Bài 2: Vụ ‘Model Kid Việt Nam’: Cần xác định rõ đối tượng tranh chấp

Lùm xùm chuyện bản quyền chương trình Model Kid Việt Nam

Vụ việc ông Hoàng Thảo tố Công ty Multimedia JSC ăn cắp bản quyền chương trình Model Kid Việt Nam vẫn chưa có hồi kết. Luật sư sở hữu trí tuệ Trần Tám đã đưa ra những phân tích dưới góc độ pháp lý.
Bà Trần Tám tra niên giám về đăng ký bản quyền được công bố công khai trên website của Cục Bản quyền Tác giả.
Bà Trần Tám tra niên giám về đăng ký bản quyền được công bố công khai trên website của Cục Bản quyền Tác giả.

Bài 2: Vụ ‘Model Kid Việt Nam’: Cần xác định rõ đối tượng tranh chấp

Liên quan đến vụ việc ông Hoàng Thảo tố Công ty Multimedia JSC ăn cắp bản quyền chương trình Model Kid Việt Nam, Luật sư sở hữu trí tuệ Trần Tám (Giám đốc Công ty IPCOM) đã đưa ra những phân tích dưới góc độ pháp lý.

Theo bà Tám, điều cần làm đầu tiên là xác định đối tượng tranh chấp của vụ việc và đó chính là kịch bản chương trình Model Kid Việt Nam.

[Model Kid Việt Nam bị “tố” ăn cắp bản quyền]

Trước đó, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, ông Thảo cho rằng mình là người nghĩ ra format chương trình Người mẫu nhí Việt nam-Vietnam Model Kid từ năm 2012, sau đó được cấp bản quyền.  Ông Thảo thực hiện chương trình Người mẫu nhí Việt Nam vào năm 2018 và đến năm 2019 định thực hiện thì phía Công ty Multimedia JSC đã sản xuất một chương trình mới.

Như vậy, theo nữ luật sư Trần Tám, cái mà ông Hoàng Thảo chanh chấp chính là format của chương trình chứ không phải về hình thức thể hiện của logo Model Kid Việt Nam mà Cục Bản quyền đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả cho Công ty Multimedia JSC với tư cách là một tác phẩm mỹ thuật ứng dụng.

Do đó, có thể không cần đề cập đến tác phẩm mỹ thuật ứng dụng (logo Model Kid Việt Nam) mà chỉ bàn đến việc Công ty Multimedia JSC có vi phạm quyền sở hữu trí tuệ là kịch bản chương trình Người mẫu nhí Việt Nam-Vietnam Model Kid của ông Thảo hay không.

“Sau khi tìm hiểu, tôi thấy có vấn đề trong hình ảnh mà ông Thảo công bố trên truyền thông, đó là phần số giấy chứng nhận được cấp và ngày cấp giấy chứng nhận được ‘che đi.’ Tôi bỗng liên tưởng đến vụ tranh chấp phần lời của ca khúc ‘Gánh mẹ’ giữa Quách Beem và Trương Minh Nhật cuối năm 2019. Cho đến nay, vụ kiện vẫn chưa có hồi kết,” luật sư Trần Tám nói.

Lùm xùm chuyện bản quyền chương trình Model Kid Việt Nam ảnh 1Bằng chứng do phía ông Hoàng Thảo cung cấp.

Ở vụ việc Model Kid Việt Nam, bà Trần Tám đã tra niên giám về đăng ký bản quyền được công bố công khai trên website của Cục Bản quyền Tác giả thì thấy Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả có nội dung: “Kịch bản chương trình-Người mẫu nhí Việt Nam” của ông Hoàng Thảo được cấp vào ngày 4/7/2019, trước khi phía Công ty Multimedia JSC được cấp “Hình thức thể hiện logo Model Kid Việt Nam,” loại hình tác phẩm mỹ thuật ứng dụng 1 tuần - vào ngày 11/7/2019.

Nữ luật sư cho rằng, vì câu chuyện ở đây không đề cập đến tác phẩm mỹ thuật ứng dụng nên bỏ qua tác phẩm mà Công ty Multimedia JSC được cấp Giấy chứng nhận bản quyền tác giả, nên chỉ xem xét các nội dung mà ông Hoàng Thảo đã cung cấp.

Theo bà Trần Tám, một là ông Thảo tuyên bố viết format chương trình này từ năm 2012 nhưng đến tận 2019 mới đăng ký bản quyền; hai là, năm 2018 ông Thảo có sản xuất một chương trình nhưng theo công bố trên báo chí truyền thông đây giống như một “cuộc thi bé khỏe bé đẹp,” có phần thi tài năng, hình thức, catwalk, ứng xử…, trong đó vì là cuộc thi người mẫu nên phần catwalk sẽ được chú trọng hơn.

Format này khác với Model Kid Việt Nam mà phía Công ty Multimedia JSC thực hiện. Chương trình này có xu hướng là một chương trình truyền hình thực tế, và có khá nhiều điểm tương đồng với chương trình Next Top Model, điểm khác biệt lớn nhất là nhân vật - người mẫu tham gia là các em nhỏ.

Ngoài ra, Giấy chứng nhận đăng ký bản quyền tác giả cho ông Hoàng Thảo là cấp sau thời điểm Công ty Multimedia JSC công bố chương trình Model Kid Việt Nam trên truyền thông vào cuối tháng 5/2019.

Lùm xùm chuyện bản quyền chương trình Model Kid Việt Nam ảnh 2Giấy chứng nhận bản quyền do bà Trang Lê cung cấp.

Cũng cần phải lưu ý rằng, Giấy chứng nhận bản quyền do Cục Bản quyền không có ý nghĩa cấp quyền cho các tác giả và/hoặc chủ sở hữu tác phẩm mà chỉ có ý nghĩa ghi nhận, bởi “Quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký” (Khoản 1 Điều 6 Luật Sở hữu trí tuệ).

Do vậy, trong hồ sơ đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền tác giả, Cục Bản quyền tác giả chỉ yêu cầu tác giả cam kết “tôi tự sáng tạo, không sao chép,” mà không (thể) tiến hành thẩm định liệu rằng tác giả có thật sự tự sáng tạo và không sao chép hay không.

Nếu một bên thứ ba cung cấp được bằng chứng về việc tác giả sao chép, “không tự mình sáng tạo” và yêu cầu hủy giấy chứng nhận này, Cục Bản quyền sẽ xem xét các chứng cứ do hai bên cung cấp và quyết định hủy Giấy chứng nhận nếu bằng chứng sao chép được chứng minh một cách xác đáng hơn.

Luật sư Trần Tám cho rằng, để chứng minh Công ty Multimedia JSC xâm phạm bản quyền của mình, ông Hoàng Thảo cần nhiều hơn chứng cứ đã tuyên bố trên truyền thông trong thời gian gần đây, cụ thể là chứng cứ chứng minh kịch bản chương trìnhNgười mẫu nhí Việt Nam-Vietnam Model Kid được sáng tạo hoặc được công bố trước khi Công ty Multimedia JSC sản xuất chương trình Vietnam Model Kid một cách thuyết phục và phải có sự tương đồng về “hình thức thể hiện” giữa hai chương trình này./.

Bài 3: Vụ ‘Model Kid Việt Nam’: Giải quyết theo luật tố tụng dân sự

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục