Các thị trường châu Á biến động trái chiều, chờ đợi số liệu kinh tế Mỹ

Các chỉ số chứng khoán châu Á phần lớn đi lên, trong khi giá vàng giảm nhẹ khi các nhà đầu tư vẫn tỏ ra thận trọng trước khi báo cáo lạm phát quan trọng của Mỹ được công bố.

Màn hình hiển thị chỉ số chứng khoán tại Tokyo, Nhật Bản, ngày 5/8/2024. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)
Màn hình hiển thị chỉ số chứng khoán tại Tokyo, Nhật Bản, ngày 5/8/2024. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)

Hầu hết các thị trường chứng khoán châu Á đều tăng trong chiều 14/8, sau khi khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất vào tháng Chín đã tăng lên sau báo cáo giá sản xuất tháng 7/2024 của nước này tăng ít hơn dự kiến.

Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 đã tăng 0,6% lên 36.442,43 điểm. Chứng khoán Tokyo đã dao động trước khi khép phiên ở vùng tích cực sau khi Thủ tướng Fumio Kishida tuyên bố ông sẽ không tái tranh cử vị trí lãnh đạo đảng vào tháng tới.

Các thị trường Sydney, Seoul, Singapore, Manila, Mumbai, Wellington, Bangkok và Jakarta cũng đồng loạt đi lên.

Tuy nhiên, chứng khoán Trung Quốc lại là điểm trầm của thị trường khu vực trong phiên này khi chỉ số Hang Seng giảm 0,4% xuống 17.113,36 điểm, còn chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải mất 0,6% xuống 2.850,65 điểm.

Báo cáo chỉ số giá sản xuất (PPI) của Mỹ đã giúp các nhà giao dịch vượt qua cơn đau đớn của đợt bán tháo hồi tuần trước và tập trung vào các số liệu kinh tế khác. Báo cáo lạm phát giá tiêu dùng sẽ công bố vào cuối ngày hôm nay (giờ địa phương), còn báo cáo doanh số bán lẻ sẽ có vào ngày 15/8.

Đợt bán tháo vào tuần trước diễn ra sau khi Mỹ không tạo ra được nhiều việc làm như kỳ vọng, làm dấy lên lo ngại rằng nền kinh tế lớn nhất thế giới đang hướng đến suy thoái.

Các số liệu PPI cho thấy lạm phát giá sản xuất đang tiến gần hơn đến mục tiêu 2% của Fed, góp phần cải thiện tâm trạng thị trường khi củng cố khả năng ngân hàng trung ương đang trên đà giúp nền kinh tế "hạ cánh mềm."

Trong bối cảnh hiện tại, các nhà hoạch định chính sách tiền tệ được cho là sẽ hạ lãi suất 25 điểm cơ bản tại cuộc họp vào tháng 9 trước khi có thêm ít nhất một lần cắt giảm nữa trước tháng 12.

Tại thị trường trong nước, kết thúc phiên 14/8, chỉ số VN-Index giảm 0,06 điểm xuống 1.230,36 điểm. Chỉ số HNX-Index cũng lùi 0,50 điểm (0,22%) xuống 229,68 điểm.

Giá dầu tăng vì lo ngại xung đột Trung Đông

Giá dầu tăng trên thị trường châu Á trong chiều 14/8, khi thị trường theo dõi khả năng xung đột tại Trung Đông lan rộng - điều có thể ảnh hưởng đến nguồn cung dầu toàn cầu.

Giá dầu thô Brent giao kỳ hạn đã tăng 41 xu (hay 0,5%) lên 81,10 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 41 xu (0,5%) lên 78,76 USD/thùng.

ttxvn-han_quoc_.jpg
Một trạm xăng ở Seoul, Hàn Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Một yếu tố hỗ trợ giá dầu trong phiên này là báo cáo từ Viện Dầu mỏ Mỹ (API) cho thấy lượng dầu thô dự trữ của nước này đã giảm đáng kể ở mức 5,2 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 9/8, cao hơn nhiều so với mức giảm dự kiến là 2 triệu thùng.

Lượng xăng dự trữ cũng giảm 3,69 triệu thùng, trong khi lượng sản phẩm chưng cất tăng 612.000 thùng vào kỳ báo cáo. Lượng dầu dự trữ giảm có thể cho thấy nhu cầu cao hơn ở Mỹ, quốc gia tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới.

Số liệu chính thức từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) sẽ được công bố vào cuối ngày thứ Tư (giờ địa phương).

Tuy nhiên, giới quan sát nhận định tình hình địa chính trị vẫn là vấn đề lớn chi phối diễn biến thị trường. Vì khả năng căng thẳng ở Trung Đông leo thang có thể thúc đẩy giá dầu tăng trong những tuần tới.

Hạn chế mức tăng giá dầu trong phiên này là thông tin Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) ngày 13/8 đã giữ nguyên dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu năm 2024, nhưng cắt giảm ước tính cho năm 2025 với lý do nền kinh tế Trung Quốc suy yếu gây ảnh hưởng tới mức tiêu thụ.

Giá vàng giảm nhẹ trước thời điểm Mỹ công bố số liệu lạm phát

Giá vàng giảm nhẹ vào chiều thứ Tư khi các nhà đầu tư vẫn tỏ ra thận trọng trước khi báo cáo lạm phát quan trọng của Mỹ được công bố vào cuối ngày. Số liệu này có thể định hình lập trường của các nhà hoạch định chính sách của Fed trong cuộc họp tháng Chín.

Giá vàng giao ngay giảm 0,2% xuống 2.460,89 USD/ounce vào đầu giờ chiều Việt Nam. Giá vàng Mỹ giao kỳ hạn cũng giảm 0,3% xuống 2.500,10 USD/ounce.

Hồi tháng trước, giá kim loại quý này đã đạt mức cao kỷ lục là 2.483,60 USD/ounce.

Báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng Bảy của Mỹ dự kiến sẽ được công bố lúc 19 giờ 30 phút (giờ Việt Nam). Thị trường dự kiến lạm phát theo tháng sẽ tăng tốc lên 0,2%, với mức tăng lạm phát cốt lõi (không bao gồm giá lương thực và năng lượng dễ biến động) chậm lại một chút xuống còn 3,2%. Số liệu bán lẻ dự kiến sẽ được công bố một ngày sau đó.

ttxvn-gia vang.jpg
Trang sức vàng được bày bán tại tiệm kim hoàn ở Yangon, Myanmar. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ông Kyle Rodda, nhà phân tích thị trường tài chính tại Capital.com, cho biết, vàng có thể giảm xuống 2.300 USD/ounce nếu dữ liệu không phù hợp với dự kiến thị trường. Tuy nhiên, về lâu dài, giá vàng có khả năng đi lên khi nền kinh tế Mỹ suy yếu đủ để Fed cắt giảm lãi suất đáng kể.

Trên thị trường các kim loại quý khác, giá bạc giao ngay giảm 0,4% xuống 27,73 USD/ounce. Giá bạch kim giảm 0,5% xuống 931,50 USD/ounce.

Tại thị trường trong nước, khép phiên 14/8, Công ty Vàng Bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 78,00-80,00 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục