Anh xây dựng khu bảo tồn biển lớn nhất thế giới

Với kế hoạch của Anh về Vùng được bảo vệ quanh quần đảo Chagos, diện tích đại dương được bảo tồn trên thế giới sẽ tăng gấp đôi.
Chính phủ Anh ngày 1/4 đã "bật đèn xanh" cho việc xây dựng Vùng biển được bảo vệ (MPA) bao quanh quần đảo Chagos ở Ấn Độ Dương.

Động thái này ngay lập tức đã "chọc giận" Mauritius, nước tuyên bố có chủ quyền đối với quần đảo Chagos.

Với diện tích 400.000km2, một khi được thành lập, MPA sẽ trở thành khu bảo tồn biển lớn nhất thế giới và tăng gấp đôi diện tích đại dương được bảo tồn trên toàn cầu.

Kế hoạch này bao gồm việc thành lập vùng dự trữ biển, nơi mọi hoạt động đánh bắt quy mô thương mại đều bị cấm.

Bộ Ngoại giao Anh khẳng định việc xây dựng MPA là bước đi quan trọng tiến tới bảo vệ các đại dương.

Ngoại trưởng nước này David Milliband nhấn mạnh việc thành lập MPA sẽ không làm thay đổi cam kết của Anh về việc trao lại chủ quyền đối với quần đảo Chagos cho Mauritius khi Anh không cần sử dụng quần đảo này cho các hoạt động quân sự.

Ông cũng khẳng định quyết định thành lập MPA được đưa ra sau khi Anh đã tham vấn Mauritius, đồng thời cam kết sẽ hợp tác với tất cả các bên có lợi trong khu vực trong quá trình triển khai kế hoạch này.

Các nhà vận động bảo vệ môi trường thuộc tổ chức Hòa bình Xanh hoan nghênh quyết định của Chính phủ Anh, coi đó là một biện pháp chấm dứt tình trạng khai thác bừa bãi quanh quần đảo Chagos.

Họ cũng đề nghị kế hoạch xây dựng MPA phải đảm bảo sự công bằng cho người dân sống trong khu vực, đồng thời phải tính đến việc đóng cửa căn cứ quân sự mà Mỹ thuê của Anh trên quần đảo này.

Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Mauritius Arvind Boolell tố cáo Anh không trung thực. Theo ông Boolell, tuần trước, ông đã đề nghị Chính phủ Anh trình kết quả tham vấn lên Ủy ban song phương (Anh và Mauritius) về quần đảo Chagos, nhưng London đã bác bỏ đề nghị này.

Quần đảo Chagos được nhượng cho Anh từ năm 1814. Theo đánh giá của giới chuyên gia, MPA có thể sánh với rặng san hô ngầm lớn nhất thế giới hiện nay ở Australia về mức độ đa dạng sinh thái biển.

Hiện chỉ đảo chính Diego Garcia có người ở, gồm 1.700 quân nhân Mỹ, 1.500 lao động hợp đồng và khoảng 50 nhân viên người Anh.

Tuy nhiên, những người trước đây từng sống trên quần đảo này vẫn đang tìm cách trở về nơi họ coi là quê hương mình./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục