Nền kinh tế mở của Việt Nam sẽ tạo nhiều cơ hội cho hoạt động M&A

Không ít nhà đầu tư kỳ vọng sẽ tận dụng được cơ hội thực hiện M&A khi nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang có kế hoạch cổ phần hóa hoặc tái cơ cấu trong thời gian tới.
Nền kinh tế mở của Việt Nam sẽ tạo nhiều cơ hội cho hoạt động M&A ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: raconteur.net)

Không gian kinh tế mới của Việt Nam đang mở ra thêm nhiều cơ hội đầu tư cho các doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực nhằm thu hút các dòng vốn ngoại cũng như cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài. Các doanh nghiệp nhà nước cũng có cơ hội lớn để thực hiện mục tiêu thoái vốn, cổ phần hóa...

Nhận định này được các chuyên gia đưa ra tại Diễn đàn M&A 2016, tổ chức ở Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 18/8.


Kết nối nhà đầu tư

Diễn đàn M&A 2016, gồm Phiên kết nối và Phiên hội thảo, hướng đến mục tiêu tăng cường kết nối các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước đồng thời đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn về mua bán, kết nối cơ hội đầu tư, tìm kiếm đối tác chiến lược của doanh nghiệp Việt Nam và quốc tế.

Trong Phiên kết nối, gần 40 doanh nghiệp có nhu cầu mua, bán và quỹ đầu tư, tư vấn môi giới quốc tế đã được tạo điều kịên thuận lợi để giới thiệu, chào bán và tìm hiểu cơ hội mua bán-sáp nhập doanh nghiệp (M&A).

Cụ thể, các doanh nghiệp tham gia thuộc nhiều thành phần kinh tế từ doanh nghiệp Nhà nước đến doanh nghiệp tư nhân, chủ yếu hoạt động trong các lĩnh vực bất động sản, bán lẻ, phân phối dược phẩm, sản xuất, phát triển hạ tầng khu công nghiệp... trong đó, nhiều doanh nghiệp lớn của Việt Nam như Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam - VNPT; Tổng công ty Dầu - PVOiL; Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn... nhận được sự quan tâm của đông đảo nhà đầu tư.

Đặc biệt, không ít nhà đầu tư kỳ vọng sẽ tận dụng được cơ hội thực hiện M&A khi nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang có kế hoạch cổ phần hóa hoặc tái cơ cấu trong thời gian tới.

Theo ông Đỗ Mạnh Bình, Trưởng ban Ban kế hoạch Tổng công ty Dầu (PVOiL), đơn vị này đang có nhu cầu tìm nhà đầu tư chiến lược trước khi IPO. Do đó, Diễn đàn M&A 2016 được xem là điểm đến hấp dẫn, tạo cầu nối giúp PVOiL có thể gặp gỡ nhà đầu tư trong và ngoài nước, giới thiệu về định hướng cổ phần hóa cũng như kêu gọi các nhà đầu tư tham gia vào PVOiL.

Ông Lê Hoàng, Giám đốc Tư vấn tài chính và Mua bán doanh nghiệp thuộc Công ty trách nhiệm hữu hạn Thuế và Tư vấn KPMG nhận định trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng tích cực, việc tham gia các hiệp định thương mại tự do cũng như loại bỏ giới hạn sở hữu nước ngoài trong các công ty niêm yết đã giúp Việt Nam tiếp tục trở thành một thị trường hấp dẫn cho các thương vụ M&A.

Ngoài ra, hoạt động M&A tại Việt Nam đang đứng trước những cơ hội phát triển mới, nhất là các thương vụ M&A có yếu tố nước ngoài.

Hoạt động M&A được đánh giá là một trong những giải pháp quan trọng không chỉ đối với quá trình tái cấu trúc nền kinh tế mà với cả hoạt động thu hút đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh.

Tuy nhiên, để các thương vụ M&A thành công, các chuyên gia cho rằng cần có một đội ngũ sau sáp nhập hùng hậu và phải xác định rõ vai trò của họ trong công ty, cũng như những thay đổi mà họ có thể mong đợi đồng thời, nên chú trọng đầu tư cho việc gắn kết giữa các công ty bị mua lại với văn hóa doanh nghiệp của công ty đi mua.

Mặt khác, một trong những nguyên nhân dẫn đến thất bại trong M&A là sự không rõ ràng trong kế hoạch hậu sáp nhập.

M&A sôi động nhiều lĩnh vực

Trao đổi với phóng viên, ông Chris Freund, Tổng Giám đốc Công ty Tư vấn Quản lý quỹ Mekong Capital cho biết xu hướng M&A tại Việt Nam sẽ tiếp tục sôi động trong những năm tới, ở nhiều lĩnh vực như bất động sản, công nghiệp sản xuất, nông nghiệp, sản phẩm tiêu dùng, bán lẻ, dược phẩm... và nhiều nhà đầu tư thể hiện sự quan tâm đến những lĩnh vực này.

Ông Chris Freund phân tích hầu hết các công ty nội địa tại Việt Nam chưa chuẩn bị cho hoạt động M&A, điển hình như tuân thủ thuế, kiểm toán... nhưng tình hình đang dần được cải thiện.

Bên cạnh đó, việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chưa được thúc đẩy nhanh, trong khi ngày càng có nhiều doanh nhân trẻ thành lập các công ty tư nhân mới. Vì vậy, hoạt động M&A có thể sẽ dần dịch chuyển từ doanh nghiệp nhà nước sang khu vực tư nhân. Thị trường M&A nội địa sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt, dẫn đầu bởi các công ty như Masan Group, GTN, Pan Pacific...

Cùng với các yếu tố kinh tế vĩ mô và chính sách pháp luật ngày càng thuận lợi, hoạt động M&A tại Việt Nam được dự báo sẽ bùng nổ vào giai đoạn 2016-2020. Thực tế, năm 2015, tổng giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam đã đạt mốc kỷ lục 5,2 tỷ USD và trong 7 tháng năm 2016, ước tính con số này đã lên tới gần 3,5 tỷ USD.

Bên cạnh sự bùng nổ về quy mô, năm 2015 và nửa đầu năm 2016 đã xuất hiện những thương vụ M&A có giá trị lên tới hàng tỷ USD và có tác động quan trọng đến nhiều ngành, lĩnh vực và nền kinh tế nói chung. Thị trường M&A tại Việt Nam cũng đang đón nhận làn sóng đầu tư từ Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu, Mỹ... nhằm đón đầu, tận dụng cơ hội từ quá trình hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng.

Theo ông Đặng Xuân Minh, Trưởng nhóm nghiên cứu thuộc Diễn đàn M&A Việt Nam (MAF), các nhà đầu tư Thái Lan, Nhật Bản, Singapore, vẫn là những người mua chủ yếu tại thị trường Việt Nam. Nhà đầu tư Nhật Bản tham gia đầu tư chiến lược vào các công ty hàng không, xăng dầu, dược phẩm, bất động sản; nhà đầu tư Singapore tập trung vào những thương vụ bất động sản thương mại; nhà đầu tư Thái Lan tiếp tục tập trung vào mảng bán lẻ với mục tiêu mở rộng thị trường.

Dự kiến năm 2016, thị trường M&A Việt Nam rất có thể đạt kỷ lục mới, với số lượng giao dịch có thể lên đến con số 600, giá trị 6 tỷ USD. Những thương vụ M&A lớn trên nhiều lĩnh vực sẽ đưa Việt Nam trở thành một “điểm sáng” trong khu vực ASEAN về thu hút dòng vốn FDI và M&A./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục