Các loại cá nên và không nên dùng đối với bà bầu, trẻ nhỏ

Phụ nữ mang thai, cho con bú cũng như trẻ nhỏ nên tiêu thụ khẩu phần khoảng 227-340 gram cá, tương đương với 2-3 bữa ăn/tuần, gấp bốn lần so với lượng tiêu thụ hiện tại.
Các loại cá nên và không nên dùng đối với bà bầu, trẻ nhỏ ảnh 1Cá hồi nằm trong số những loại hải sản có hàm lượng thủy ngân thấp được khuyên dùng. (Nguồn: bulsport.bg)

Phụ nữ mang thai, cho con bú hoặc đang có kế hoạch mang thai cũng như trẻ nhỏ nên tăng lượng cá có hàm lượng thủy ngân thấp trong khẩu phần ăn để tăng cường sức khỏe và cung cấp đầy đủ dinh dưỡng quan trọng cho sự phát triển của trẻ.

Đây là lời khuyên được Cơ quan kiểm soát dược và thực phẩm Mỹ (FDA) đưa ra ngày 10/6 trong bản dự thảo cập nhật liên quan đến hàm lượng thủy ngân trong hải sản.

Theo dự thảo của FDA, những đối tượng trên nên tiêu thụ khẩu phần cá tối thiểu là 227 gram và tối đa là 340 gram, tương đương với hai đến ba bữa ăn mỗi tuần, tăng gấp bốn lần so với lượng tiêu thụ hiện tại.

Những loại hải sản có hàm lượng thủy ngân thấp được khuyên dùng bao gồm cá hồi, tôm, cá tuyết Bắc Đại Tây Dương, cá ngừ thịt sáng đóng hộp, cá rô phi và cá thu.

Trong khi đó, cá kiếm, cá mập, cá thu hoàng đế và loài cá tilefish đánh bắt từ Vịnh Mexico đứng đầu danh sách những thực phẩm có hàm lượng thủy ngân cao, được khuyến cáo không sử dụng.

FDA cũng cho rằng lượng cá ngừ trắng tiêu thụ tối đa mỗi tuần chỉ nên ở mức 170 gram.

Ngoài ra, cá sống là món ăn cần tránh đối với phụ nữ có thai và trẻ nhỏ do hệ miễn dịch yếu.

Đối với các loại thủy sản sông, suối, hồ, FDA đưa ra lượng tiêu thụ 170 gram một tuần đối với người lớn và 28-85 gram cho trẻ nhỏ.

Nhà khoa học hàng đầu của FDA Stephen Ostroff cho biết việc hầu hết các phụ nữ hạn chế hoặc ngừng ăn cá trong thời gian mang thai cũng như không cho con nhỏ ăn cá trong giai đoạn đầu có thể sẽ gây ra tình trạng thiếu những dưỡng chất quan trọng đối với quá trình tăng trưởng của cơ thể và sức khỏe.

FDA cho biết họ sẽ nghiên cứu ý kiến phản hồi của công chúng đối với dự thảo nói trên, tham khảo ý kiến tư vấn từ Ủy ban Tư vấn Rủi ro thông tin của FDA, trước khi công bố bản khuyến cáo cuối cùng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục