Anh và Mỹ ký thỏa thuận duy trì các giao dịch tài chính

Nhằm tránh bất ổn có thể xảy ra trên thị trường sau thời điểm Anh rời khỏi EU, Anh và Mỹ đã ký thỏa thuận giao dịch tài chính, theo đó nhất trí duy trì cách thức các giao dịch tài chính hiện tại.
Anh và Mỹ ký thỏa thuận duy trì các giao dịch tài chính ảnh 1Anh và Mỹ đang thực hiện các biện pháp nhằm đảm bảo việc Anh rời khỏi EU dưới bất kỳ hình thức nào, sẽ không tạo ra sự bất ổn. (Nguồn: AFP)

Nhằm tránh những bất ổn có thể xảy ra trên thị trường sau thời điểm Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, Anh và Mỹ ngày 25/2 đã ký thỏa thuận giao dịch tài chính, theo đó nhất trí duy trì cách thức các giao dịch tài chính trị giá hàng nghìn tỷ USD đang được thực hiện giữa hai nước.

Tuyên bố chung được giới chức hai nước thông báo cùng ngày, nêu rõ: "Những đối tượng tham gia thị trường có thể yên tâm về tính liên tục của các hoạt động giao dịch phái sinh (công cụ tài chính thừa hưởng giá trị của nó từ giá trị của các thực thể cơ sở như tiền tệ, chứng khoán và hàng hóa) và thanh toán giữa Anh và Mỹ hậu Brexit."

Theo tuyên bố trên, Anh và Mỹ đang thực hiện các biện pháp nhằm đảm bảo việc Anh rời khỏi "ngôi nhà chung," dưới bất kỳ hình thức nào, sẽ không tạo ra sự bất ổn.

[Anh không kịp đạt thỏa thuận tiếp nối thương mại với nhiều đối tác]

Phát biểu trước báo giới, Thống đốc Ngân hàng Anh Mark Carney khẳng định Anh và Mỹ sẽ tiến hành các giao dịch phái sinh trị giá 2,4 nghìn tỷ USD mỗi ngày.

Đề cập đến vấn đề này, Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond cho rằng hai quốc gia là nền tảng cho sự vận hành trôi chảy của các thị trường phái sinh trị giá hàng nghìn tỷ bảng trên thế giới, với khoảng 97% thị trường phái sinh lãi suất được thanh toán tập trung ở London.

Ông Hammond nói: "Hành động mà chúng tôi đang làm hôm nay với các đối tác ở Mỹ sẽ đảm bảo rằng các thị trường có thể tiếp tục phát triển mạnh mẽ mà không bị gián đoạn cũng như cho thấy mối quan hệ đặc biệt giữa hai nền kinh tế phát triển này."

Trong khi đó, ông Carney khẳng định: "Là chủ của các thị trường phái sinh lớn nhất thế giới, Mỹ và Anh có trách nhiệm đặc biệt để giữ các thị trường sôi động, hiệu quả và cởi mở." 

Ngoài việc cho rằng London sẽ vẫn là một trung tâm toàn cầu về giao dịch phái sinh và thanh toán, Chủ tịch Ủy ban Giao dịch hàng hóa Mỹ Chrissttopher Giancarlo nhấn mạnh thêm rằng thỏa thuận sẽ tạo ra cầu nối cho Brexit thông qua khung pháp lý bền vững.

Trong bối cảnh chỉ còn hơn 1 tháng trước hạn chót 29/3 khi Anh chính thức rời EU theo luật định, Thủ tướng Theresa May đang tích cực làm việc với EU để có được những "đảm bảo cần thiết" giúp thỏa thuận Brexit nhận được sự ủng hộ tại Hạ viện trong cuộc bỏ phiếu lần 2.

Ngày 24/2, bà May đã quyết định lùi thời gian bỏ phiếu tại Hạ viện trong tuần này sang ngày 12/3 tới nhằm có thêm thời gian cho các nhà đàm phán Anh tiếp tục bàn thảo với các quan chức EU về những thay đổi trong thỏa thuận Brexit theo yêu cầu của các nghị sĩ để đổi lại các nghị sĩ sẽ bỏ phiếu ủng hộ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục