Các tỉnh áp dụng biện pháp chống dịch khẩn trương, quyết liệt

Lãnh đạo các địa phương đã ban hành các quyết định phòng, chống dịch phù hợp với tình hình trên địa bàn nhằm ngăn chặn, đẩy lùi, hạn chế tối đa số người nhiễm bệnh.
Các tỉnh áp dụng biện pháp chống dịch khẩn trương, quyết liệt ảnh 1Xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Nghệ An. (Ảnh: Văn Tý/TTXVN)

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An cũng vừa ban hành Quyết định số 623-QĐ/TU thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Nghệ An.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Quảng Ngãi Hà đã ký quyết định áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ với 38 hộ,138 nhân khẩu dân tại khu dân cư 10B thuộc tổ dân phố Trường Thọ Tây C, phường Trương Quang Trọng kể từ 17 giờ ngày 26/8.

Trong khi đó, Hậu Giang sẽ từng bước nới lỏng giãn cách xã hội, dựa trên đánh giá nguy cơ, sẽ áp dụng thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 hoặc Chỉ thị 19 của Thủ tướng Chính phủ.

Nghệ An: Thành lập Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung đã giao Sở Y tế có văn bản tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh thành lập Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch cấp tỉnh đặt tại trụ sở Văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh; thành lập Tổ thường trực giúp việc cho Trung tâm Chỉ huy ứng trực 24/24 giờ; thiết lập đường dây nóng của Trung tâm Chỉ huy.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An cũng vừa ban hành Quyết định số 623-QĐ/TU thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Nghệ An.

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Nghệ An có 35 thành viên. Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Thái Thanh Quý làm Trưởng ban; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thông làm Phó Trưởng ban; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nguyễn Đức Trung làm Phó trưởng Ban Thường trực.

[Ngày 27/8: Việt Nam ghi nhận 12.920 ca nhiễm, 356 ca tử vong]

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh có nhiệm vụ chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, tổ chức chính trị-xã hội và các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh thực hiện toàn diện công tác phòng, chống dịch COVID-19 bảo đảm tập trung, thống nhất, xuyên suốt, dứt khoát, quyết liệt, hiệu quả; chỉ đạo Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 và cơ quan có thẩm quyền của tỉnh quyết định áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch theo chủ trương của Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia, phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương…

Tại Nghệ An, tính đến 6 giờ ngày 27/8 đã phát hiện 1.189 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 ở 21 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Ở nhiều địa phương trong tỉnh, dịch đang diễn ra rất phức tạp, với nhiều diễn biến khó lường.

Ủy ban Nhân dân tỉnh yêu cầu Sở Y tế chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị để sẵn sàng thu dung, điều trị 2.000 bệnh nhân trên địa bàn; tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh có văn bản đề nghị Quân khu 4 sớm triển khai phương án bệnh viện dã chiến của Quân khu trên địa bàn tỉnh.

Quảng Ngãi: Giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 với 38 hộ

Chiều 27/8, tỉnh Quảng Ngãi ghi nhận thêm 7 ca mắc COVID-19 liên quan đến chùm ca bệnh ngoài cộng đồng, tại khu dân cư 10B, TDP Trường Thọ Tây C, phường Trương Quang Trọng, thành phố Quảng Ngãi (được phát hiện chiều 26/8).

Ngay sau khi ghi nhận các trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Quảng Ngãi Hà Hoàng Việt Phương đã ký Quyết định số 5134/QĐ-UBND quyết định áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ với 38 hộ,138 nhân khẩu dân tại khu dân cư 10B thuộc tổ dân phố Trường Thọ Tây C, phường Trương Quang Trọng kể từ 17 giờ ngày 26/8.

Liên quan đến chùm ca bệnh là công nhân của Công ty trách nhiệm hữu hạn Hoya Lens Việt Nam-Chi nhánh Quảng Ngãi, các cơ quan chức năng đang khẩn trương tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc COVID-19 cho hơn 1.200 nhân viên.

Ban Quản lý khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp tỉnh cũng kiến nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh, yêu cầu tất cả các doanh nghiệp ở Khu công nghiệp VSIP Quảng Ngãi giảm 50% công suất hoạt động, dừng tiếp nhận, tuyển dụng lao động; đồng thời, triển khai lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ công nhân đang làm việc tại Khu công nghiệp VSIP Quảng Ngãi.

Các doanh nghiệp có người lao động liên quan đến ca mắc COVID-19 ở Công ty Hoya Lens có trách nhiệm cách ly phù hợp để đảm bảo phòng, chống dịch. Các địa phương có biện pháp cách ly tạm thời hơn 400 công nhân thuộc Công ty Hoya Lens đang ở ngoài cộng đồng, trong thời gian chờ kết quả xét nghiệm từ ngành Y tế.

Hậu Giang nới lỏng giãn cách xã hội

Hậu Giang thống nhất từng bước nới lỏng giãn cách xã hội ở một số địa phương. Đây là thông tin được Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh đưa ra tại cuộc họp trực tuyến Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh với lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh vào chiều muộn 27/8.

Các tỉnh áp dụng biện pháp chống dịch khẩn trương, quyết liệt ảnh 2Ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang phát biểu. (Ảnh: Hồng Thái/TTXVN)

Tại cuộc họp, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hậu Giang yêu cầu thành phố Vị Thanh thẩm định và gửi đề nghị để Sở Y tế có ý kiến về việc thành lập “vùng xanh” liên xã (Tân Tiến, Hỏa Tiến, Hỏa Lựu).

Trên tinh thần đã làm sạch “vùng xanh,” tỉnh thống nhất từng bước nới lỏng giãn cách xã hội, dựa trên đánh giá nguy cơ, sẽ áp dụng thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 hoặc Chỉ thị 19 của Thủ tướng Chính phủ. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh sẽ họp bàn kỹ lưỡng và có văn bản chỉ đạo để thành phố thực hiện.

Bên cạnh đó, thành phố Ngã Bảy sẽ tiến hành công nhận “vùng xanh” tại từng đơn vị để quản lý chặt chẽ, tiến tới từng bước nới lỏng. Việc công nhận “vùng xanh” cấp xã do cấp huyện thực hiện và chịu trách nhiệm hoàn toàn.

Đối với người từ ngoài tỉnh đi ngang qua để đến tỉnh khác nhưng bị kẹt lại Hậu Giang, các địa phương phải tiếp nhận, thực hiện cách ly tập trung, không để người dân bị thiếu ăn.

Bên cạnh việc sử dụng xe cấp cứu để chuyển viện chuyển bệnh nhân, có thể sử dụng xe taxi và phải có giấy xuất viện, giấy chuyển viện của bệnh nhân.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh nhấn mạnh với các phương tiện vận tải, lãnh đạo địa phương lưu ý, những trường hợp có giấy xét nghiệm nhanh SARS-CoV-2 đã quá hiệu lực, chưa được cập nhật trên mã QR-code,tuyệt đối không được vào tỉnh. Các trường hợp đã vào tỉnh phải xử phạt nghiêm và tổ chức xét nghiệm cho tài xế.

Các xe chuyển hàng hóa vào tỉnh phải chuyển vào điểm tập kết. Những hàng hóa không thể chuyển sang phương tiện khác, các lực lượng phải tổ chức dẫn xe đến địa điểm bốc hàng hóa xuống.

Các địa phương phải quản lý chặt lực lượng lái xe cả trong và ngoài tỉnh, tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm trường hợp không đi đúng lộ trình đăng ký.

Tính đến 16 giờ, ngày 27/8, tỉnh Hậu Giang ghi nhận tổng số 435 ca mắc COVID-19, trong đó đã điều trị khỏi cho 277 ca.

Tỉnh đã tổ chức lấy mẫu xét nghiệm diện rộng đợt 3 với trên 192.800 mẫu để sàng lọc, kịp thời phát hiện, đưa các ca mắc COVID-19 ra khỏi cộng đồng; đồng thời, làm cơ sở đánh giá nguy cơ để thực hiện công nhận “vùng xanh” tại một số địa phương trong tỉnh./.
 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục