Bức xạ của tia cực tím tại Cà Mau, TP.HCM và Nha Trang ở mức rất cao

Lúc 12 giờ ngày 6/2, chỉ số tia cực tím sẽ ở mức cao nhất, tại thành phố Cà Mau (tỉnh Cà Mau) chỉ số này là 9,4; Thành phố Hồ Chí Minh là 9,2; thành phố Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) là 9.
Bức xạ của tia cực tím tại Cà Mau, TP.HCM và Nha Trang ở mức rất cao ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ 11-13 giờ ngày 6/2, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Nha Trang, Cần Thơ, Cà Mau xảy ra hiện tượng bức xạ của tia cực tím (UV) ở mức rất cao (mức 8-10). Bức xạ này có thể gây bỏng da nếu tiếp xúc liên tục trong 25 phút mà không có các biện pháp bảo vệ cơ thể.

Lúc 12 giờ trong ngày, chỉ số tia cực tím sẽ ở mức cao nhất, tại thành phố Cà Mau (tỉnh Cà Mau) chỉ số này là 9,4; Thành phố Hồ Chí Minh là 9,2; thành phố Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) là 9.

Tại các tỉnh, thành phố miền Bắc, chỉ số tia cực tím cao nhất đều ở mức cao. Với các tỉnh, thành phố miền Trung, chỉ số phổ biến đều ở mức cao, riêng thành phố Huế (tỉnh Thừa Thiên-Huế) ở mức rất cao với mức chỉ số bằng 8.

Dự báo chỉ số tia cực tím cực đại tiềm năng trong 3 ngày tiếp theo (7-9/2) tại các tỉnh, thành phố miền Bắc phổ biến đều có nguy cơ gây hại cao, ngoại trừ Hà Nội (ngày 8/2) và toàn miền ngày 9/2 có nguy cơ gây hại trung bình.

Tại các tỉnh, thành phố miền Trung, chỉ số tia cực tím cực đại có nguy cơ gây hại cao, ngoại trừ thành phố Đà Nẵng (ngày 8/2) có nguy cơ gây hại trung bình.

Các tỉnh, thành phố từ Nha Trang đến Cà Mau đều có chỉ số tia cực tím cực đại tiềm năng ở mức có nguy cơ gây hại rất cao, trong đó chỉ số này ở 2 thành phố Cần Thơ và Cà Mau (ngày 8/2); ở 2 thành phố Nha Trang và Cà Mau (ngày 9/2) cao tới mức 10.

Theo thang bảng đo chỉ số tia cực tím, từ 6-7 là mức cao, từ 8-10 là rất cao, gây bỏng trong thời gian 25 phút và từ 11 trở lên là cực kỳ cao, rất nguy hiểm. Người dân có nguy cơ bị tổn thương da, bị bỏng mắt khi tiếp xúc với ánh nắng Mặt Trời trong khoảng 15 phút nếu không được bảo vệ.

[Đề phòng các tác hại của tia cực tím vào thời điểm ban trưa]

Tia cực tím có thể xuyên qua mây và các loại cửa kính, bởi vậy theo các bác sỹ, người dân nên áp dụng các cách phòng tránh như mặc quần áo bảo hộ, dùng mũ rộng vành để che mặt, cổ và tai; đeo kính râm bảo vệ mắt - lựa chọn chất liệu tròng kính có khả năng chống nắng, độ hấp thụ tia cực tím từ 99-100% sẽ bảo vệ tốt nhất cho mắt và vùng da xung quanh; bổ sung hoa quả tươi giàu vitamin C, uống đủ nước; sử dụng kem chống nắng đều đặn mỗi khi ra ngoài, ngay cả khi trời nhiều mây.

Các bậc cha mẹ chú ý bảo vệ đặc biệt cho trẻ em, do da của trẻ nhạy cảm hơn và thời gian tiếp xúc với ánh nắng còn kéo dài hơn người lớn, tuy nhiên không nên quá lo lắng tác hại của ánh nắng mà hạn chế các hoạt động ngoài trời của trẻ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục