Ấn Độ và Trung Quốc nhất trí giải quyết căng thẳng ở biên giới

Hàng trăm binh sỹ Ấn Độ và Trung Quốc đã đóng quân trong tư thế mặt đối mặt ở các vị trí tại một khu đất bằng phẳng rộng lớn trên cao thuộc dãy Himalaya.
Ấn Độ và Trung Quốc nhất trí giải quyết căng thẳng ở biên giới ảnh 1Lính đặc nhiệm Ấn Độ triển khai ở khu vực biên giới. (Ảnh: vice.com)

Theo India Today, Trung Quốc ngày 23/9 cho biết nước này có đủ khả năng và sự tự tin để xoa dịu căng thẳng gia tăng ở "Ranh giới kiểm soát thực tế" (LAC), đồng thời cho biết quân đội Trung Quốc "không đi xa hơn" nhận thức chung về LAC.

Bộ Ngoại giao hai nước cũng cho biết trong cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Ấn Độ Nedranda Modi với Chủ tịch Tập Cận Bình trong chuyến thăm Delhi mới đây của ông Tập, hai bên cũng nhất trí giải quyết hòa bình căng thẳng ở khu vực biên giới.

Trước đó, theo Reuters, hàng trăm binh sỹ Ấn Độ và Trung Quốc đã đóng quân ở các vị trí tại một khu đất bằng phẳng rộng lớn trên cao thuộc dãy Himalaya, khiến Tham mưu trưởng quân đội Ấn Độ, Tướng Dalbir Singh phải hủy chuyến thăm Bhutan để theo dõi tình hình. 

Động thái này nhấn mạnh những bất đồng sâu sắc giữa 2 người khổng lồ châu Á trong bối cảnh 2 nước láng giềng này đang tìm kiếm những quan hệ gần gũi hơn.

Giới chức quân đội ở New Delhi và Kashmir ngày 23/9 cho biết các binh sỹ Trung Quốc đã hạ trại vào sâu trong khu vực Chumar thuộc vùng Ladakh mà Ấn Độ tuyên bố chủ quyền khoảng 3 km từ hơn 1 tuần trước. Các binh sỹ của Ấn Độ cũng hạ trại ở gần đó và được lệnh không được rút quân.

Một quan chức Chính phủ Ấn Độ cho biết nước này đã triển khai khoảng 1.500 binh sỹ tại khu vực Chumar, còn con số bên phía Trung Quốc là khoảng 800 và hai bên không ở trong tình thế đối mặt trực diện nhau trong một khoảng cách tương đối.

Trong một tuyên bố bằng văn bản, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho rằng nhận thức của 2 bên về đường ranh giới không giống nhau và quân đội nước này tôn trọng các hiệp định đã ký giữa 2 nước. Tuyên bố ghi rõ: "Biên giới giữa 2 nước cho đến nay vẫn chưa được phân định rõ. Nếu có vấn đề gì xảy ra ở khu vực biên giới, cả 2 bên có thể đạt được một giải pháp phù hợp thông qua đối thoại và tham vấn."

Những cáo buộc về các vụ xâm nhập của binh sỹ Trung Quốc vào lãnh thổ Ấn Độ tuyên bố chủ quyền là vấn đề nổi cộm trong chuyến thăm nước này của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tuần trước và nó phủ bóng đen lên những cam kết đầu tư 20 tỉ USD vào Ấn Độ trong vòng 5 năm tới cũng như mong muốn làm nồng ấm mối quan hệ cá nhân giữa ông Tập với tân Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi./.


(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục