Báo động tình trạng xung đột người-voi tại Sri Lanka ngày càng gia tăng

Môi trường sống bị mất, tình trạng phá rừng và tài nguyên bị thu hẹp đã làm gia tăng xung đột giữa con người và loài voi tại Sri Lanka khi có tới 176 người chết và 470 con voi bị giết trong năm 2023.

Một chiếc xe ba bánh lái vòng qua một con voi ở Habarana - thành phố thu hút đông du khách ở Sri Lanka. (Ảnh: Getty Images)
Một chiếc xe ba bánh lái vòng qua một con voi ở Habarana - thành phố thu hút đông du khách ở Sri Lanka. (Ảnh: Getty Images)

Ra khỏi nhà để kiếm củi vào một buổi sáng, Harshini Wanninayake và mẹ cô - những người dân ở làng Eriyawa, Tây Bắc Sri Lanka - không hề biết rằng chỉ một người trong số họ sẽ sống sót trở về.

Cả hai đang đi bộ đến khu rừng gần làng thì nghe thấy một tiếng xào xạc lớn gần đó.

Một con voi bỗng dưng xuất hiện từ sau bụi cây và khiến cả hai người phụ nữ hoàn toàn bất ngờ.

Con voi lao về phía người mẹ trong khi bà cố gắng tránh đường nhưng bị xô ngã. Wanninayake, vừa chạy vừa la hét để tìm kiếm sự giúp đỡ. Khi cô cùng các anh trai quay lại thì đã quá muộn, mẹ của họ đã chết và con voi cũng biến mất.

“Chúng tôi tìm thấy thi thể của bà ấy nằm trên mặt đất, tất cả xương đều bị gãy,” Wanninayake, người vẫn còn run rẩy vì vụ tấn công, nhớ lại.

Ở Sri Lanka, sự cân bằng mong manh trong việc chung sống giữa người và voi đang đối mặt với mối đe dọa chưa từng có. Năm 2023, 176 người đã chết trong các cuộc chạm trán với voi trong khi 470 con voi bị giết - nhiều hơn gấp đôi số lượng voi chết trong năm 2010.

Số người chết ngày càng tăng trong 4 năm qua đã khiến Sri Lanka trở thành quốc gia có xung đột voi-người tồi tệ nhất trên thế giới. Mất môi trường sống, phá rừng, cạnh tranh đất đai và tài nguyên bị thu hẹp đã làm gia tăng căng thẳng.

Năm 1997, Liên hợp quốc ước tính diện tích rừng của Sri Lanka còn gần 20.000 km2, tương đương 30% tổng diện tích đất liền; đến năm 2022, hòn đảo đã mất 2.100 km2 diện tích cây che phủ.

Vào tháng 1/2024, các nhà khoa học đã công bố nghiên cứu mới, trong đó đưa ra kết luận rằng các cuộc đụng độ giữa người và voi sẽ ngày càng gia tăng khi cuộc khủng hoảng khí hậu trở nên tồi tệ hơn.

Tiến sỹ Prithiviraj Fernando, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Sri Lanka, người đã nghiên cứu về voi hơn 30 năm, cho biết: “Chúng ta có thể thấy tác động của biến đổi khí hậu xung quanh mình.”

“Đất đai màu mỡ để sản xuất lương thực đang ngày càng thu hẹp. Với việc các dòng sông cạn dần và lượng mưa trở nên thất thường hơn, nước cũng trở thành một vấn đề gây xung đột,” ông nói.

sri lanka nguoi voi 2.jpg
Xung đột giữa con người với loài voi tại Sri Lanka ngày càng căng thẳng. (Nguồn: The Guardian)

Khi môi trường sống của voi ngày càng bị con người phá bỏ để canh tác, các loài động vật buộc phải đi qua các khu làng để tiếp cận nguồn thức ăn và nước uống.

Thông thường, đàn voi bị thu hút bởi cánh đồng hoa màu và ngũ cốc được con người cất giữ trong các ngôi nhà mà chúng đi qua.

Một đêm muộn ở Nakolagane, Kayakodi Thegis nghe thấy tiếng ồn ào ở khu vườn sau nhà. Người đàn ông 70 tuổi cầm đuốc đi ra ngoài để kiểm tra và nhìn thấy một con voi cao lớn ngay trước mặt mình.

Ajith Suchhara, cháu trai của nạn nhân, người chứng kiến vụ tấn công, cho biết: “Ông ấy bị ném qua đám rau và bị giẫm đạp.”

Con voi đang lấy trái mít trong vườn thì Thegis vô tình chiếu ngọn đuốc về phía nó. Tiến sỹ Fernando cho biết ánh lửa lập lòe ngày càng được coi là mối đe dọa thù địch đối với loài voi.

“Khi voi đến tấn công ruộng hoa màu, nông dân thường đốt đuốc để nhìn thấy con voi rồi xua đuổi, ném đá, pháo hoặc bắn vào nó. Voi bây giờ liên tưởng một cách tiêu cực với ánh sáng ngọn đuốc và phản ứng bằng sự hung hăng.”

Việc đột kích vườn và ruộng hoa màu ngày càng trở nên phổ biến do đất rừng bị chặt phá trái phép để xây dựng dự án hoặc trồng cây thương mại. Điều này cản trở hành lang quan trọng của loài voi.

Để bảo vệ mùa màng và ngăn chặn đàn voi săn đuổi, một số nông dân đã tạo ra những chiếc bẫy voi tự chế chết người.

Ở Hambantota, một người đàn ông đã nối nguồn điện gia đình với hàng rào lấn vào hành lang voi được công nhận, giết chết bốn con voi trong một ngày. Người này được thả ra sau khi đóng một khoản tiền phạt nhỏ.

sri lanka nguoi voi 3.jpg
Dân làng đứng xung quanh xác hai con voi bị chết do vướng hàng rào điện ở Hambantota. (Nguồn: The Guardian)

Giết một con voi ở Sri Lanka có thể bị phạt tù nhưng thông thường người dân chỉ phải nhận mức án nhẹ hơn hoặc phạt tiền sẽ được thả ra. Do đó, các biện pháp bất hợp pháp để xua đuổi động vật ngày càng gia tăng và ngày càng trở nên bạo lực.

Những vụ việc gần đây bao gồm việc voi bị bắn, đầu độc hoặc giết bằng “bom hàm” - chất nổ giấu trong thức ăn làm mồi nhử và phát nổ bên trong miệng voi.

Tiến sỹ Fernando nói: “Những hành động như vậy là vô nhân đạo và không bao giờ có thể là giải pháp. Ngay cả về mặt kinh tế, điều đó cũng vô nghĩa: voi là điểm thu hút chính của ngành du lịch Sri Lanka, mang lại nguồn ngoại tệ rất cần thiết. Con người cần loài voi nhiều hơn chúng cần con người.”

Ông cảnh báo nếu mọi việc tiếp diễn như hiện nay, có tới 70% số voi ở Sri Lanka sẽ biến mất.

Tiến sỹ Fernando cho rằng chìa khóa để duy trì các hoạt động bảo tồn thành công là thu hút được sự ủng hộ của người dân địa phương và học cách chung sống hòa bình./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục