Biến đổi khí hậu: Các nước giàu cần chấm dứt sản xuất dầu mỏ

Các nước nghèo như Nam Sudan, CH Congo, Gabon... có rất ít nguồn thu khác ngoài dầu mỏ và khí đốt, trong khi các quốc gia giàu có như Mỹ sẽ vẫn ổn thỏa nếu không còn nguồn thu từ nhiên liệu hóa thạch.
Biến đổi khí hậu: Các nước giàu cần chấm dứt sản xuất dầu mỏ ảnh 1Một kho dự trữ dầu tại Houston, Texas, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Đến năm 2034, các nước giàu phải chấm dứt sản xuất khí đốt và dầu mỏ mới có thể kiềm chế nhiệt độ toàn cầu tăng ở mức 1,5 độ C, đồng thời tạo điều kiện cho các nước nghèo hơn có thời gian hay thế nguồn thu từ nhiên liệu hóa thạch.

Nhận định này được đưa ra trong báo cáo do Trung tâm nghiên cứu biến đổi khí hậu Tyndall thực hiện và công bố ngày 22/3.

Theo báo cáo phân tích dài 70 trang, một số quốc gia nghèo chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ về sản lượng toàn cầu song phụ thuộc nhiều vào nguồn thu từ nguyên liệu hóa thạch đến mức việc loại bỏ nhanh chóng nguồn thu nhập này có thể ảnh hưởng đến sự ổn định chính trị và kinh tế.

Các quốc gia như Nam Sudan, Cộng hòa Congo hay Gabon có rất ít nguồn thu khác ngoài dầu mỏ và khí đốt.

Trong đó, ngược lại, các quốc gia giàu có lại là những nhà sản xuất lớn, vẫn ổn thỏa nếu không còn nguồn thu từ nhiên liệu hóa thạch.

Báo cáo chỉ rõ nguồn thu từ khí đốt và dầu mỏ chiếm 8% GDP của Mỹ. Nếu không còn khoản thu này, GDP trung bình đầu người của nước này vẫn được duy trì ở mức khoảng 60.000 USD, cao thứ hai trong số các nước sản xuất khí đốt và dầu mỏ.

[LHQ: Mục tiêu kìm hãm đà tăng của nhiệt độ toàn cầu là bất khả thi]

Báo cáo ước tính 88 quốc gia trên thế giới khai thác và sản xuất dầu mỏ và khí đốt.

Ông Kevin Anderson, Giáo sư về biến đổi khí hậu của Đại học Manchester đồng thời là trưởng nhóm nghiên cứu cho biết báo cáo trên sử dụng GDP đầu người sau khi loại bỏ nguồn thu từ khí đốt và dầu mỏ như là chỉ số đánh giá năng lực.

Nhóm nghiên cứu cũng đã tính toán thời gian loại bỏ phát thải đối với tất cả các nước để phù hợp với các mục tiêu về hạn chế sự tăng nhiệt của Trái Đất trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Theo đó, các nước giàu có cần chấm dứt việc sản xuất khí đốt và dầu mỏ đến năm 2034.

Cũng theo tính toán của nhóm nghiên cứu, các quốc gia nghèo nhất như Iraq, Libya có thể tiếp tục hoạt động này cho đến năm 2050.

Trong khi đó, một số nước khác như Trung Quốc hay Mexico, Brazil phải dừng sản xuất dầu mỏ và khí đốt vào năm 2043, tiếp đến nhóm các nước như Indonesia, Iran và Ai Cập vào năm 2045.

Bà Connie Hedegaard, cựu Ủy viên châu Âu về khí hậu và Bộ trưởng Khí hậu và năng lượng Đan Mạch nhận định báo cáo này minh họa rõ ràng lý do cần phải ngừng sản xuất dầu và khí khẩn cấp.

Bà cho rằng cuộc xung đột tại Ukraine đã cho thấy lý do thế giới cần chấm dứt sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.

Trong khi đó, ông Romain Ioualalen, thuộc tổ chức Oil Change International, chỉ rõ các quốc gia giàu có 12 năm để dừng sản xuất dầu mỏ, nhưng đến nay không có bất kỳ kế hoạch nào cho việc này.

Theo ông Ioualalen, trên thực tế, không chỉ chiếm hơn 33% sản lượng toàn cầu, những nước giàu còn có kế hoạch tăng sản lượng dầu mỏ gấp 5 lần đến năm 2030./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục