Vụ 7 người chạy thận tử vong: Hệ thống xử lý nước có vấn đề?

Theo Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh Lương Ngọc Khuê, vụ việc 18 người đang chạy thận phải cấp cứu, trong đó có 7 người tử vong là một vụ tai biến y khoa nghiêm trọng.
Vụ 7 người chạy thận tử vong: Hệ thống xử lý nước có vấn đề? ảnh 1Cấp cứu cho các bệnh nhân chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình. (Ảnh: Vũ Hà/TTXVN)

Theo Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, sáng 29/5, có 18 bệnh nhân bị suy thận mạn phải lọc máu chu kỳ khi đang chạy thận, sau đó có biểu hiện giống như sốc phản vệ và đến nay đã có 7 người đã tử vong.

[Thêm một bệnh nhân chạy thận nhân tạo tử vong ở Hòa Bình]

Theo Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh Lương Ngọc Khuê, đây là một vụ tai biến y khoa nghiêm trọng. Vì vậy, Bộ Y tế yêu cầu Giám đốc Sở Y tế báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh tập trung và huy động mọi nguồn lực để cứu chữa người bệnh.

Một chuyên gia trong lĩnh vực thận nhân tạo cho hay, trong chạy thận sử dụng nhiều hóa chất và thuốc. Sự cố xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình khiến 18 người chạy thận nghi sốc phản vệ không thể là do thuốc. Bởi sốc phản vệ mang yếu tố cơ địa, mỗi loại thuốc, hóa chất khác nhau gây sốc ở những cơ địa khác nhau.

Được biết, trong chạy thận phải có hệ thống nước siêu tinh khiết để lọc máu. Hệ thống này không sát trùng thường xuyên sẽ bị nhiễm trùng nhưng nếu xảy ra tình trạng nhiễm trùng thì cũng là các ca riêng lẻ.

Vị chuyên gia trên cho hay, trong trường hợp 18 người bị, nhiều khả năng người ta sử dụng thuốc sát trùng nhưng tồn dư gây sốc hàng loạt và hàm lượng hóa chất tồn dư với nồng độ tương đối cao.

Phân tích về vấn đề này, tiến sỹ Nguyễn Cao Luận - nguyên Trưởng khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết, đặc thù của chuyên ngành chạy thận nhân tạo là cùng lúc hàng loạt người được chạy thận. Vì thế, nếu xảy ra tình huống 1-2 người bị sốc phản vệ thì có do yếu tố cơ thể- từng cá thể với thuốc, hóa chất. Sự việc trên xảy ra có cùng lúc hàng loạt người bị thì cần chú ý đến hệ thống xử lý nước, việc rửa quả lọc, dịch truyền- dịch thẩm tách... đã được vệ sinh và xử lý đúng quy trình hay chưa.

Theo tiến sỹ Luận, các trường hợp sốc phản vệ khi chạy thận nhân tạo bản thân các bác sĩ cũng gặp, nhưng chỉ một vài ca.

Tuy nhiên, theo bác sỹ Luận, đó chỉ là những nhận định ban đầu, còn để xác định nguyên nhân, cần có một hội đồng chuyên môn xem xét các tình huống, xét nghiệm xem có chất tồn dư hay không.

[Sáu bệnh nhân tử vong bất thường khi đang chạy thận nhân tạo]

Chiều cùng ngày, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) đã có văn bản gửi Sở Y tế tỉnh Hòa Bình để làm rõ sự việc trên.

Bộ Y tế yêu cầu Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hòa Bình chỉ đạo Bệnh viện đa khoa tỉnh phối hợp tích cực với các chuyên gia của Bệnh viện Bạch Mai (Trung tâm Chống độc, Khoa Cấp cứu, Trung tâm Dị ứng miễn dịch lâm sàng, Khoa Thận nhân tạo) do Bộ Y tế điều động, để tiếp tục xử lý, cứu chữa cho những người bệnh đang cấp cứu.

Sở cần nhanh chóng thành lập Hội đồng chuyên môn theo đúng quy để xác định tập thể, cá nhân có hay không có sai sót chuyên môn; xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân theo đúng quy định hiện hành (nếu có sai phạm).

Sở Y tế tỉnh Hòa Bình phải báo cáo nhanh kết quả giải quyết sự việc nêu trên về Cục Quản lý Khám, chữa bệnh trong ngày 30/5./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục