chủ đầu tư xây dựng trái phép, sau đó đã tổ chức kiểm tra và yêu cầu dừng thi công.

Lý giải về trách nhiệm trên, ông Tuấn cho rằng “do những hoàn cảnh, điều kiện khác nhau nên lắm lúc nhiều việc quá cũng chỉ ‘thẩm định dự án theo hồ sơ’ và cán bộ thanh tra mỏng nên việc kiểm tra cũng không xuể. Hơn nữa, nhiều khi đi trên đê cũng không thấy được vì có thể lẫn lộn với các dự án xung quanh."

Báo cáo “mật” nên không thể cung cấp

Cùng chung cảnh bị yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm, ông Nguyễn Văn Phú, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hưng Yên, cho hay theo yêu cầu của lãnh đạo tỉnh, Sở này đã có báo cáo kiểm điểm ngày 1/7/2020.

Tuy nhiên, khi đề nghị được tiếp cận báo cáo để xác thực nội dung kiểm điểm, ông Phú cho rằng “báo cáo kiểm điểm đó là báo cáo mật nên không cung cấp được.”

Về phần trách nhiệm, ông Phú cho rằng ông mới về công tác tại Sở Tài nguyên và Môi trường vào cuối năm 2017, nên không nắm được nhiều thông tin. Ông cho rằng trong vụ việc này, trách nhiệm thuộc về các sở, ngành, nhất là cấp xã, huyện.

“Nói thế có thể nhiều người cho là bao biện nhưng ở cấp cơ sở là xã, huyện, việc dự án xây dựng sai phạm trong thời gian dài mà không phát hiện là có vấn đề. Trách nhiệm của người đứng đầu cấp cơ sở là phải báo cáo lên trên. Trong vụ việc này không biết họ có phát hiện không? Hay phát hiện nhưng không giám làm, không báo cáo? Chứ bản thân tôi, nhiều khi có vụ việc mới đi kiểm tra, bình thường ít khi xuống thực tế nên cũng không nắm hết được,” ông Phú nói.

[Bộ TN-MT đốc thúc thực hiện hệ thống thông tin đất đai đa mục tiêu]

Dù vậy, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hưng Yên cũng thừa nhận bản thân ông cũng không thể thoái thác trách nhiệm với tư cách là người đứng đầu của sở. Vì thế, ông cho biết đã nhận mức kiểm điểm là “nghiêm túc rút kinh nghiệm.”

Vụ xây chui hơn 200 biệt thự ở Hưng Yên: Rút kinh nghiệm, chờ xử lý ảnh 2Dự án Vườn Vạn Tuế xây dựng khi chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư, chưa được giao đất. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bên cạnh nhận trách nhiệm của người đứng đầu, ông Phú cho biết Sở Tài nguyên và Môi trường Hưng Yên cũng đã yêu cầu kiểm điểm đối với một số tập thể là Thanh tra Sở, Chi cục Quản lý đất đai và một số cá nhân có liên quan.

Kỷ luật thế nào còn chờ cấp trên “soi xét”

Là cơ quan được nhắc đến đầu tiên trong Kết luận thanh tra dự án Vườn Vạn Tuế-Sago Palm Garden của Thanh tra tỉnh Hưng Yên, ông Trịnh Văn Diễn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho rằng trong vụ việc trên, chủ đầu tư dự án Vườn Vạn Tuế sai hoàn toàn bởi “mới có thông báo, chưa có quyết định chủ trương đầu tư, chưa được giao đất, chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính mà đã thi công xây dựng và kinh doanh bất động sản khi chưa đầy đủ điều kiện là sai pháp luật.”

Theo ông Diễn, trách nhiệm của Sở Kế hoạch và Đầu tư là giám sát quá trình đầu tư nhưng dự án chưa có quyết định đầu tư xây dựng nên “không có căn cứ gì để giám sát.” Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận là sở có nắm được thông tin đầu tư nên phía sở cũng có trách nhiệm.

Về việc chậm phát hiện sai phạm, ông Diễn cho biết đến năm 2019, sở mới nhận được thông báo và biết dự án đang xây dựng nên đã yêu cầu dừng thi công.

“Để xảy ra sai phạm này, một phần là do chồng chéo giữa các Luật Đấu thầu, Đất đai, Nhà ở, Đầu tư; cán bộ thanh tra quá mỏng nên không thường xuyên kiểm tra. Bản thân tôi mới về nên cũng không quán xuyến hết,” ông Diễn nói thêm.

Trên cơ sở đó, ông Diễn cho biết Sở đã họp và thống nhất kiểm điểm Phòng Kinh tế đối ngoại của Sở Kế hoạch và Đầu tư ở góc độ tập thể. Cá nhân ông cũng nhận trách nhiệm là người đứng đầu sở. Còn mức độ vi phạm, ảnh hưởng, kỷ luật thế nào thì còn chờ lãnh đạo cấp trên “soi xét.”/.

Thu vài trăm tỷ đồng nhưng chỉ nộp vài trăm triệu tiền thuế cho nhà nước

Tại kết luận thanh tra dự án Vườn Vạn Tuế, Thanh tra tỉnh Hưng Yên chỉ rõ: Dù chưa có văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng trong 3 năm (2017, 2018, 2019), Công ty Đại Hưng đã ký 61 hợp đồng hợp tác đầu tư nguyên tắc. Trong năm 2018, 2019, Công ty Đại Hưng đã bán 43 căn hộ. Trong đó, 42 căn hộ đã ký Hợp đồng hợp tác đầu tư nguyên tắc nay chuyển thành hợp đồng mua bán nhà.

Tổng số tiền Công ty Đại Hưng thu được từ Hợp đồng hợp tác đầu tư nguyên tắc, hợp đồng mua bán nhà và các khoản thu khác là hơn 244 tỷ đồng. Trong năm 2017, 2018, công ty thu tiền từ việc ký các hợp đồng với khách hàng tổng số hơn 236 tỷ đồng, nhưng mới hạch toán vào sổ sách gần 27 tỷ đồng, còn lại hơn 209 tỷ đồng chưa vào sổ sách. Trong khi đó, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp từ 2012-2019 là hơn 167 triệu đồng, nhưng chủ đầu tư mới nộp hơn 121 triệu đồng, còn thiếu hơn 45 triệu đồng.

Tại thời điểm thanh tra (tháng 3/2020), Công ty Đại Hưng còn phải nộp hơn 2,1 tỷ đồng tiền thuê đất, nhưng chưa nộp.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục