Bộ GD-ĐT hướng dẫn tổ chức dạy học ứng phó với dịch COVID-19

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa có công điện hướng dẫn về việc tổ chức dạy và học trong bối cảnh dịch COVID-19 với các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội và các địa phương dạy trực tiếp.
Bộ GD-ĐT hướng dẫn tổ chức dạy học ứng phó với dịch COVID-19 ảnh 1Học sinh phải học trực tuyến vì dịch COVID-19. (Ảnh: TTXVN)

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa có công điện số 905/CĐ-BGDĐT gửi chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tổ chức dạy học ứng phó diễn biến dịch COVID-19.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp và ảnh hưởng nặng nề tới nhiều mặt đời sống kinh tế-xã hội của nhiều tỉnh và thành phố, trong đó có ngành giáo dục. Hàng triệu học sinh, giáo viên đang thực hiện giãn cách theo các chỉ thị số 15, 16 và 19 của Thủ tướng Chính phủ ngay từ thời điểm bắt đầu năm học mới 2021-2022.

Không kiểm tra, đánh giá với lớp 1, 2 khi học trực tuyến

Để đảm bảo điều kiện dạy và học phù hợp với tình hình dịch bệnh theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố khẩn trương chỉ đạo các sở giáo dục và đào tạo hướng dẫn các cơ sở giáo dục tổ chức dạy học chủ động, linh hoạt thông qua hình thức trực tiếp, trực tuyến hoặc trên truyền hình nội dung môn học, hoạt động giáo dục với thời lượng hợp lý theo các văn bản hướng dẫn tinh giản nội dung dạy học của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Cụ thể, đối với địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội và không tổ chức dạy học trực tiếp tại trường, triển khai tổ chức dạy học trực tuyến kết hợp dạy học trên truyền hình các nội dung lý thuyết, hướng dẫn học sinh khai thác hiệu quả sách giáo khoa để học tập.

Đối với lớp 1, lớp 2, ưu tiên tổ chức dạy học trên truyền hình và không thực hiện kiểm tra, đánh giá định kỳ trong khoảng thời gian này. Khi học sinh đi học trở lại phải tổ chức ôn tập trước khi kiểm tra, đánh giá định kỳ.

Đối với các khối lớp từ lớp 3 đến lớp 12, tổ chức dạy học trực tuyến là chủ đạo, dạy học trên truyền hình là bổ trợ, ưu tiên cho các lớp cuối cấp. Việc tổ chức tiết học, giờ học trực tuyến không kéo dài thời gian như học trực tiếp trên lớp để đảm bảo sức khỏe, tâm sinh lý của học sinh khi phải tiếp xúc với máy tính, điện thoại, tivi.

Có thể dạy nhiều hơn 6 buổi/tuần

Đối với các địa phương cơ bản kiểm soát được dịch COVID-19, tận dụng tối đa khoảng thời gian học sinh có thể đến trường để dạy học trực tiếp, nhất là các nội dung thực hành, thí nghiệm và và kết hợp ôn tập, củng cố những nội dụng lý thuyết đã học trực tuyến, học trên truyền hình, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh theo quy định. Tùy vào điều kiện thực tế của mỗi địa phương có thể tổ chức dạy học nhiều hơn 6 buổi/tuần. Các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, hạ tầng viễn thông để tổ chức triển khai dạy học trực tuyến khi cần thiết.

[Bộ GD-ĐT vận động toàn ngành ủng hộ chương trình 'Máy tính cho em']

Các sở tổ chức bồi dưỡng, tập huấn nâng cao kỹ năng tổ chức dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình cho giáo viên và cán bộ quản lý; sử dụng bài giảng trên truyền hình, kho học liệu số và bản mềm sách giáo khoa tại các trang web của nhà xuất bản để tổ chức dạy học  có hiệu quả trong điều kiện thực hiện giãn cách xã hội.

Sở giáo dục và đào tạo tăng cường phối hợp với đài phát thanh và truyền hình địa phương xây dựng video bài giảng các nội dụng cốt lõi theo hướng tinh giản của bài học, chủ đề các môn học để phát sóng trên đài phát thanh, truyền hình và bổ sung kho học liệu số. Các đài phát thanh, truyền hình chủ động có phương án tiếp sóng, phát lại các bài giảng bảo đảm một môn học, lớp học phải có ít nhất hai khung giờ phát bài giảng truyền hình trong một ngày. Bên cạnh đó, cần kết hợp chuyển tài liệu học tập đến tận tay học sinh tại những nơi học sinh không đủ điều kiện, khả năng tiếp cận học tập trực tuyến.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đề nghị chủ tịch ủy ban nhân dân các địa phương chỉ đạo tổ chức triển khai hiệu quả chương trình “Sóng và máy tính cho em” của Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Giáo dục và Đào tạo; đặc biệt quan tâm đối với trẻ em, học sinh thuộc khu vực bị ảnh hưởng nặng nề vì dịch COVID-19; hỗ trợ các học sinh thuộc gia đình có hoàn cảnh khó khăn vì dịch bệnh, học sinh vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục