Bài 2: Cách nhìn lịch sử của người trẻ: Có chạm tới trái tim khán giả?

Giới trẻ là đối tượng khán giả đầu tiên mà các nhà làm phim muốn hướng tới khi thực hiện những tác phẩm về đề tài chiến tranh, người lính.
Êkíp sản xuất "Truyền thuyết về Quán Tiên" đã tái hiện chuỗi ngày gian khổ của những cô gái trẻ trên tuyến đường Trường Sơn. (Ảnh: Đoàn làm phim)
Êkíp sản xuất "Truyền thuyết về Quán Tiên" đã tái hiện chuỗi ngày gian khổ của những cô gái trẻ trên tuyến đường Trường Sơn. (Ảnh: Đoàn làm phim)

Sau thời gian dài trầm lắng, các nhà làm phim, đặc biệt là những đạo diễn trẻ, đã có nhiều đổi mới trong cách tiếp cận vấn đề, xây dựng nhân vật để cho ra đời những bộ phim khai thác đề tài chiến tranh và người lính gần gũi với khán giả.

Cụ thể, việc ngợi ca chủ nghĩa anh hùng ca cách mạng theo cảm hứng sử thi, các nhà làm phim đã chú trọng hơn đến yếu tố con người, khai thác số phận và cả những góc khuất trong cuộc sống của những người bước qua cuộc chiến. Nhờ vậy, phim mang màu sắc nhân văn, đa chiều và dễ tiếp cận với khán giả hơn.

Chiến tranh không chỉ có bom đạn, chết chóc

Điều này được thể hiện khá rõ qua những bộ phim như “Mắt biển,” “Người trở về”“Truyền thuyết về Quán Tiên”

Từ việc đề cao chiến công của tập thể, hạn chế đề cập đến cái “tôi” cá nhân, phim Việt về đề tài chiến tranh, người lính đã có sự chuyển hướng quan trọng: Đề cập nhiều hơn đến số phận con người, cuộc sống của nhân vật với đủ các mảng sáng-tối, các cung bậc cảm xúc hỉ-nộ-ái-ố…

“Người trở về” (đạo diễn Đặng Thái Huyền) được chuyển thể từ truyện ngắn “Người về bến sông Châu” của nhà văn Sương Nguyệt Minh. Bộ phim lấy nước mắt khán giả nhờ câu chuyện về Mây - một nữ y tá ở chiến trường. Hòa bình lập lại, Mây tìm về bến sông Châu mong gặp lại gia đình và người yêu (San). Thế nhưng, ngày Mây trở về cũng là ngày San cưới vợ, còn gia đình đang chuẩn bị làm đám giỗ cho cô vì nghĩ rằng cô đã hy sinh.

Không muốn thêm một người phụ nữ nữa đau khổ, Mây từ chối ý định “cùng nhau làm lại từ đầu” của San. Hàng ngày, Mây phải chứng kiến hạnh phúc gia đình mà Thanh (vợ San) cố phô bày, chịu sự dằn vặt của người yêu cũ. Thêm vào đó, những vết thương từ chiến trường, nỗi ám ảnh về sự hy sinh của đồng đội khiến Mây không thể bắt đầu một cuộc sống hạnh phúc khi hòa bình lập lại.

Đạo diễn Đặng Thái Huyền cho biết khi thực hiện những bộ phim về đề tài chiến tranh, thời kỳ hậu chiến như “Người trở về,” đối tượng khán giả mà chị muốn hướng tới trước tiên là giới trẻ.

Bài 2: Cách nhìn lịch sử của người trẻ: Có chạm tới trái tim khán giả? ảnh 1Diễn viên Lã Thanh Huyền vào vai một người phụ nữ phải chịu nhiều bất hạnh trong thời hậu chiến. (Ảnh: Đoàn làm phim)

“Họ là những người chưa có những trải nghiệm thực tế về cuộc chiến. Bởi vậy, nếu phim không có câu chuyện cụ thể, nhân vật với tính cách, số phận rõ nét thì rất khó thu hút được khán giả trẻ. Nếu để tìm hiểu về những số liệu, diễn biến trận đánh..., họ hoàn toàn có thể khai thác được từ nhiều nguồn tài liệu, sách báo,” nữ đạo diễn bày tỏ.

Cũng từ lập luận ấy nên nữ đạo diễn cho rằng điều quan trọng với một bộ phim về đề tài chiến tranh và người lính là phải chạm được đến trái tim khán giả, khiến họ xúc động. Từ câu chuyên cụ thể, nỗi đau cụ thể (như của nhân vật Mây trong “Người trở về”), người xem sẽ cảm nhận được rõ nét và sâu sắc hơn về sự hy sinh, nỗi đau và nỗi khổ của người lính, (đặc biệt là của người phụ nữ) khi đi qua cuộc chiến. “Sự tàn phá của chiến tranh không chỉ là bom đạn hủy diệt mà còn là nỗi đau dai dẳng, ám ảnh cuộc đời nhiều thế hệ,” đạo diễn bày tỏ.

[Điện ảnh Việt đến Liên hoan phim Busan: Dấu ấn của các đạo diễn trẻ]

Có cùng quan điểm trên, đạo diễn trẻ Đinh Tuấn Vũ cùng các cộng sự đã đưa đến cho khán giả cái nhìn toàn diện, đa chiều, nhân văn về cuộc sống của những người lính nói chung và của những cô gái thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại nói riêng trong bộ phim “Truyền thuyết về Quán Tiên” việc khai thác những day dứt, giằng xé nội tâm của nhân vật.

Trong buổi công chiếu ra mắt tối 12/11 vừa qua tại Hà Nội (trong khuôn khổ Tuần phim chào mừng Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 21), rất đông khán giả (thuộc nhiều lứa tuổi khác nhau) ngồi lại đến những giây cuối cùng trong sự xúc động, trầm ngâm. [Phim giành giải Bông sen bạc ở hạng mục Phim truyện điện ảnh, Liên hoan Phim Việt Nam 2019; dự kiến công chiếu tại các rạp trên toàn quốc từ đầu năm 2020 - PV].

“Điều đó có ý nghĩa rất lớn lao! Với một đạo diễn như tôi, không gì quý giá hơn sự đón nhận của công chúng với tác phẩm của mình,” nhà làm phim trẻ Đinh Tuấn Vũ chia sẻ.

Phim được chuyển thể từ truyện ngắn “Huyền thoại về Quán Tiên” của nhà văn Xuân Thiều, kể cuộc sống của những cô gái thanh niên xung phong (Mùi, Lan, Phượng) tại một binh trạm trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại. Họ vừa phải chiến đấu với kẻ thù, bom đạn vừa phải đối mặt với những khao khát bản năng của con người giữa rừng thiêng, nước độc…

Nếu như Mùi là cô gái mạnh mẽ, có tinh thần trách nhiệm cao thì Lan lại là một cô gái giàu bản năng, luôn khát khao yêu thương với nội tâm vô cùng phức tạp. Có những lúc Lan thật hài hước nhưng có khi lại yếu đuối, bi thương…, thậm chí có lúc bản năng chiến thắng lý trí khiến cô có những biểu hiện bất thường. Trong khi đó, cô em út Phượng hiện lên với vẻ trong trẻo, mộc mạc, hồn nhiên.

Đạo diễn Đinh Tuấn Vũ chia sẻ bằng việc kết hợp giữa các yếu tố thực và ảo, bản năng và ý thức, tác phẩm của nhà văn Xuân Thiều đã cho người đọc một cách nhìn toàn diện, nhân văn về cuộc sống của những người lính. Điều đó không làm mờ đi phẩm chất anh hùng trong kháng chiến mà giúp hình tượng người lính được nhìn nhận đa chiều, tránh được sự khiên cưỡng, cứng nhắc.

Bài 2: Cách nhìn lịch sử của người trẻ: Có chạm tới trái tim khán giả? ảnh 2Đạo diễn Đinh Tuấn Vũ (ngoài cùng bên phải) trên trường quay "Truyền thuyết về Quán Tiên." (Ảnh: Đoàn làm phim)

“Tôi và êkíp sản xuất mong muốn tái hiện chân thực những tháng ngày gian khổ của những cô gái trẻ trên tuyến đường Trường Sơn trọng điểm. Với họ, sự khổ cực, hiểm nguy, liên tục cận kề với cái chết cũng không đáng sợ bằng nỗi cô đơn, sự thiếu thốn tình cảm. Điều đó đã đẩy họ vào những day dứt, giằng xé nội tâm sâu sắc,” đạo diễn Đinh Tuấn Vũ bày tỏ.

Trong suốt 5 năm, đạo diễn Đinh Tuấn Vũ đã cùng đoàn làm phim đã đi tới Ngã Ba Đồng Lộc, di tích Truông Bồn, Hang Y Tá - những địa điểm khốc liệt trong chiến tranh tại Quảng Bình để chọn bối cảnh cho những thước phim, để từ đó rừng Trường Sơn và đường Hồ Chí Minh huyền thoại không còn xa mờ, khó nắm bắt với người xem.

Loại bỏ rào cản định danh “phim cúng cụ”

“Truyền thuyết về Quán Tiên” cũng cho thấy rõ dấu ấn sáng tạo, đổi mới của đạo diễn trẻ Đinh Tuấn Vũ và êkíp làm phim khi kết hợp những yếu tố thực và ảo, cài cắm những chi tiết ly kỳ xen lẫn hài hước.

Bên cạnh việc để nhân vật hiện lên với những chi tiết, yếu tố gần gũi, chân thật và đời nhất, “Huyền thoại về Quán Tiên” cũng được kỳ vọng trở thành bộ phim đề tài lịch sử thu hút sự chú ý của khán giả trẻ khi được chiếu phổ biến bởi sự “thức thời” của đạo diễn trong việc tập hợp những gương mặt được giới trẻ chú ý (bên cạnh những diễn viên quen thuộc như Thúy Hằng, Mai Anh…).

Ví dụ như sự xuất hiện của Trần Việt Hoàng (một gương mặt “hot” trên YouTube với những video clip về gia đình) trở thành điểm nhấn mang đến những tiếng cười, sự hài hước trong phim, để một bộ phim về chiến tranh giảm bớt sự khô cứng hay bi lụy.

Việc đổi mới góc tiếp cận, cách kể… trong “Truyền thuyết về Quán Tiên” và một số bộ phim ra đời trong những năm gần đây (“Những người viết huyền thoại,” “Đừng đốt,” “Người trở về”…) đã cho thấy hướng đi mới trong việc tìm lại chỗ đứng và “chinh phục” khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ của những tác phẩm điện ảnh Việt về đề tài chiến tranh.

Bài 2: Cách nhìn lịch sử của người trẻ: Có chạm tới trái tim khán giả? ảnh 3Cuộc sống, số phận của người lính được đề cập sắc nét, đa chiều hơn ở những bộ phim ra đời trong những năm gần đây. (Ảnh: Đoàn làm phim)

Ở góc độ khác, nhiều ý kiến đồng tình với quan điểm cần đẩy mạnh khâu quảng bá, truyền thông với những bộ phim về đề tài này.

“Đã xa rồi thời ‘hữu xạ tự nhiên hương’! Trong bối cảnh khán giả có quá nhiều loại hình, sản phẩm giải trí để lựa chọn như hiện nay, nếu các đơn vị, nhà làm phim không chủ động quảng bá, giới thiệu tác phẩm của mình thì cũng khó trách người xem không đến rạp hoặc không mặn mà. Trong khi đó, những bộ phim thương mại, phim giải trí được quảng bá rất rầm rộ từ khâu tìm bối cảnh, tuyển diễn viên, quá trình quay đến xử lý hậu kỳ, ra rạp…Tuy nhiên, để việc quảng bá đạt hiệu quả thì cơ sở đầu tiên phải là chất lượng phim tốt,” đạo diễn Thái Huyền chia sẻ.

Bên cạnh đó, đạo diễn Bùi Tuấn Dũng cũng cho rằng cần xóa bỏ mặc định lâu nay của công chúng rằng cứ phim Nhà nước đặt hàng, phim tuyên truyền, phim chiến tranh là “phim cúng cụ,” chỉ chiếu trong các đợt kỷ niệm, dịp lễ lớn rồi “cất kho.” Nếu khán giả luôn giữ định kiến đó thì sẽ rất khó “cởi lòng” để đón nhận những tác phẩm có giá trị thực sự, chưa xem phim đã tự dự đoán phim rất chán, khô cứng.

“Tất nhiên, muốn vậy thì các nhà làm phim phải chứng minh bằng chất lượng tác phẩm. Để có thể nâng cao mặt bằng chất lượng dòng phim này, chúng ta cần một chiến lược dài hơi. Bên cạnh việc đầu tư thỏa đáng về kinh phí, vấn đề tập hợp đội ngũ những người làm phim có nghề, có tâm cũng rất cần thiết,” đạo diễn Bùi Tuấn Dũng bày tỏ.

Ngoài ra, nghệ sỹ nhân dân Đặng Nhật Minh cho rằng lĩnh vực điện ảnh cần đẩy mạnh việc đào tạo bài bản ở các khâu (biên kịch, đạo diễn, diễn viên…) đối với những người làm phim về chiến tranh, người lính. Bởi lẽ việc làm phim về đề tài này đòi hỏi không chỉ kiến thức, kỹ năng trong lĩnh vực điện ảnh mà còn cần vốn kiến thức, sự hiểu biết sâu rộng về lịch sử, quân sự, văn hóa…./.

Trailer phim “Những người viết huyền thoại”:

Bài 3: Nghệ sỹ Đặng Nhật Minh: Làm phim chiến tranh, tôi... ‘vỡ’ ra nhiều

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục