Bài 3: Cái ‘bắt tay’ của những người “cầm trịch” du lịch Việt Nam

Khi cách làm cũ đã mất ưu thế, không mang lại hiệu quả đúng như giá trị thực, là lúc cần một cuộc “cách mạng” trong cả tư duy và hành động của ngành du lịch Việt, không chỉ ở phía các doanh nghiệp.
Bờ biển tại Côn Đảo đẹp trong ánh nắng hoàng hôn. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Bờ biển tại Côn Đảo đẹp trong ánh nắng hoàng hôn. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Chẳng thể kéo dài mãi tâm lý chờ đợi kiểu “liệu cơm gắp mắm,” bởi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 thực sự khốc liệt và nó không cho ai đứng yên, vì đứng yên nghĩa là tụt hậu, là sẽ rất nhanh bị văng khỏi “cuộc chơi.” Cũng may, những người cầm trịch của ngành du lịch Việt đã nhận ra điều đó và bắt đầu hành động.

[Bài 2: Du lịch Việt và những nỗ lực ‘thay máu’ thời 4.0]

Cái “bắt tay” được mong chờ…

Du lịch trực tuyến bao gồm nhiều hoạt động, trong đó e-marketing (ứng dụng marketing điện tử) được quan tâm hơn cả. Hai năm qua, Tổng cục Du lịch đã cùng Hội đồng tư vấn du lịch thực hiện chương trình triển khai e-marketing về du lịch, quảng bá điểm đến của Việt Nam với cách thức mới mẻ.

Ông Đinh Ngọc Đức, Vụ trưởng Vụ Thị trường du lịch, Tổng cục Du lịch Việt Nam cho biết: “Chúng tôi đã xây dựng trang web mới là vietnam.travel hoàn toàn ‘lột xác.’ Đây là trang web chuyên về xúc tiến, quảng bá du lịch, giới thiệu điểm đến của Việt Nam.”

“Tiếp nữa, chúng tôi đã lập thêm những tài khoản mới trên các mạng xã hội, mời các chuyên gia du lịch cùng tham gia với những góc nhìn mới, cũng như cách tiếp cận mới. Công việc này hiện đang được triển khai thuận lợi.”

Bài 3: Cái ‘bắt tay’ của những người “cầm trịch” du lịch Việt Nam ảnh 1Một nền tảng về du lịch ẩm thực Việt Nam mới ra mắt thời gian qua. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Trong khi đó, Hội đồng tư vấn đang hỗ trợ Tổng cục Du lịch vận hành quảng bá trên Youtube, Instagram, Facebook, Pinterest. Tùy từng thị trường mà mạng xã hội nào sẽ được lựa chọn sử dụng chính, cách làm ra sao.

Thông thường, đơn vị này sẽ dùng những người có tầm ảnh hưởng viết bài, hoặc các nhiếp ảnh gia có tiếng đăng tải hình ảnh, video để thu hút người xem. Hay như năm vừa qua, Hội đồng tư vấn du lịch phát động hai cuộc thi My Vietnam và Vietnam Nows nhằm thu hút nội dung từ người dùng.

Lượng khách quốc tế truy cập vào trang web chính của du lịch Việt trước đây là 70% khách từ Việt Nam còn 30% là khách quốc tế. “Hiện chúng tôi đang cố gắng đảo ngược con số này, để tạo nên biến đổi về chất,” ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng Ban thư ký Hội đồng tư vấn du lịch quốc gia (TAB) cho biết.

Thực tế thời gian qua, Tổng cục Du lịch vẫn đang có chiến lược về e-marketing, song chiến lược này cần có những thay đổi trong cách tiếp cận để phù hợp với thời kỳ cách mạng nghệ bùng nổ như hiện nay.

Theo ông Chính, hiện các trang web và trang mạng xã hội quảng bá thương hiệu du lịch quốc gia đang tập trung vào thị trường khách nói tiếng Anh nên mới có giao diện tiếng Anh và nội dung do các chuyên gia từ Mỹ, Canada viết theo tư duy của khách nước ngoài. Cách làm này sẽ giúp tiếp cận được gần thị hiếu của khách du lịch quốc tế, từ đó hấp dẫn họ đến Việt Nam trải nghiệm.

Để làm được, Hội đồng tư vấn du lịch đã phải nghiên cứu kỹ khách du lịch đến Việt Nam thường có nhu cầu gì, thăm thú đâu và bị ảnh hưởng ra sao từ trang web của Hội đồng đối với quyết định của họ.

Bài 3: Cái ‘bắt tay’ của những người “cầm trịch” du lịch Việt Nam ảnh 2Một nền tảng công nghệ về du lịch được startup Việt Nam giới thiệu năm 2019. (Ảnh: X.Mai/Vietnam+)

Tận dụng thế mạnh “văn hóa bản địa”

Theo nhận định của một số doanh nghiệp trẻ khởi nghiệp sáng tạo ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển du lịch, thì việc am hiểu văn hóa bản địa chính là một thế mạnh của đại lý du lịch trực tuyến (Online Travel Agency - OTA) trong nước so với các OTA nước ngoài. Và, việc của họ là làm sao đáp ứng trúng nhu cầu khách hàng để chiếm lĩnh thị trường, giành lại “miếng bánh” đang bị mất tới 80% ngay trên sân nhà.

Muốn cạnh tranh với “cá mập,” các đại lý du lịch trực tuyến trong nước cần tiết giảm chi phí để có giá thành sản phẩm phù hợp, phối hợp đồng bộ với các khách sạn, dịch vụ du lịch để tạo hệ sinh thái hoàn chỉnh; tăng cường khả năng chăm sóc khách hàng… Đặc biệt, những nội dung đó phải được số hóa giúp khách hàng dễ dàng tiếp cận và lựa chọn.

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cho rằng hệ thống dữ liệu số đầy đủ, đồng bộ thông tin các điểm đến, dịch vụ, sản phẩm, cũng như thông tin tổng thể về du lịch là thiết yếu nhất để phát triển du lịch trực tuyến Việt Nam giai đoạn này.

Dù thực tế nhiều địa phương, doanh nghiệp đã chủ động xây dựng kho dữ liệu số, song mới dừng ở mức độ cá nhân. Vì thế, cùng nhau chia sẻ, kết nối để xây dựng mạng lưới dữ liệu quốc gia là việc cần làm ngay, sẽ giúp doanh nghiệp Việt tạo sức cạnh tranh so với các doanh nghiệp nước ngoài.

Bài 3: Cái ‘bắt tay’ của những người “cầm trịch” du lịch Việt Nam ảnh 3Nhờ công nghệ 4.0, du khách quốc tế có thể livestream khi tham quan danh thắng Việt Nam. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Tuy nhiên, nếu các doanh nghiệp chỉ tập trung kinh doanh trực tuyến mà lơ là việc đảm bảo chất lượng sản phẩm du lịch, thì rất dễ “mất điểm.” Điều đó đồng nghĩa uy tín thương hiệu cũng như kết quả kinh doanh của doanh nghiệp bị tổn thất.

Thời điểm này, một trong những giải pháp quan trọng mà những người làm nghề cần tập trung là làm sao nâng cao kỹ năng sử dụng nền tảng trực tuyến và quản lý dữ liệu để tăng sức mạnh cạnh tranh cho doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, những điểm đến ở vùng sâu, vùng xa.

Theo ông Vũ Thế Bình-Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam, cần có chính sách hỗ trợ phát triển một hệ sinh thái kỹ thuật số đủ mạnh, để tăng cơ hội cho các điểm đến và doanh nghiệp, các nhà quản lý (bao gồm cả phương tiện truyền thông xã hội và nền tảng di động), tạo quan hệ hợp tác giữa các bên liên quan cùng phát triển bền vững…

Với những “bước đi” đầy ứng hứng khởi này, ông Bình cũng như các thành viên trong hiệp hội có cơ sở để hy vọng ngành “công nghiệp không khói” sẽ thực sự cất cánh trong thời gian tới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục