Sáng kiến của Việt Nam được đánh giá cao tại Hội nghị ADMM-9

Tại Hội nghị ADMM-9, đoàn Việt Nam, với tinh thần là một thành viên có trách nhiệm, tích cực đóng góp để xây dựng Cộng đồng Chính trị-An ninh của ASEAN.
Sáng kiến của Việt Nam được đánh giá cao tại Hội nghị ADMM-9 ảnh 1Phóng viên TTXVN phỏng vấn Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh. (Ảnh: Chí Giáp/Vietnam+)

Kết thúc Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN lần thứ 9 (ADMM-9) được tổ chức tại Langkawi, bang Kedah, Malaysia, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Đại tướng Phùng Quang Thanh đã trả lời phỏng vấn báo giới Việt Nam về những kết quả nổi bật, ý nghĩa của hội nghị cũng như sự đóng góp của đoàn Việt Nam tại hội nghị ADMM-9.

Theo phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh cho biết hội nghị ADMM-9 diễn ra trong bối cảnh năm nay sẽ thành lập Cộng đồng ASEAN và tình hình an ninh khu vực đang nổi lên những vấn đề phức tạp, vì vậy các hoạt động của Hội nghị nói chung và đóng góp của quân đội các nước nói riêng đang có những đóng góp rất tích cực cho xây dựng Cộng đồng Chính trị-An ninh, một trong ba trụ cột của Cộng đồng ASEAN, dự kiến được hình thành vào cuối năm nay.

Tại Hội nghị, các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN đã thống nhất cao về mặt nhận thức, đó là về những vấn đề an ninh phi truyền thống đang nổi lên rất phức tạp cả trên biển và trên bộ, cũng như các tổ chức khủng bố Hồi giáo cực đoan, an ninh phi truyền thống đe dọa đến môi trường phát triển chung của cả khu vực.

Các bộ trưởng thống nhất phải tăng cường hợp tác giữa các nước ASEAN với nhau và giữa ASEAN với các nước ngoài ASEAN, với các nước đối tác để gìn giữ hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn trên biển và trên không, đảm bảo cho phát triển kinh tế xã hội của các nước, đảm bảo việc xây dựng kinh tế ASEAN phát triển; ASEAN phải giữ được vai trò đoàn kết, vai trò trung tâm trong hợp tác trong ASEAN cũng như là hợp tác với các nước ngoài ASEAN.

Trong hành động, các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN đã thống nhất cần tăng cường hoạt động hơn nữa nhất là vấn đề an ninh phi truyền thống như là diễn tập, tìm kiếm cứu nạn, hỗ trợ nhân đạo, rà phá bom mìn, chống cướp biển, chống buôn lậu người, buôn lậu ma túy và các hoạt động khủng bố. Đây là các vấn đề rất nổi bật hiện nay.

Về vấn đề trên Biển Đông, các Bộ trưởng cũng đều nêu lại việc cần thực hiện thật tốt Hiến chương của Liên Hợp Quốc, thực hiện đầy đủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982, thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và ủng hộ các nỗ lực ngoại giao nhằm tiến tới xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) một cách thực chất giữa các nước ASEAN và Trung Quốc để có thể quản lý được những xung đột và hết sức tránh những va chạm, xung đột trên biển.

Hội nghị ADMM-9 này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc hỗ trợ ASEAN tiến tới hình thành Cộng đồng ASEAN vào cuối năm 2015, trong đó có Cộng đồng Chính trị-An ninh.

Chủ đề của Hội nghị, đồng thời là mục tiêu cao cả "ASEAN: duy trì an ninh và ổn định khu vực vì nhân dân, do nhân dân'' do nước chủ tịch Malaysia đề xuất thực sự phù hợp với nguyện vọng chung của khu vực và thế giới.

Thực tiễn cũng đã khẳng định hòa bình, ổn định và an ninh là tiền đề cho sự phát triển và thịnh vượng của mỗi quốc gia, mỗi dân tộc nhằm đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho người dân. Vì vậy, trụ cột chính trị và an ninh trước hết phải đạt được sự đoàn kết, thống nhất và đồng thuận cao, phải tin cậy nhau, quan hệ trong ASEAN phải là quan hệ hữu nghị, đoàn kết, hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau để cùng nhau phát triển vì cùng trong cộng đồng, trong đó hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng là hết sức quan trọng, hợp tác chặt chẽ để đảm bảo môi trường hòa bình, ổn định để phát triển trong tương lai.

Tại Hội nghị, đoàn Việt Nam, với tinh thần là một thành viên có trách nhiệm, tích cực đóng góp để xây dựng Cộng đồng Chính trị-An ninh của ASEAN.

Đoàn Việt Nam đã nêu ra một số đề xuất: Một là, đề cao sự chân thành và trách nhiệm của mỗi quốc gia thành viên trong việc đảm bảo và duy trì hòa bình, ổn định và an ninh, an toàn trong khu vực; coi an ninh của Cộng đồng ASEAN cũng như an ninh của quốc gia mình; tiếp tục củng cố lập trường chung của ASEAN về kiềm chế, không sử dụng vũ lực trước trong giải quyết, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình theo Hiến chương Liên hợp quốc, bảo đảm tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS 1982), thực hiện nghiêm túc và đầy đủ DOC, ủng hộ các nhà ngoại giao đàm phán thực chất để sớm đạt được COC.

Hai là, tăng cường vai trò của ADMM thông qua cách tiếp cận về an ninh toàn diện ASEAN đang hình thành và nâng cao hiệu quả thực chất của các hoạt động trong khuôn khổ ADMM. Theo đó, ASEAN cần tiếp tục ưu tiên củng cố quan hệ quốc phòng song phương giữa các nước để nhân rộng hợp tác trong ASEAN và ra ngoài khu vực; các nước thành viên ASEAN tiếp tục nỗ lực bảo đảm an ninh quốc gia mình và đóng góp cho an ninh chung khu vực; phát huy ADMM làm nòng cốt thúc đẩy các hoạt động hợp tác tiếp theo trong ADMM+.

Ba là, tăng cường quan hệ song phương về quốc phòng giữa các quốc gia ASEAN, trong đó chú trọng tiếp tục triển khai hiệu quả các biện pháp xây dựng lòng tin, ngăn ngừa và quản lý các nguy cơ có thể dẫn đến va chạm và xung đột thông qua các biện pháp tham vấn, trao đổi thông tin, sử dụng đường dây liên lạc trực tiếp, tiếp xúc cấp cao và thúc đẩy hoạt động chung giữa các lực lượng quân đội cũng như tăng cường phối hợp quân-dân sự (trước mắt có thể ưu tiên các hoạt động góp phần tăng cường hợp tác an ninh biển, nhất là hợp tác tìm kiếm cứu nạn ở khu vực).

Trong quan hệ song phương giữa các quốc gia ASEAN, tránh không làm phương hại đến an ninh của các quốc gia khác và không để xảy ra hiểu lầm trong quan hệ, nhất là trong quan hệ với các cường quốc.

Nhân dịp kỷ niệm 10 năm hoạt động hợp tác ADMM vào năm 2016, Việt Nam đề nghị có đánh giá tổng kết và kiến nghị định hướng cho ADMM trong giai đoạn phát triển 5-10 năm tiếp theo.

Ngoài ra, bên lề Hội nghị ADMM-10, nước Chủ tịch cũng có thể xem xét tổ chức một hình thức Kỷ niệm phù hợp và thiết thực.

Nhằm chủ động đối phó với những thách thức mới nổi lên, Việt Nam cũng đã đề nghị xác lập một cơ chế ứng phó kịp thời với những vấn đề an ninh phi truyền thống nảy sinh ảnh hưởng trực tiếp tới môi trường an ninh và phát triển của cộng đồng. Ví dụ như khi có lũ lụt, động đất, thiên tai, khi nước chủ nhà có yêu cầu, Tổng thư ký ASEAN và Chủ tịch ASEAN có thể kêu gọi và các nước ASEAN sẵn sàng cử lực lượng quân sự tham gia hỗ trợ, ứng phó.

Ngoài ra, để đóng góp vào nỗ lực bảo đảm an ninh biển nói chung, Việt Nam đề xuất sẽ đăng cai tổ chức một Hội thảo về Chống cướp biển trong khuôn khổ các nước ASEAN vào cuối năm 2015, nhằm chia sẻ kinh nghiệm về lĩnh vực này.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Phùng Quang Thanh cho biết những sáng kiến của đoàn Việt Nam tại Hội nghị đã được các Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN khác ghi nhận và đánh giá cao./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục