Anh cam kết 100 triệu USD cho Quỹ bảo vệ “lá phổi xanh của hành tinh”

Khoản đóng góp của Anh cho Quỹ Bảo vệ rừng Amazon sẽ là 80 triệu bảng Anh (102 triệu USD), giải ngân cho các chương trình ngăn chặn nạn phá rừng và bảo vệ sự đa dạng sinh học phong phú của khu vực.
Anh cam kết 100 triệu USD cho Quỹ bảo vệ “lá phổi xanh của hành tinh” ảnh 1Khoảng rừng Amazon bị chặt phá tại Humaita, bang Amazonas (Brazil), ngày 16/9/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Anh sẽ đóng góp hơn 100 triệu USD cho quỹ của Brazil để bảo vệ rừng nhiệt đới Amazon.

Thủ tướng Anh Rishi Sunak đưa ra cam kết trên ngày 5/5, trong cuộc gặp Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva tới London dự lễ đăng quang của Nhà vua Charles III.

Khoản đóng góp của Anh cho Quỹ Bảo vệ rừng Amazon sẽ là 80 triệu bảng Anh (102 triệu USD), giải ngân cho các chương trình ngăn chặn nạn phá rừng và bảo vệ sự đa dạng sinh học phong phú của khu vực.

Đây được coi là một chiến thắng ngoại giao mới nhất của Brazil khi quốc gia Nam Mỹ tìm cách kêu gọi các nước giàu có hỗ trợ tài chính cho cuộc chiến cứu khu rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới.

Quỹ Bảo vệ rừng Amazon được ra mắt vào năm 2008 trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của ông Lula da Silva với cam kết của Na Uy đóng góp 1 tỷ USD.

Hoạt động của quỹ này đã bị đình chỉ dưới thời cựu Tổng thống Jair Bolsonaro theo đường cực hữu.

Tổng thống Lula da Silva đã hồi sinh quỹ Bảo vệ rừng Amazon sau khi ông trở lại nắm quyền vào tháng Một. Ông tiếp tục vận động các nhà lãnh đạo thế giới đóng góp vào nỗ lực cứu rừng Amazon, vốn đóng vai trò quan trọng cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Quỹ được sử dụng để triển khai các nhiệm vụ ưu tiên ở khu vực Amazon, trong đó có việc chấm dứt hoạt động khai thác vàng bất hợp pháp ở các khu bảo tồn bản địa và khôi phục việc thực thi các chính sách bảo vệ môi trường đã được nới lỏng dưới thời Tổng thống Bolsonaro.

[Mỹ nhấn mạnh bảo tồn rừng Amazon để đạt mục tiêu khí hậu toàn cầu]

Rừng Amazon được xem là "lá phổi xanh của hành tinh,” cung cấp khoảng 20% lượng khí oxy trên Trái Đất, là nơi sinh sống của khoảng 1 triệu thổ dân thuộc 500 bộ lạc. Khu rừng này cũng là nơi trú ngụ của hơn 3 triệu loài động, thực vật khác nhau.

Các tổ chức bản địa đại diện cho hơn 500 bộ lạc sinh sống tại lưu vực sông Amazon đang kêu gọi một hiệp ước toàn cầu để bảo vệ lâu dài 80% diện tích rừng Amazon vào năm 2025.

Hồi cuối tháng Hai, Đặc phái viên về khí hậu của Mỹ, ông John Kerry cảnh báo thế giới không thể đạt được mục tiêu giới hạn tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5 độ C nếu không bảo vệ rừng mưa Amazon.

Ông Kerry nêu rõ: "Nếu không bảo vệ rừng Amazon chống những hành vi phá rừng và lạm dụng rừng thì chúng ta không thể đảm bảo giới hạn mức tăng nhiệt toàn cầu ở 1,5 độ C" theo mục tiêu đặt ra trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.

"Rừng Amazon là một thử thách đối với toàn nhân loại chúng ta" - ông Kerry nhấn mạnh trong phát biểu tại Brazil khi thảo luận về khả năng Mỹ tài trợ cho việc bảo tồn rừng Amazon. Bảo vệ rừng Amazon là yếu tố hàng đầu để hạn chế biến đổi khí hậu vì lượng lớn khí thải nhà kính được cây rừng hấp thụ.

Cuối tháng Một vừa qua, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng đã cam kết hỗ trợ 200 triệu euro (217 triệu USD) cho các dự án bảo vệ môi trường tại Brazil, khi ông tới thăm Thủ đô Brasilia.

Gói hỗ trợ của Đức bao gồm cả 35 triệu euro đóng góp cho Quỹ rừng Amazon, giúp thúc đẩy sáng kiến trị giá hàng tỷ USD do Na Uy và Đức tài trợ nhằm bảo vệ rừng Amazon và chống nạn phá rừng.

Anh cam kết 100 triệu USD cho Quỹ bảo vệ “lá phổi xanh của hành tinh” ảnh 2Một khoảng rừng mưa Amazon ở bang Amazonas, Brazil bị cháy rụi ngày 24/8/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngoài ra, Đức cam kết tài trợ 33,6 triệu USD để giúp các bang của Brazil bảo vệ rừng Amazon, 87 triệu USD để cấp khoản vay lãi suất thấp cho nông dân tái trồng rừng.

Số tiền còn lại sẽ được chi cho các dự án xây dựng chuỗi cung ứng bền vững, dự án tiết kiệm năng lượng, thúc đẩy sử dụng năng lượng tái tạo trong công nghiệp và giao thông, cũng như hoạt động tái trồng rừng ở các khu vực bị suy thoái.

Vấn đề bảo vệ rừng Amazon là trọng tâm trong chương trình nghị sự giữa Thủ tướng Đức Scholz và Tổng thống Brazil Lula da Silva - theo Văn phòng Tổng thống Brazil.

Theo một nghiên cứu đăng trên tạp chí Science số ra ngày 26/1, hơn 1/3 rừng nhiệt đới Amazon có thể đã bị suy thoái do hoạt động của con người và hạn hán. Do vậy, các nhà khoa học cho rằng cần phải hành động để bảo vệ hệ sinh thái rất quan trọng này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục