WMO: Lỗ thủng tầng ozone đang nhỏ dần

Theo WMO, lỗ thủng tầng ozone, lá chắn bảo vệ trái đất tránh được tác hại của tia cực tím từ mặt trời, có thể sẽ nhỏ hơn trong năm 2009.
Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) ngày 16/9 thông báo lỗ thủng tầng ozone, lá chắn bảo vệ trái đất tránh được tác hại của tia cực tím từ mặt trời, có thể sẽ nhỏ hơn trong năm 2009.

Theo kết quả các đợt quan sát của tổ chức trên, diện tích lỗ thủng tại tầng khí quyển này đang thu hẹp dần so với lỗ thủng quan sát được từ năm 2006 đến năm 2008.

Các chuyên gia nghiên cứu cho biết lỗ thủng tầng ozone được phát hiện từ những năm 1980 của thế kỷ trước ở vùng Nam Cực.

Theo thông lệ, "vết rách" này được hình thành vào tháng 8 hàng năm và nó đạt đến kích thước tối đa vào cuối tháng 9 hoặc đầu tháng 10 trước khi lành trở lại vào tháng 12, tùy thuộc vào điều kiện thời tiết.

Năm nay, lỗ thủng tầng ozone hình thành sớm hơn so với những năm trước đây. Vào ngày 16/9, lỗ thủng tầng ozone đo được là 24 triệu km2, nhỏ hơn so với kích thước lớn nhất đo được trong năm 2008 là 27 triệu km2 và năm 2007 là 25 triệu km2.

Tuy nhiên, các nhà khoa học cảnh báo "tổn thương" của tầng ozone hiện nay là khá nặng và với nỗ lực bảo vệ như hiện nay, tầng khí quyển này chỉ có thể phục hồi hoàn toàn vào năm 2075.

Tầng ozone là một tấm lọc tự nhiên ngăn chặn tia cực tím từ mặt trời, loại tia có hại cho sức khỏe con người như gây ra các bệnh ung thư da, đục thủy tinh thể... cũng như phá hoại nghiêm trọng thảm thực vật. Hiện tượng thủng tầng ozone xảy ra do sự ô nhiễm từ các hóa chất sử dụng trong các ngành công nghiệp, tích lũy lâu ngày trong không khí.

Theo Nghị định thư Montreal về chống biến đổi khí hậu ký năm 1987, phần lớn các hóa chất độc hại dùng trong các ngành công nghiệp đã bị cấm, tuy nhiên những hóa chất này từ trước đó hiện vẫn còn tồn đọng trong khí quyển./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục