Cuộc gặp giữa hai phe phái đối lập ở Libya đạt "đột phá lớn"

Bộ Ngoại giao Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) ngày 3/5 cho biết cuộc gặp trước đó một ngày giữa đại diện hai phe phái đối lập chính tại Libya ở Abu Dhabi đã "đạt được đột phá lớn."
Cuộc gặp giữa hai phe phái đối lập ở Libya đạt "đột phá lớn" ảnh 1Tướng Khalifa Haftar, người đứng đầu Quân đội Quốc gia Libya. (Nguồn: Reuters)

Bộ Ngoại giao Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) ngày 3/5 cho biết cuộc gặp trước đó một ngày giữa đại diện hai phe phái đối lập chính tại Libya ở Abu Dhabi đã "đạt được đột phá lớn."

Đây là thông báo chính thức đầu tiên về cuộc gặp giữa đại diện hai phe phái đối lập chính tại Libya là người đứng đầu Chính phủ đoàn kết dân tộc (GNA) được quốc tế công nhận Fayez al-Sarraj và Tướng Khalifa Haftar, người đứng đầu Quân đội Quốc gia Libya (ANL) ủng hộ chính phủ ở miền Đông Libya.

Mặc dù tuyên bố của bộ trên không nêu chi tiết, song Đài truyền hình Libya cho biết đại diện hai phe phái đối lập đã nhất trí tổ chức các cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội trong năm tới. Tuy nhiên, hiện chưa rõ cách thức tiến hành bầu cử tại quốc gia bị chia rẽ này.

Bộ Ngoại giao UAE mô tả cuộc gặp "như một bước đi quan trọng nhằm thúc đẩy tiến trình chính trị ở Libya."

[Đại diện hai phe phái đối lập chính của Libya gặp nhau ở UAE]

UAE tin rằng "bất kỳ giải pháp nào mang lại sự ổn định cho Libya cần đến từ người dân Libya cũng như nhận được sự ủng hộ của họ và phải dựa trên đối thoại."

Cộng đồng quốc tế cần có trách nhiệm tránh để người dân Libya có thêm những chia rẽ và khuyến khích họ hợp tác với nhau.

Đây là lần gặp thứ hai giữa đại diện của GNA và ANL sau cuộc gặp lần thứ nhất diễn ra Cairo (Ai Cập) hồi tháng 1/2016 sau khi ông Sarraj được chỉ định làm Thủ tướng GNA.

Theo kế hoạch trước đó, đại diện của GNA và ANL đáng ra gặp nhau tại Cairo hồi trung tuần tháng 2 vừa qua nhằm sửa đổi thỏa thuận chính trị mà các phe phái tại Libya đã ký hồi tháng 12/2015 tại Maroc dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc. Tuy nhiên, cuộc gặp này đã bị hủy bỏ.

Kể từ khi đi vào hoạt động tại Tripoli hồi tháng 3/2016, GNA vẫn chưa thể nắm quyền kiểm soát trên toàn bộ lãnh thổ Libya.

Libya rơi vào tình trạng bất ổn triền miên kể từ sau cuộc chính biến lật đổ chế độ của nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi hồi năm 2011. Hai chính quyền đối địch đã tồn tại song song ở Libya, một tại thành phố Tripoli và một tại thành phố cảng Đông Bắc Tobruk.

Tháng 12/2015, dưới sự hỗ trợ của Liên hợp quốc, chính phủ đoàn kết dân tộc do Hội đồng Tổng thống lãnh đạo, nhằm thay thế cho các chính quyền nhỏ lẻ và đối địch, đã hình thành và bắt đầu hoạt động tại Tripoli từ ngày 30/3/2016.

Tuy nhiên, chính phủ đoàn kết đang phải nỗ lực xác lập quyền lãnh đạo trên cả nước, trong bối cảnh Quốc hội tại Tobruk cho tới nay vẫn từ chối ủng hộ tiến trình này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục