Xây dựng kế hoạch toàn diện ứng phó với thiên tai

Theo ông Nguyễn Xuân Diệu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục thủy lợi, ứng phó với thiên tai thì phải xây dựng kế hoạch toàn diện.
Cách đây 67 năm, ngày 22/5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh số 70 thành lập Ủy ban Trung ương hộ đê, tiền thân của Ban chỉ đạo phòng, chống lụt bão Trung ương ngày nay.

Để khẳng định tầm quan trọng của công tác phòng chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai ở Việt Nam cũng như động viên cán bộ, chiến sỹ và toàn thể nhân dân trong cả nước nêu cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực phấn đấu trong công tác phòng, chống lụt, bão, khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra; đồng thời để tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) đã quyết định lấy ngày 22/5 hàng năm là “Ngày truyền thống phòng, chống lụt, bão, giảm nhẹ thiên tai của Việt Nam.”

Nhân kỷ niệm ngày truyền thống phòng, chống lụt, bão, giảm nhẹ thiên tai năm nay, phóng viên TTXVN đã phỏng vấn ông Nguyễn Xuân Diệu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục thủy lợi về vấn đề này.

- Xin ông đánh giá khái quát công tác phòng chống lụt bão giảm nhẹ thiên tai của các cấp ban ngành và địa phương trong năm qua?

Ông Nguyễn Xuân Diệu: Năm 2012, chúng ta gặp rất nhiều loại hình thiên tai như giông lốc, bão lũ, đặc biệt có 12 cơn bão trên biển Đông và có khoảng 4 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam. Ngay từ đầu năm các cấp, các ngành của Trung ương cũng như các địa phương đã chuẩn bị sẵn sàng tập trung cao độ công tác phòng chống lụt bão.

Các địa phương triển khai công tác phòng chống lụt bão sẵn sàng công tác “4 tại chỗ” tập huấn diễn tập triển khai các phương án, đặc biệt là nâng cao tinh thần cảnh giác đối với việc an toàn hồ chứa trong đó có những hồ chứa thủy điện.

Tuy nhiên, do nguồn vốn có nhiều khó khăn nên phải dùng rất nhiều vật tư dự trữ tại chỗ để ứng phó những tình huống bất ngờ xảy ra đặc biệt là những vật tư ở trong nhân dân chuẩn bị cho công tác hộ đê, công tác ứng cứu hồ đập...

Bên cạnh đó, lực lượng quân đội cũng luôn sẵn sàng cùng với các địa phương xây dựng kế hoạch tác chiến trong bảo vệ các công trình trọng điểm của địa phương... Nhờ chuẩn bị chu đáo nên mặc dù thiên tai xảy ra nhưng thiệt hại trong năm qua đều ít hơn so với những năm trước đây.

- Những năm gần đây, do tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, thiên tai, lụt, bão diễn biến hết sức phức tạp, theo ông vấn đề quan trọng nhất trong nâng cao năng lực phòng chống và giảm nhẹ thiên tai trong thời gian tới sẽ như thế nào, thưa ông ?

Ông Nguyễn Xuân Diệu: Ứng phó với thiên tai thì phải xây dựng kế hoạch toàn diện. Trước hết là các giải pháp phi công trình và trong đó vẫn phải khẳng định việc nâng cao nhận thức của cộng đồng và quản lý thiên tai dựa vào cộng đồng là một trong những trọng tâm để người dân tự nâng cao nhận thức và năng lực cộng đồng ứng phó với thiên tai.

Ngoài ra, cần tăng cường các lực lượng chuyên nghiệp như các lực lượng của quân đội, tăng cường công tác dự trữ vật tư phương tiện và lương thực thực phẩm để ứng cứu giúp dân khi thiên tai xảy ra tương đối mạnh và nguy hiểm, trường hợp thiệt hại trên diện rộng thì phải đảm bảo an sinh xã hội càng nhanh càng tốt.

Về mặt quản lý, Nhà nước cũng phải đầu tư xây dựng các công trình phòng chống thiên tai như hệ thống đê sông, đê biển, chủ động ứng phó nước biển dâng hoặc tần suất các loại hình thiên tai nghiêm trọng có thể xảy ra, từ đó đảm bảo an toàn các khu dân cư nói chung cũng như sản xuất nói riêng.

Đồng thời phải nâng cao tính chuyên nghiệp của các lực lượng cứu hộ cứu nạn, các trang thiết bị hiện đại để ứng cứu người dân trong những tình huống thiên tai bất khả kháng; trang bị các thiết bị phương tiện chuyên dùng, lực lượng quân đội công an và dân quân tự vệ phải được huấn luyện ngày càng chuyên nghiệp hơn để có thể hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại khi thiên tai xảy ra.

Hiện Việt Nam xảy ra khoảng 19 loại thiên tai, nếu xét về mức độ nguy hiểm của thiên tai thì động đất và sóng thần là một trong những thiên tai bất ngờ nhất, không dự báo được và có thể gây ra thảm họa lớn.

Việt Nam may mắn vì chưa có trận động đất mang lại thiệt hại to lớn, mà thường xuyên xảy ra và nguy hiểm nhất trong nhiều năm qua có thể nói là lũ, đặc biệt là lũ quét năm nào cũng có ở nhiều vùng trên cả nước và những trận lũ này gây ra chết người, mất tài sản, trôi sập nhà cửa, các thiệt hại khác về hạ tầng...

Chúng ta có rất nhiều biện pháp nhưng cũng chưa tránh được tuyệt đối loại hình thiên tai này cho nên số người chết trong thiên tai lũ quét vẫn rất lớn.

Bão trên biển Đông cũng rất nguy hiểm nhưng đến nay chúng ta đã tăng cường được năng lực cho người dân khai thác thủy hải sản, sự cảnh báo dự báo tốt và thông tin cảnh báo tàu thuyền cũng tích cực từ Trung ương đến địa phương nên người dân đã có nhận thức cao hơn, từ đó hạn chế được thiệt hại...

Hiện vấn đề nâng cao nhận thức cho cộng đồng nhận được sự quan tâm của Chính phủ và các tổ chức quốc tế, các địa phương đã tập huấn tuyên truyền xây dựng kế hoạch và các công tác ở địa phương để phòng tránh, góp phần tạo điều kiện để mọi người có thể chủ động phòng tránh được thiên tai.

- Dự kiến Luật Phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai sẽ được thông qua tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII. Theo ông, nếu được thông qua Luật sẽ góp phần tăng cường hiệu quả như thế nào trong công tác phòng chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai của các Bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương?

Ông Nguyễn Xuân Diệu: Nếu Luật Phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai được thông qua thì công tác phòng chống thiên tai hiện nay sẽ chuyển từ giai đoạn thực hiện theo chỉ đạo trở thành thực hiện theo pháp luật. Tức là mọi người dân kể cả các tổ chức, cộng đồng và các cơ quan phải thực hiện công tác phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai theo Luật.

Luật đã quy định phân biệt rất rõ chức năng nhiệm vụ của từng cơ quan Nhà nước, từng tổ chức xã hội vai trò tham gia của doanh nghiệp, cộng đồng quy định trong luật. Đây cơ sở pháp lý để chúng ta triển khai công tác phòng chống thiên tai trong thời gian tới hiệu quả hơn.

- Xin cảm ơn ông./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục