Bộ trưởng Y tế thăm bệnh nhân ghép phổi từ người cho sống đầu tiên

Tối 24/2, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đến thăm, tặng quà bệnh nhân và người nhà bệnh nhân được ghép phổi từ người cho sống đầu tiên tại Việt Nam tại Bệnh viện Quân y 103.
Bộ trưởng Y tế thăm bệnh nhân ghép phổi từ người cho sống đầu tiên ảnh 1Các bác sỹ thực hiện ca ghép phổi. (Ảnh: Bác sỹ cung cấp)

Tối 24/2, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đến thăm, tặng quà bệnh nhân và người nhà bệnh nhân được ghép phổi từ người cho sống đầu tiên tại Việt Nam tại Bệnh viện Quân y 103.

Bộ trưởng chúc mừng, đánh giá cao nỗ lực của Học viện Quân y và Bệnh viện Quân y 103 đã thực hiện thành công ca ghép phổi đầu tiên tại Việt Nam. Đây chính là thành tựu của ngành y tế Việt Nam. Hiện nay, bệnh nhân đã tỉnh táo. Như vậy, cơ bản ca ghép đã thành công. Bộ trưởng đề nghị thời gian tới, Bệnh viện cần có mối liên hệ chặt chẽ với Trung tâm điều phối quốc gia về ghép tạng để có nguồn tạng ghép cho bệnh nhân; đồng thời tham gia thêm vào hoạt động chăm sóc sức khoẻ ban đầu …

Quá trình chuẩn bị

Học viện Quân y cho biết học viện là một trong những trung tâm ghép tạng lớn của quân đội và cả nước. Sau những thành công về ghép thận, ghép gan, ghép tim và ghép khối tụy - thận, năm 2016, Học viện xác định nghiên cứu triển khai ghép phổi trên người là nhiệm vụ trọng tâm.

Từ tháng 6/2016 đến tháng 10/2016, Học viện đã tích cực xây dựng đề cương nghiên cứu, cử cán bộ đi khảo sát, trao đổi kinh nghiệm về ghép phổi tại Bệnh viện Đại học Okayama (Nhật Bản) và đón đoàn chuyên gia của Nhật Bản sang trao đổi kinh nghiệm, tư vấn về ghép phổi cho Học viện.

Tháng 11/2016, Học viện Quân y được Bộ Khoa học và Công nghệ giao nhiệm vụ thực hiện đề tài "Nghiên cứu ghép thùy phổi hoặc một phổi từ người cho sống và người cho chết não" thuộc Chương trình "Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ tiên tiến phục vụ bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cộng đồng." Chủ nhiệm đề tài là Thiếu tướng, giáo sư, tiến sỹ Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện.

Bộ trưởng Y tế thăm bệnh nhân ghép phổi từ người cho sống đầu tiên ảnh 2Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thăm, tặng quà cho bác ruột của cháu Ly Chương Bình (người cho phổi). (Ảnh: Dương Ngọc/TXVN)

Ngay sau đó, Học viện đã tích cực triển khai nghiên cứu, chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị, vật tư, thuốc, hóa chất và cử cán bộ đi học tập kỹ thuật, trao đổi kinh nghiệm ghép phổi trên người tại Bệnh viện Đại học Okayama (Nhật Bản). Học viện cũng phối hợp với các bệnh viện trong nước để chọn bệnh nhân có chỉ định ghép phổi.

Ngày 14/11/2016, Học viện cùng với Bệnh viện Nhi Trung ương chọn được cháu Ly Chương Bình, 7 tuổi được chẩn đoán giãn phế quản bẩm sinh lan tỏa 2 phổi. Sau khi tiếp nhận bệnh nhân, Học viện đã tiến hành khám, xét nghiệm, mời chuyên gia hội chẩn và chẩn đoán xác định: cháu bị giãn phế quản bẩm sinh lan tỏa 2 phổi, biến chứng suy hô hấp, tâm phế mạn, suy dinh dưỡng độ III có chỉ định ghép phổi.

Học viện đã phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Giang, Huyện ủy - Ủy ban Nhân dân huyện Quản Bạ cùng một số đơn vị khác tư vấn, tuyên truyền, vận động gia đình bệnh nhân thực hiện ghép phổi điều trị cho cháu Ly Chương Bình. Sau khi nhận được sự đồng ý từ gia đình, Học viện đã báo cáo Bộ Y tế xin phép tổ chức thực hiện ca ghép phổi đầu tiên này tại Bệnh viện Quân y 103.

Ca ghép thành công

Giáo sư, tiến sỹ Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân Y cho biết người được ghép phổi là cháu Ly Chương Bình (sinh năm 2010), người dân tộc Dao. Người cho phổi là anh Ly Cù G. (sinh năm 1989, bố đẻ cháu Ly Chương Bình) và ông Ly Cù T. (sinh năm 1987, là bác ruột của cháu Bình). Gia đình đang sống tại thôn Na Cạn, xã Bát Đại Sơn, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang.

Bộ trưởng Y tế thăm bệnh nhân ghép phổi từ người cho sống đầu tiên ảnh 3Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thăm bệnh nhân Ly Chương Bình vừa được ghép phổi. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)

Ca ghép phổi được tiến hành vào ngày 21/2, bắt đầu từ 7 giờ 30 phút đến 17 giờ 30 phút thì hoàn tất và đưa bệnh nhân trở về phòng hậu phẫu chăm sóc. Sau mổ, sức khỏe của bố và bác ruột (hai người cho phổi bệnh nhân) đều ổn định. Cháu Bình, người nhận phổi đang được theo dõi, các chỉ số sinh tồn đều ổn định và đang được điều trị tích cực.

Nói về ca ghép phổi thành công đầu tiên này, giáo sư, tiến sỹ Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân Y cho biết: Ghép phổi là kỹ thuật ghép rất khó trong y học vì phổi không như những bộ phận khác. Phổi là cơ quan hô hấp cung cấp oxy cho cơ thể. Tất cả sự thay đổi, vi trùng đều ảnh hưởng tới phổi. Ghép phổi khó khăn bởi khả năng nhiễm trùng của bệnh nhân rất cao.

Phổi của bệnh nhân Lý Chương Bình đã bị giãn phế quản bẩm sinh lan tỏa 2 phổi, bị nhiễm trùng thường xuyên. Từ 2 tháng tuổi, bệnh nhân đã có biểu hiện khò khè khó thở. Mỗi lần bệnh nhân khóc đều tím tái toàn thân nên phải thay cả 2 lá phổi cho bệnh nhân. Một điều rất khó khăn là nguồn tạng hiến rất khan hiếm từ trước tới nay. May mắn thay, 2 người hiến phổi cho cháu là 2 người thân.

Để ca ghép thành công, một vấn đề cần đảm bảo quan trọng là phổi của người hiến phải rất khỏe mạnh, không được nhiễm khuẩn. Nếu phổi của người cho là người không khỏe, phải thở oxy, hồi sức thì phổi sẽ bị tổn thương nhiều. Đặc biệt, ở bề mặt các màng trong của phổi, nếu đã từng bơm rửa trong quá trình hồi sức, khi ghép vào cho người nhận khả năng bị nhiễm trùng rất lớn, dẫn tới tình trạng không cung cấp đủ oxy cho người ghép, rối loạn hô hấp, nhiễm trùng và cuộc mổ sẽ không thành công.

Người hiến phổi (bố đẻ và bác ruột) sau khi hiến vẫn có sức khỏe, cuộc sống bình thường. Mỗi người hiến đã cắt 1 thùy phổi nhưng điều này không ảnh hưởng tới khả năng hô hấp quá lớn của người hiến bởi phổi không như các cơ quan khác. Các cơ quan khác nếu cắt đi sẽ không thể sinh thêm nhưng phổi lại có khả năng giãn nở vì vậy khả năng hô hấp của người hiến sau khi cắt 1 thùy phổi vẫn hoạt động bình thường.

Giáo sư, tiến sỹ Đỗ Quyết cho biết thêm một điều khó khăn nữa trong ca ghép phổi này là bệnh nhân được nhận phổi từ 2 người hiến khác nhau (thường như ghép tim, ghép thận, bệnh nhân sẽ được nhận tạng từ 1 người hiến...) như vậy khả năng hòa hợp để cơ thể của người ghép tiếp nhận một lúc hai cơ thể khác sẽ khó khăn. Trong trường hợp này, rất may mắn, 2 người cho phổi đều nhóm máu O, khi xét nghiệm hòa hợp miễn dịch thì tỷ lệ hòa hợp rất cao lên tới 70%, 80%.

Sau khi ghép phổi, các bác sỹ phải thực hiện theo một phác đồ nghiêm ngặt về chăm sóc miễn dịch cho bệnh nhân. Bệnh viện Quân y 103 sẽ phối hợp cùng với các y, bác sỹ bệnh viện khác trong ngành y tế để chăm sóc cho trường hợp này. Đây cũng là một lĩnh vực mà Học viện Quân Y đã từng có nhiều năm kinh nghiệm nghiên cứu. Sự thành công của ca ghép phổi này không chỉ một mình Bệnh viện 103 mà có sự giúp đỡ, hỗ trợ của nhiều bệnh viện khác cùng sự quan tâm hỗ trợ từ phía Bộ Y tế.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục