30.000 trẻ sẽ được tầm soát bệnh tim bẩm sinh khi chào đời

Khi triển khai dự án, dự kiến, 30.000 trẻ ra đời trong năm 2018-2019 tại An Giang sẽ được tầm soát bệnh tim bẩm sinh từ khi chào đời.
30.000 trẻ sẽ được tầm soát bệnh tim bẩm sinh khi chào đời ảnh 1Khám sàng lọc bệnh tim cho trẻ em. (Ảnh: TTXVN)

Ngày 18/9, tại Bệnh viện Sản Nhi An Giang đã khởi động Dự án “Phát hiện sớm bệnh tim bẩm sinh ở trẻ sơ sinh trên địa bàn tỉnh An Giang.”

Dự án do chương trình “Trái tim cho em” và Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Sản Nhi An Giang, Bệnh viện Tim mạch An Giang thực hiện.

[Trị ung thư gan nhờ “khóa” mạch máu nuôi khối u ác tính]

Dự án sẽ đầu tư trang thiết bị gồm máy đo độ bão hòa oxy cầm tay cho trẻ sơ sinh (Nellcor PM10N của hãng Medtronic) và một ống nghe điện tử Littmann Model 3200, cùng với hệ thống phần mềm quản lý hiện đại.

Hệ thống máy móc trên sẽ giúp các cơ sở sản khoa trên địa bàn tỉnh An Giang có thể hội chẩn nhanh chóng với các bác sỹ tim mạch của Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội phát hiện bệnh tim bẩm sinh kịp thời và có phác đồ điều trị sớm cho các trẻ bị bệnh tim bẩm sinh.

Dự kiến, 30.000 trẻ ra đời trong năm 2018 - 2019 tại An Giang sẽ được tầm soát bệnh tim bẩm sinh từ khi chào đời.

Dự án sẽ tiến hành sàng lọc, chẩn đoán sớm bệnh tim bẩm sinh cho trẻ sơ sinh trong một năm tại các cơ sở y tế có đỡ đẻ/mổ đẻ của tỉnh An Giang (dự tính sẽ sàng lọc chẩn đoán sớm cho hơn 30.000 trẻ) sau đó sẽ thực hiện thống kê và đánh giá hiệu quả của dự án.

Các trẻ em được phát hiện bị bệnh tim bẩm sinh nếu gia đình khó khăn sẽ được chương trình “Trái tim cho em” tài trợ kinh phí phẫu thuật/can thiệp miễn phí. 

Phát biểu tại Lễ khởi động dự án, phó giáo sư Nguyễn Lân Hiếu - Phó Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội chia sẻ, là bác sỹ tim mạch chuyên sâu về bệnh tim bẩm sinh, ông mong muốn có những biện pháp phát hiện sớm và điều trị kịp thời cho trẻ em mắc bệnh tim bẩm sinh. Vì vậy, bác sỹ cùng các đồng nghiệp đã nghiên cứu, tìm giải pháp để có thể hiện thực hóa mong muốn đó bằng dự án này.

Phó giáo sư Nguyễn Lân Hiếu cũng nhấn mạnh, đây là dự án được thực hiện đầu tiên tại Việt Nam vì chưa có quốc gia nào thực hiện.

Được biết, gần 10 năm đồng hành với các trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh, Chương trình “Trái tim cho em” đã phẫu thuật miễn phí cho hơn 4.500 trẻ em nghèo, tổ chức hơn 50 chương trình khám sàng lọc bệnh tim miễn phí tại nhiều địa phương khắp cả nước.

Ông Từ Quốc Tuấn - Giám đốc Sở Y tế An Giang, cho hay, bệnh tim bẩm sinh là loại bệnh hiểm nghèo với chi phí điều trị khá cao vào khoảng 40 triệu đồng/ca nhưng cũng khó cứu chữa nếu như phát hiện không kịp thời.

Chính vì vậy, việc ra đời dự án là rất kịp thời và mang tính nhân đạo sâu sắc để giúp trẻ em nghèo trong tỉnh có điều kiện chữa trị mà không phải mất nhiều chi phí.

Ban quản lý dự án cho hay, dự án được thử nghiệm tại An Giang có kết quả tốt để có thể nhân rộng mô hình ra cả nước, qua đó góp phần sàng lọc và phát hiện kịp thời các trẻ bị bệnh tim bẩm sinh, điều trị sớm, giúp các em sớm khỏe mạnh.

Theo thống kê của ngành y tế, trung bình cứ 4 người lớn thì có ít nhất 1-2 người mang nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Tỷ lệ tử vong do các bệnh liên quan đến tim mạch ngày một tăng ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

Bên cạnh đó, sự gia tăng tác động của quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, lối sống không lành mạnh, ô nhiễm môi trường đang là các yếu tố nguy cơ hàng đầu của nhiều bệnh tật, trong đó có bệnh tim mạch./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục