ASEAN 2020: Đại sứ Australia đánh giá thành tựu đặc biệt của Việt Nam

Đại sứ Will Nankervis cho rằng Hội nghị Cấp cao ASEAN-Australia và Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) vừa qua là “đỉnh cao của một năm hợp tác thực chất giữa ASEAN và Australia."
ASEAN 2020: Đại sứ Australia đánh giá thành tựu đặc biệt của Việt Nam ảnh 1Thủ tướng Australia Scott Morrison và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN 2020 cùng các nhà lãnh đạo ASEAN tham dự hội nghị. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Đại sứ Australia tại Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), ông Will Nankervis, nhấn mạnh Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các Hội nghị Cấp cao liên quan do Việt Nam chủ trì trong tuần qua là một “thành tựu đặc biệt” trong bối cảnh dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Trả lời phỏng vấn của phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại Jakarta, Đại sứ Will Nankervis cho rằng Hội nghị Cấp cao ASEAN-Australia và Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) vừa qua là “đỉnh cao của một năm hợp tác thực chất giữa ASEAN và Australia."

Năm nay đánh dấu một số ngày kỷ niệm quan trọng như kỷ niệm 15 năm thành lập EAS vào năm 2005 - cột mốc quan trọng đối với cấu trúc do ASEAN dẫn dắt.

Theo Đại sứ Will Nankervis, tại Hội nghị Cấp cao ASEAN-Australia, Thủ tướng Australia Scott Morrison đã nhiệt liệt hoan nghênh việc ASEAN nhất trí nâng cấp cuộc họp này thành hội nghị thường niên, đánh dấu “chương mới” trong quan hệ đối tác chiến lược giữa hai bên.

Thủ tướng Morrison đã công bố một loạt khoản đầu tư mang tính bước ngoặt với tổng trị giá khoảng 1 tỷ AUD trong giai đoạn 2020-2021 nhằm hỗ trợ tiếp cận vắcxin, an ninh y tế và phục hồi ở Đông Nam Á, dựa vào các chương trình hỗ trợ phát triển hiện có của Australia. Gói hỗ trợ này phù hợp với Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AOIP).

Tại EAS, Thủ tướng Morrison đã nhấn mạnh cam kết của Australia trong việc hợp tác với các đối tác trong khu vực hướng tới phục hồi từ đại dịch COVID-19, đồng thời ủng hộ một khu vực có chủ quyền, ổn định, cởi mở và năng động dựa trên các nguyên tắc của AOIP.

Đánh giá về vai trò của Chủ tịch ASEAN của Việt Nam trong năm nay, Đại sứ Will Nankervis khẳng định Australia vui mừng nhận thấy Việt Nam duy trì được động lực của AOIP, trong đó đặt ASEAN ở vị trí trung tâm khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác hàng hải, kết nối, mục tiêu phát triển bền vững và các vấn đề phát triển kinh tế.

Australia hoan nghênh tuyên bố của Chủ tịch Việt Nam tại Hội nghị Cấp cao ASEAN vào cuối tháng Sáu, trong đó thể hiện tiếng nói mạnh mẽ về Biển Đông, nhấn mạnh tầm quan trọng của luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.

[Thúc đẩy hợp tác ASEAN-Australia vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng]

Đại sứ Will Nankervis nhấn mạnh: “Chúng tôi thấy rằng Việt Nam đã tích cực thu hút tất cả các nước đối tác đối thoại nhằm đảm bảo rằng ASEAN vẫn là trung tâm của các động lực khu vực. Và như Thủ tướng Morrison đã nói, dưới sự chủ trì của Việt Nam, Australia đang hợp tác chặt chẽ hơn bao giờ hết với ASEAN."

Đánh giá về ý nghĩa của việc ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP), Đại sứ Will Nankervis cho rằng đây là thỏa thuận quan trọng vì quy mô lớn, trọng lượng kinh tế tập thể và ý nghĩa chiến lược với việc đặt ASEAN ở vị trí trung tâm của các thỏa thuận kinh tế khu vực.

Các nước RCEP hiện chiếm gần 1/3 dân số và tổng GDP thế giới, 58% thương mại và 67% xuất khẩu của Australia. Hiện chưa có hiệp định thương mại nào khác quy tụ được sức mạnh kinh tế tập thể của các nước thành viên ASEAN và các nền kinh tế lớn trong khu vực.

Đại sứ Will Nankervis khẳng định RCEP “gửi thông điệp rõ ràng” rằng các nước trong khu vực cam kết mở cửa thương mại và đầu tư.

RCEP là minh chứng cho thấy vai trò lãnh đạo của ASEAN và là sự phát triển tích cực đối với toàn bộ khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Thỏa thuận này cũng cho thấy cam kết chung của các nước RCEP đối với hợp tác, tăng cường liên kết thương mại và đầu tư, đồng thời thể hiện cam kết của khu vực đối với một khuôn khổ thương mại và đầu tư dựa trên các quy tắc.

Theo Đại sứ Will Nankervis, đại dịch COVID-19 đã tạo ra những thách thức to lớn cho tất cả các nước, cả về quản lý y tế lẫn và suy thoái kinh tế, khiến thương mại sụt giảm nghiêm trọng song RCEP sẽ tăng cường chuỗi giá trị khu vực, cải thiện các lĩnh vực có nhiều tiềm năng tăng trưởng nhất như dịch vụ, đầu tư và thương mại kỹ thuật số.

Cuối cùng, Đại sứ Will Nankervis cho hay RCEP sẽ thúc đẩy niềm tin trong toàn khu vực trong bối cảnh ư tiên phục hồi kinh tế đang được đặt lên hàng đầu.

Bên cạnh đó, RCEP sẽ tạo ra những cơ hội lớn cho các doanh nghiệp bằng cách tự do hóa thương mại hàng hóa, dịch vụ và đầu tư, cũng như thiết lập các quy tắc mang lại sự chắc chắn hơn và cải thiện môi trường kinh doanh trong toàn khu vực./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục