Báo động lừa đảo chiếm đoạt quyền sử dụng đất của đồng bào thiểu số

UBNBD huyện Chư Păh yêu cầu các đơn vị tạm dừng thực hiện các giao dịch để Công an huyện vào cuộc điều tra, làm rõ vụ chuyển nhượng đất đai bất thường liên quan tới người dân tộc thiểu số ở huyện.
Báo động lừa đảo chiếm đoạt quyền sử dụng đất của đồng bào thiểu số ảnh 1Vợ chồng chị Kưm lo lắng vì sợ mất 5 sào đất. (Nguồn: vov)

Lợi dụng sự thiếu hiểu biết, hoàn cảnh khó khăn… của một số hộ đồng bào dân tộc thiểu số, một số đối tượng đã có hành vi lừa đảo, chiếm đoạt quyền sử dụng đất của nhiều hộ dân tại tỉnh Gia Lai.

Những ngày này, gia đình chị Kưm ở làng Xóa, xã Chư Đăng Ya, huyện Chư Păh như "ngồi trên đống lửa" khi biết tin mảnh rẫy 5 sào trồng càphê đã thuộc sở hữu của người khác. Sự việc bắt nguồn từ năm 2018, khi đó, vì cần vốn làm ăn, vợ chồng chị đã đồng ý cho người cùng làng là bà Vũ Thị Hằng thuê đất với thời hạn 10 năm.

Đến tháng 1/2021, khi cán bộ Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Chư Păh tới nhà chị xác minh lại nguồn gốc đất gia đình mới biết đất đã bị bà Hằng tự ý sang tên cho chính bà Hằng từ tháng 8/2020 và đang làm thủ tục chuyển nhượng cho người khác.

Gia đình anh Chang cũng đang khổ sở tìm lại "sổ đỏ" cho mảnh đất hơn 300m2 của gia đình. Từ lời dụ dỗ của bà Hằng, năm 2020, gia đình anh đã giao "sổ đỏ" và nhờ bà Hằng giúp vay vốn ngân hàng để làm ăn. Từ đó tới nay, gia đình anh Chang chưa nhận được tiền vay mà "sổ đỏ" cũng không thấy đâu. Cuối tháng 2/2020, khi có nhóm người lạ đến nhà đòi số tiền 140 triệu đồng, vợ chồng anh Chang mới biết, bà Hằng đã thế chấp "sổ đỏ" của gia đình anh để vay lãi.

[Rà soát đấu giá quyền sử dụng đất, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm]

Hầu hết, các vụ việc chỉ được phát hiện khi Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Chư Păh thấy trong năm 2021, bà Vũ Thị Hằng đã nhiều lần thực hiện giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất và những thửa đất này đều không chính chủ. Đầu năm 2022, bà Hằng liên tục làm hồ sơ thế chấp ngân hàng và chuyển nhượng các diện tích này cho người thứ ba. Nhận thấy có dấu hiệu bất thường, đơn vị tiến hành xác minh 4 trường hợp tại xã Chư Đăng Ya, cả 4 hộ dân đều cho biết không bán đất.

Ông Nguyễn Văn Nội, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Chư Đăng Ya, huyện Chư Păh xác nhận khi phát hiện sự việc, xã đã chỉ đạo lực lượng Công an, các cơ quan, đoàn thể đến từng gia đình tuyên truyền để tránh tình trạng người dân bị lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản như trên. Chính quyền địa phương đang tích cực rà soát, xác minh hoạt động chuyển nhượng đất đai trên địa bàn thời gian gần đây, đồng thời phối hợp tuyên truyền cho người dân cảnh giác hơn trong thực hiện các giao dịch về đất đai.

Ủy ban Nhân dân huyện Chư Păh yêu cầu các đơn vị tạm dừng thực hiện các giao dịch để Công an huyện vào cuộc điều tra, làm rõ vụ việc chuyển nhượng đất đai bất thường liên quan tới người dân tộc thiểu số tại địa phương này.

Để không xảy ra tình trạng trên, theo ông Hoàng Anh Tuệ, Giám đốc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký Đất đai huyện Chư Păh, đối với các xã ở vùng dân tộc thiểu số, cán bộ tư pháp phải nâng cao vai trò, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ. Nếu đồng bào không thạo tiếng Kinh, cán bộ tư pháp phải truyền tải bằng tiếng dân tộc để bà con hiểu rõ mới quyết định thực hiện các giao dịch về đất đai./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục