WTO bất đồng về lựa chọn nhà lãnh đạo tạm quyền

Các nước thành viên của WTO đã không thể đưa ra một lựa chọn thống nhất về chỉ định một trong 4 phó tổng giám đốc đương nhiệm làm nhà lãnh đạo tạm quyền.
Logo bên ngoài trụ sở WTO ở Geneva, Thụy Sĩ. (Nguồn: Reuters)
Logo bên ngoài trụ sở WTO ở Geneva, Thụy Sĩ. (Nguồn: Reuters)

Ngày 31/7, các quốc gia thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đã không đạt được nhất trí về việc lựa chọn một nhà lãnh đạo tạm quyền trong vài tháng, thay thế Tổng Giám đốc Roberto Azevedo vừa từ chức.

Phát biểu họp báo, người phát ngôn của WTO Keith Rockwell cho biết các nước thành viên của WTO đã không thể đưa ra một lựa chọn thống nhất về chỉ định một trong 4 phó tổng giám đốc đương nhiệm làm nhà lãnh đạo tạm quyền của thể chế này. 

WTO hiện có 4 phó tổng giám đốc, gồm ông Yonov Frederick Agah người Nigeria, ông Karl Brauner người Đức, ông Dịch Tiểu Chuẩn người Trung Quốc và ông Alan Wolff người Mỹ.

Theo quy định của WTO, các nước thành viên có thể bầu chọn một trong 4 phó tổng giám đốc giữ chức tổng giám đốc tạm quyền cho đến khi chọn ra được một người đứng đầu chính thức.

[Tổng Giám đốc Roberto Azevedo: WTO phải đối mặt với áp lực khủng khiếp]

Hiện có 8 ứng cử viên tham gia tranh "ghế nóng" của thể chế này, trong đó có nhiều gương mặt khá quen thuộc trên trường quốc tế như cựu Bộ trưởng Thương mại Anh Liam Fox, cựu Bộ trưởng Kinh tế Saudi Arabia Mohammed al-Tuwaijri, cựu Phó Tổng Giám đốc WTO người Mexico Jesus Seade Kuri hay Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc Yoo Myung-hee.

Giữa tháng 5 vừa qua, Tổng Giám đốc đương nhiệm của WTO Roberto Azevedo đã bất ngờ thông báo quyết định từ chức vì lý do gia đình, sớm hơn một năm trước khi nhiệm kỳ thứ hai của ông chính thức kết thúc.

Nhà ngoại giao người Brazil rời WTO giữa lúc thể chế này đang đối mặt với một loạt cuộc khủng hoảng nghiêm trọng, trong đó có căng thăng thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc và kinh tế thế giới suy giảm do đại dịch COVID-19.

Kể từ khi thành lập vào năm 1995, WTO đã có 3 tổng giám đốc là người châu Âu, trong khi châu Đại Dương, châu Á và Nam Mỹ - mỗi châu lục từng có 1 người đảm nhận cương vị này.

Mỗi nhiệm kỳ kéo dài 4 năm và ứng cử viên đắc cử phải nhận được sự ủng hộ đa số của 164 nước thành viên WTO qua mỗi lần bình chọn./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục