Mỹ thuật Việt Nam chào Xuân với “Những nẻo đường đất nước”

Triển lãm “Những nẻo đường đất nước” lần này là trưng bày đặc biệt, giới thiệu 100 ký họa màu nước của 70 họa sỹ, trong đó có nhiều danh họa của nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam.
Mỹ thuật Việt Nam chào Xuân với “Những nẻo đường đất nước” ảnh 1Một góc triển lãm. (Ảnh: Trần Khôi/Vietnam+)

Nhân dịp đón Xuân Đinh Dậu, chào mừng 87 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2017), chiều 23/1, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam khai mạc trưng bày “Những nẻo đường đất nước.”

Tại buổi lễ, Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam Vũ Anh Minh cho biết​trong nhiều năm qua, mảng đề tài về đất nước và con người đã được giới thiệu đến công chúng qua các tác phẩm nghệ thuật trong hệ thống trưng bày thường xuyên của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, nhiều catalog, cuốn sách và các cuộc triển lãm…

Triển lãm “Những nẻo đường đất nước” lần này là trưng bày đặc biệt, giới thiệu 100 ký họa màu nước của 70 họa sỹ, trong đó có nhiều danh họa của nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam; nhiều tác giả đạt giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật…

Những hiện vật quý giá, chân thực sẽ mang đến cho người xem cảm nhận về vẻ đẹp cuốc sống, con người, cảnh vật trên khắp mọi miền, làm tràn đầy tình yêu quê hương, đất nước trong mỗi người dân.

Với nội dung phản ánh về con người, thực tế sản xuất, chiến đấu và cảnh sắc thiên nhiên Việt Nam, triển lãm giới thiệu nhiều tác phẩm đặc sắc, trong đó tác phẩm ra đời sớm nhất vào năm 1941 “Sông Đông Ba​-Huế” của họa sỹ Nguyễn Văn Long và tác phẩm ra đời muộn nhất là “Đường hầm” (1982) của họa sỹThục Phi. 

Tới thăm triển lãm, công chúng sẽ được chiêm ngưỡng những ký họa màu nước, qua nét bút tài hoa của các tác giả thuộc thế hệ đầu tiên của nền Mỹ thuật Việt Nam hiện đại như Công Văn Trung, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Văn Long…

ên cạnh đó, những người yêu mỹ thuật Việt Nam còn thấy được hình ảnh những người nông dân, công nhân bình dị trong lao động, chị giáo viên bình dân học vụ, những người chiến sỹ, bà má miền Nam, mẹ Tây Nguyên… được ghi lại hết sức sống động, chân thực, gần gũi qua nét bút của các tác giả Lưu Văn Sìn, Nguyễn Sáng, Vi Kiến Minh…

Những sinh hoạt của thời kháng chiến cũng được đặc tả trong các ký họa như: “Trạm sửa xe trong rừng” của họa sỹ Đặng Đức; “Giờ khai mạc đại biểu quốc dân lịch sử” của Huỳnh Phương Đông; “Nhân dân Tây Bắc mua hàng mậu dịch” của Nguyễn Văn Tỵ; “Máy xúc đèo Nai” của Lương Xuân Nhị; “Đưa nước lên đồng” của Thanh Ngọc… giúp người xem hình dung về một giai đoạn lịch sử của đất nước anh dũng, kiên cường trong đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, hăng hái, cần cù, năng động trong xây dựng đất nước. 

Theo nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Hải Yến, các tác phẩm được trưng bày tại Triển lãm đã được tái hiện chân thực, xúc cảm bằng bút pháp, ngôn ngữ tạo hình giản dị, khoáng đạt, chắt lọc, màu sắc tươi sáng.

Đây là những bức ký họa màu nước không chỉ có giá trị thẩm mỹ mà còn là nguồn tư liệu quý về thời kỳ lịch sử xây dựng, bảo vệ Tổ quốc của cả dân tộc Việt Nam ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục