105 năm ngày sinh nhạc sỹ Văn Chung: Người thổi hồn quê vào nhạc

Với khả năng "thổi hồn quê vào nhạc," nhạc sỹ Văn Chung đã có nhiều sáng tác thành công về đề tài nông thôn, về cuộc sống của làng quê kháng chiến, làng quê xây dựng cuộc sống mới.
105 năm ngày sinh nhạc sỹ Văn Chung: Người thổi hồn quê vào nhạc ảnh 1Nhạc sỹ Văn Chung. (Ảnh tư liệu)

Nhạc sỹ Văn Chung là một trong những người đặt viên gạch đầu tiên tạo dựng nên diện mạo và thành tựu cho nền tân nhạc Việt Nam.

Với khả năng "thổi hồn quê vào nhạc," ông đã có nhiều sáng tác thành công về đề tài nông thôn, về cuộc sống của làng quê kháng chiến, làng quê xây dựng cuộc sống mới.

Và ông cũng là một trong số những tác giả có đóng góp nhiều nhất trong việc giáo dục, bồi dưỡng tâm hồn tuổi thơ bằng âm nhạc.

Nhạc sỹ Văn Chung sinh vào ngày này cách đây 105 năm, ngày 20/6/1914.

Một trong những tác giả tân nhạc đầu tiên

Nhạc sỹ Văn Chung, tên thật là Mai Văn Chung, quê quán xã Tân Hưng, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên.

Khởi đầu con đường âm nhạc với những kiến thức ít ỏi tự học, ông chơi mandolin và contrebasse cho các tiệm nhảy ở Hà Nội.

Năm 1935, ông cho ra đời bản nhạc đầu tay với tựa đề “Tiếng sáo chăn trâu,” dựa trên âm hưởng và giai điệu của bài dân ca quan họ Bắc Ninh “Xe chỉ luồn kim.”

Đây là một ca khúc thiếu nhi, ông như viết lại tuổi thơ của mình: "Nón mê đội đầu, sáo đeo bên sườn/ Từ từ cưỡi trâu…"

Sau này ông viết lại ca từ thành bài “Tiếng oanh vàng.” “Tiếng sáo chăn trâu” là một trong những sáng tác đầu tiên của nền âm nhạc mới Việt Nam.

Từ đó cho đến tháng 8/1945, nhạc sỹ Văn Chung viết được gần 30 bài hát và bản nhạc cho đàn dân tộc, tiêu biểu là các ca khúc: “Cười trong nắng xuân” (1936), “Khúc ca ban chiều,” “Bên hồ liễu” (1937), “Tiếng thông reo,” “Thiếu phụ hoài xuân” (1938), “Hồ xuân và thiếu nữ,” “Tiếng trúc tuyệt vời.”

Đặc biệt, bài hát “Bóng ai qua thềm,” ông viết năm 1939, là theo vũ điệu Tango Habanera của Cuba.

[Nhạc sỹ Đào Hữu Thi - người kể chuyện Trường Sơn bằng âm nhạc]

Khoảng năm 1939-1940, để có điều kiện phổ biến sáng tác của nhạc sỹ trong nước, ông cùng nhạc sỹ Lê Yên (tác giả “Ngựa phi đường xa”, “Bộ đội về làng”) và nhạc sĩ Doãn Mẫn (tác giả “Biệt ly”) lập ra nhà xuất bản âm nhạc đầu tiên của Việt Nam lấy tên là TRICÉA (tức là 3 chữ C và 3 chữ A) là những nguyên âm đầu của câu tiếng Pháp “Collection des Chants Composés par des Artistes Annamites Associés” có nghĩa là “Nơi tập hợp ca khúc của nhạc sỹ Việt Nam.”

“Nhạc sĩ của dân cày”

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nhạc sỹ Văn Chung về công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam.

Toàn quốc kháng chiến bùng nổ, ông cùng với nhiều văn nghệ sỹ khác tình nguyện lên đường rời Hà Nội, lên chiến khu Việt Bắc, tham gia văn nghệ quân đội.

Gắn bó với cuộc sống vừa chiến đấu vừa sản xuất, nhạc sĩ toàn tâm hướng tới đề tài nông nghiệp trong một loạt bài hát động viên người dân “vừa cấy cày vừa đánh giặc giữ làng”, phục vụ bộ đội “ăn no đánh thắng.”

Trong những năm tháng ấy, nhạc sỹ Văn Chung đã tạo ra một ngôn ngữ âm nhạc riêng biệt của mình, với những giai điệu thấm đẫm âm hưởng dân ca đồng bằng Bắc Bộ qua những ca khúc như: "Hò dân cày," “Đợi anh về,” “Quân Trung du,” “Ăn no đánh thắng,” “Pỉ noọng ơi,” “Vào Đông Khê”…

Đặc biệt, nhạc phẩm ”Ḥò dân cày” ra đời năm 1947 được bộ đội rất yêu thích và là một minh chứng hùng hồn cho sức mạnh của âm nhạc trong chiến tranh.

Bài hát đã biến thành khẩu lệnh chiến đấu của một đại đội trong chiến dịch Biên giới năm 1950.

Trong thời gian kháng chiến chống đế quốc Mỹ, nhạc sỹ Văn Chung sáng tác khá nhiều, đáng chú ý có các bài như sau: "Bài ca trên đường thống nhất" (1955), "Gái thôn Đoài, trai thôn Thượng" (1957), "Tính hẹn cùng tình" (1958), "Từng bước đi vững chắc" (1964), "Ba cô gái đảm" (1966)…

Trong đó, “Gái thôn Đoài, trai thôn Thượng” là bài hát được nam nữ thanh niên thời kỳ này rất yêu thích. Bài hát ngợi ca tinh thần lao động sôi nổi của thanh niên nông thôn, ra sức thi đua đẩy mạnh sản xuất, vỡ đất hoang, làm thủy lợi.

Nhạc sỹ đã khéo léo vận dụng kiểu đối đáp trong lối hát dân gian Việt Nam và dùng điệu thức ngũ cung để đưa vào bài hát tạo nên giai điệu rất gắn bó với âm hưởng dân ca đồng bằng Bắc bộ.

Năm 1964, nhạc sỹ Văn Chung được cử làm Giám đốc Nhà hát giao hưởng-hợp xướng-nhạc vũ kịch Việt Nam. Trong quãng thời gian sau đó, nhạc sỹ tiếp tục sáng tác rất nhiều bài hát, ca ngợi công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc.

Những sáng tác của ông luôn tươi mới, nêu bật hình ảnh của làng quê kháng chiến, những người nông dân một nắng hai sương trong cuộc sống thường ngày, với những nét hồn hậu, chất phác và đầy ắp giai điệu dân ca.

Bồi dưỡng tâm hồn tuổi thơ bằng âm nhạc

Không chỉ nổi bật với những sáng tác ca ngợi công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, nhạc sĩ Văn Chung còn có nhiều đóng góp cho việc giáo dục, bồi dưỡng tâm hồn tuổi thơ bằng âm nhạc, từ “Trăng theo em rước đèn,, “Lượn tròn lượn khéo,” “Dung dăng dung dẻ,” “Lỳ và Sáo,” “Đếm sao” đến “Bông phượng đỏ,” “Chào cô ạ,” “Thơm bé đi nào,” “Học cho chăm”…

Mỗi ca khúc có một chủ đề riêng, phù hợp với từng lứa tuổi khác nhau.

Phần lớn các tác phẩm viết cho thiếu nhi của ông luôn sinh động, dễ nhớ và dễ thuộc. Nhạc sỹ luôn duy trì những âm hình chủ đạo trong mỗi bài hát, rồi phát triển những âm hình đó thành một kết cấu hoàn chỉnh, nhẹ nhàng và hồn nhiên.

Cho đến nay, giai điệu nhí nhảnh, vui tươi của “một ông sao sáng, hai ông sáng sao…” vẫn được các em nhỏ hát vang trong những đêm hội Trung thu hằng năm.

Là một nhạc sỹ có phong cách sáng tác đậm đà màu sắc dân tộc, ở những bài hát thiếu nhi, thế mạnh ấy dường như càng được ông phát huy.

Không chỉ hạn chế mình trong những điệu thức năm cung đơn thuần, ông luôn có sự tìm tòi, sáng tạo riêng, làm cho giai điệu vẫn thấm đẫm tính dân tộc lại mới mẻ, hồn nhiên.

Trong số đó, bài hát “Lỳ và Sáo" được coi là một trong những sáng tác tiêu biểu, với hai nhân vật thiếu nhi Lỳ và Sáo, có hai cá tính trái ngược nhau nhưng đều đóng góp công sức nhỏ bé của mình để đánh giặc giữ nước.

Ca khúc, do ca sỹ Trần Thụ thể hiện qua làn sóng phát thanh, đã trở thành ca khúc nằm lòng của nhiều thế hệ thiếu nhi.

Nhạc sĩ Văn Chung mất ngày 27/8/1984, tại Hà Nội. Gần nửa thế kỷ sáng tạo nghệ thuật, nhạc sỹ Văn Chung đã để lại một di sản quý cho kho tàng âm nhạc Việt Nam.

Ông được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007 và Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2012.

Mặc dù đã đi xa nhưng những giai điệu giản dị, hồn nhiên, hóm hỉnh, giàu chất dân ca của nhạc sỹ Văn Chung vẫn luôn sống trong lòng người yêu nhạc mọi thế hệ, in dấu những giai đoạn lịch sử chiến đấu hào hùng, cùng dựng xây đất nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục