Cải tiến chất lượng là nhiệm vụ sống còn với các bệnh viện tự chủ

Theo nhiều chuyên gia, việc cải tiến chất lượng chữa bệnh giúp tăng uy tín của bệnh viện, thu hút bệnh nhân, tăng nguồn thu, tái đầu tư và phát triển bền vững, nhất là với bệnh viện tự chủ tài chính.
Cải tiến chất lượng là nhiệm vụ sống còn với các bệnh viện tự chủ ảnh 1Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)

Cải tiến chất lượng là nhiệm vụ “sống còn” của các bệnh viện trong bối cảnh tự chủ tài chính hiện nay.

Đây là nhận định được đưa ra tại hội nghị cải tiến chất lượng bệnh viện trong thời đại mới do Bộ Y tế phối hợp cùng Trung tâm Quốc gia về Sức khỏe và Y tế toàn cầu Nhật Bản (National Center for Global Health and Medicine - NCGM) tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 23/2.

Phát biểu khai mạc, Tiến sỹ, bác sỹ Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết Bộ Y tế đã chỉ đạo các đơn vị trong ngành không ngừng nâng cao chất lượng chuyên môn, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính, cải tiến quy trình khám bệnh, cải thiện chất lượng bệnh viện và an toàn người bệnh.

Từ năm 2013 đến nay, Bộ Y tế đã xây dựng bộ tiêu chí, ban hành các hướng dẫn liên quan đến cải tiến chất lượng bệnh viện; giúp các bệnh viện có sự thay đổi rõ rệt về chất lượng. Từ đó, làm thay đổi cách nhìn của người dân đối với ngành Y tế, tăng sự hài lòng của người bệnh.

Thời gian tới, vấn đề nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, an toàn người bệnh là nhiệm vụ trọng tâm được Bộ Y tế đề ra.

Công tác đánh giá chất lượng bệnh viện, chất lượng người hành nghề được đưa vào Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi sẽ trở thành động lực, yêu cầu để các đơn vị triển khai thực hiện nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu người dân.

[TP.HCM: Kiến nghị giải pháp để bệnh viện tự chủ phát triển bền vững]

Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ, bác sỹ Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, ngành y tế thành phố đang gặp khó khăn khi có hàng loạt sự cố liên quan đến công tác lãnh đạo, quản lý tại các cơ sở y tế (như vi phạm đấu thầu, một số lãnh đạo bệnh viện bị bắt, nguồn thu giảm khiến nhiều bệnh viện thu không đủ bù chi; nhiều nhân viên y tế nghỉ việc, nhất là lực lượng điều dưỡng...) ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động tổ chức khám, chữa bệnh cũng như chất lượng bệnh viện.

Cải tiến chất lượng là nhiệm vụ sống còn với các bệnh viện tự chủ ảnh 2Tiến sỹ, bác sỹ Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh-Bộ Y tế, phát biểu khai mạc hội nghị. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)

Điều này càng đặt ra thách thức buộc các bệnh viện phải đổi mới, sáng tạo trong công tác quản lý; trong đó, chú trọng phát triển chuyên môn kỹ thuật cao, nâng cao chất lượng điều trị và tăng sự hài lòng của người bệnh. Các bệnh viện cần lấy ý kiến, lắng nghe góp ý của người dân để cải thiện chất lượng dịch vụ.

Trình bày chuyên đề “Bệnh viện tự chủ có cần thiết phải cải tiến chất lượng?”, Phó Giáo sư, Tiến sỹ, bác sỹ Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng tự chủ tài chính là thách thức lớn đối với các bệnh viện hiện nay, nhất là sau dịch COVID-19.

Do đó, cải tiến chất lượng được coi là nhiệm vụ “sống còn” trong phát triển bệnh viện. Bởi vì, khi chất lượng bệnh viện được cải thiện sẽ tăng sự hài lòng của người bệnh và giảm tai biến y khoa.

Đây chính là cốt lõi để tăng uy tín của bệnh viện, tăng số lượng bệnh nhân; từ đó, giúp nguồn thu của bệnh viện tăng để cải thiện thu nhập cho nhân viên, tái đầu tư và phát triển bền vững. Theo bác sỹ Hoàng Thị Diễm Tuyết, việc cải tiến chất lượng bệnh viện cần thực hiện thường xuyên, liên tục từ những việc nhỏ mỗi ngày, được quán triệt từ lãnh đạo đến toàn thể nhân viên.

Từ kinh nghiệm quốc tế, ông Toomo Ito, Trợ lý Giám đốc cấp cao, Trung tâm Quốc gia về Sức khỏe và Y tế toàn cầu của Nhật Bản đánh giá, chất lượng dịch vụ y tế của Việt Nam đã có những thay đổi đáng kể trong những năm gần đây, đặc biệt là tư duy về chất lượng bệnh viện. Đây là điều cần thiết để nâng cao khả năng chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Ông Toomo Ito cho rằng việc cải tiến chất lượng bệnh viện ở Nhật Bản dễ dàng hơn Việt Nam vì Nhật Bản hạn chế việc thân nhân người bệnh vào bệnh viện (trái ngược với bệnh viện ở Việt Nam). Do đó, trong chiến lược cải tiến chất lượng bệnh viện, Việt Nam cần cân nhắc chính sách giảm số lượng người thân đi kèm; đồng thời, thúc đẩy sử dụng công nghệ thông tin vào quản lý bệnh viện và ứng dụng khám, chữa bệnh; đầu tư kinh phí cho việc cải tiến chất lượng bệnh viện./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục