Yeung Hong Yue, một cậu bé 6 tuổi người Hong Kong, mắc chứng tự kỷ. Cậu bé không thể nói chuyện lưu loát như những đứa trẻ khác.
Trở ngại về giao tiếp khiến cậu bé không đủ điều kiện theo học tại một ngôi trường bình thường.
Sau đó, mẹ của Yeung đưa cậu đến một trung tâm âm nhạc trị liệu. Chỉ sau một vài buổi học, Yeung đã thể hiện mình là một cậu bé có trí nhớ tuyệt vời.
Yau Wang, người sáng lập trung tâm âm nhạc trị liệu, nói rằng việc rèn luyện các kỹ năng vận động tinh (khả năng điều khiển bàn tay và các ngón tay) là một thách thức đối với trẻ tự kỷ.
Việc học một loại nhạc cụ sẽ giúp trẻ tự kỷ phát triển được kỹ năng này, như trường hợp của Yeung, người đã phát triển các kỹ năng vận động của mình bằng cách học đàn piano.
Ban đầu, cậu bé gặp khó khăn trong việc hiểu các ký hiệu âm nhạc, nhưng với trí nhớ đáng kinh ngạc của mình, Yeung đã học được các bản nhạc một cách nhanh chóng.
Kỹ năng thể hiện cảm xúc của Yeung cũng được cải thiện đáng kể khi cậu bé học về cảm xúc thông qua âm nhạc.
[Nghệ sỹ Thanh Bùi ra mắt trung tâm giáo dục đặc biệt cho trẻ tự kỷ]
Đến một ngày, Yeung mạnh dạn đăng ký tham gia kỳ thi liên kết với Trường Âm nhạc Hoàng gia London.
Năm 2022, sau 15 năm học piano, Yeung đã giành giải nhất trong hạng mục của mình tại Cuộc thi Piano Hong Kong Thái Bình Dương mở rộng dành cho trẻ em đặc biệt.
Mẹ Yeung cảm ơn cô Wang và nói rằng đây là lần đầu tiên con trai bà hưởng trái ngọt thành công trong đời.
Trị liệu âm nhạc
Trị liệu âm nhạc là phương pháp sử dụng những yếu tố cấu thành âm nhạc như: hòa âm, tiết tấu, giai điệu, nhịp điệu, âm thanh… để tạo nên những ảnh hưởng tích cực đến tâm lý của một hoặc một nhóm người bệnh.
Kỹ thuật điều trị này giúp nâng cao khả năng tập trung, tăng cường hành vi lành mạnh, giảm thiểu tình trạng lo âu, căng thẳng, giúp trẻ tự kỷ nhận thức bản thân rõ hơn và cố gắng tương tác, giao tiếp xã hội thông qua lời nói, cử chỉ, hành động…
Gần đây, một nghiên cứu của Đại học Nam California cho thấy âm nhạc có thể giúp những đứa trẻ học hỏi được nhiều kỹ năng và biết cư xử hơn. Việc học các nhạc cụ cũng giúp nâng cao chức năng nhận thức của chúng.
Beatriz Ilari, Phó Giáo sư Âm nhạc tại Đại học Nam California, đã tham gia vào nghiên cứu và theo dõi những đứa trẻ từ 6-7 tuổi mới bắt đầu học nhạc.
Sự phát triển về âm nhạc, xã hội, nhận thức và trí não của trẻ được theo dõi bằng cách sử dụng MRI (cộng hưởng từ) và EEG (điện não đồ), cũng như các bài kiểm tra hành vi và âm nhạc.
Trong nhiều năm, nghiên cứu đã chỉ ra rằng trẻ em học nhạc thể hiện được sự tập trung, chú ý và ghi nhớ cao hơn trong các công việc của chúng. Trẻ cũng ít hiếu động và hung hăng hơn.
Yau Wang cho biết cô không ngạc nhiên về kết quả này.
Cô ấy nói rằng nghe hoặc chơi nhạc có thể là một trải nghiệm tích cực. Âm nhạc có thể giúp xoa dịu những người đang đối mặt với tổn thương tinh thần.
Wang bắt đầu mở trung tâm âm nhạc trị liệu vào năm 2003 trong đợt bùng phát dịch SARS ở Hong Kong. Cô ấy nhớ lại quãng thời điểm đó, cũng giống như trong đại dịch COVID-19 sau này, những nỗi sợ về virus bao trùm khắp nơi.
Cô nói: “Cuộc sống khi đó vô cùng khó khăn, ai ai cũng căng thẳng. Chẳng ai biết trước được điều gì sẽ đến với các gia đình. Áp lực đè nặng lên vai những người làm cha làm mẹ, còn những đứa trẻ cũng phải chịu đựng những thiệt thòi không đáng có."
Mục đích của Wang là giúp đỡ những người dễ bị tổn thương nhất, không phân biệt tuổi tác, thông qua liệu pháp âm nhạc.
Cô ấy nói rằng các nghiên cứu gần đây của nhà trị liệu người Mỹ Kelly Mahler chỉ ra rằng một số cá nhân mắc chứng tự kỷ, trầm cảm có thể sẽ gặp khó khăn trong kỹ năng cảm nhận.
Kích hoạt giác quan của trẻ
Sự cảm nhận bằng các giác quan sẽ giúp cơ thể hiểu được những gì đang diễn ra bên trong cơ thể và giúp cơ thể biết cách phản ứng lại. Ví dụ, nếu chúng ta cảm thấy khát, nó sẽ truyền tín hiệu đến bộ não và bộ não sẽ nhắc chúng ta uống nước.
Nhưng trẻ tự kỷ thường không thể làm được điều này, Wang nói.
Những cảm nhận của các giác quan giúp chúng ta phản ứng lại với cảm xúc của chính mình cũng như cảm xúc của người khác. Nhưng nó lại khó khăn với trẻ tự kỷ.
Wang cho biết cho dù bằng cách nghe hay chơi một nhạc cụ, âm nhạc đều giúp khơi gợi nhiều loại cảm xúc và phát triển nhận thức về cảm xúc ở những người thiếu kỹ năng cảm nhận.
Cô cho biết khi một đứa trẻ có thể phân biệt giữa các cảm xúc - hạnh phúc, tức giận và thất vọng - thì chúng có thể bắt đầu học cách hành động theo những cảm xúc đó, cách ngăn các cung bậc cảm xúc leo thang, từ đó duy trì khả năng kiểm soát cảm xúc tốt hơn.
Cô ấy miêu tả về cách trẻ em được khuyến khích phản ứng với tâm trạng của một bản nhạc như đánh trống theo điệu nhạc sôi động hoặc nằm xuống để thưởng thức âm nhạc phản xạ.
Khi trẻ lớn hơn, chúng tôi giới thiệu chúng với đàn piano, cô ấy nói, “như một phương thức thể hiện bản thân và để xây dựng cảm giác đạt được thành tích và sự tự tin.” Và câu chuyện của Yeung là minh chứng sống động cho điều này.
Khám phá giá trị bản thân
Đoàn Xuân Giang, một giáo viên dạy piano ở Hà Nội, kể rằng cách đây 2 năm Giang có dạy một học sinh 5 tuổi mắc chứng tự kỷ. Cậu bé nhạy cảm và khó khăn trong giao tiếp.
"Việc học nhạc với trẻ bình thường đã khó, đối với một cậu bé tự kỷ càng khó hơn," Giang chia sẻ. "Ban đầu, mỗi khi bị thầy nhắc nhở, cậu bé im lặng hoặc khóc, thậm chí không muốn đến lớp."
Nhưng sau nửa năm, khi đã bắt đầu quen với các phím đàn, cậu bé không còn ngại giao tiếp với thầy. Cậu bé đã chơi được những bản nhạc đơn giản như "Đàn gà con," "Happy Birthday" hay "Merry Christmas."
Dần dần, Giang còn yêu cầu cậu bé vừa đàn vừa hát để cậu bé nói nhiều hơn và được hòa vào âm nhạc. "Hai thầy trò kiên trì lặp đi lặp lại những việc như vậy. Lâu dần, cậu bé đã bớt nhút nhát, mở lòng hơn," Giang nói.
Biểu hiện rõ nhất của sự thay đổi này là khi đến trường, cậu bé đã nghêu ngao hát mà không chút ngại ngùng. Cậu bé còn nói chuyện với các bạn và tự tin hơn trong giao tiếp.
Sau này, cậu bé còn tham gia biểu diễn trên sân khấu lớn. Giang nói: "Những tràng pháo tay của khán giả đêm biểu diễn đó như cơn mưa rào làm trôi hết những tự ti, nhạy cảm của cậu bé."
Cậu chuyện về cậu bé này cho chúng ta thấy âm nhạc không chỉ giúp trẻ có cảm nhận rõ ràng hơn về mặt cảm xúc, hay thậm chí là sự thích thú khi đạt được thành tựu, mà thực tế sự trải nghiệm với âm nhạc đã giúp cậu bé khám phá được giá trị bản thân.
Thực tế là rất lâu trước khi trẻ em tham gia bất kỳ bài học âm nhạc chính thức nào, chúng đã "đắm chìm" vào âm nhạc ở một mức độ nào đó. Như việc cha mẹ thường mở các bài hát, các bản nhạc để dỗ dành trẻ mỗi khí trẻ quấy hay lười ăn.
Kết quả là trẻ em đến lớp học với "hành lý âm nhạc đã sẵn có" và vai trò của giáo viên là “mở gói” và làm cho nó "phồng to hơn."
Tại các trường học, trẻ mắc chứng tự kỷ thường bị tụt lại phía sau mặc dù nhiều em thể hiện sự hiểu biết đáng kinh ngạc về toán học. Nhưng âm nhạc sẽ mang đến cơ hội để các em có thể chạm tới một thành tích thực sự, dù là chỉ với một bản nhạc hay là cả một cuộc thi lớn./.