Cây gỗ nghiến nghìn năm giữa “cơn lốc” phá rừng

Những năm 1980-1990, nạn phá rừng như một “cơn lốc” tràn qua những cánh rừng đại ngàn giàu có của tỉnh Cao Bằng. Sau “cơn lốc” ấy, hàng nghìn, hàng triệu cây gỗ quý hiếm, nhiều loài động, thực vật quý hiếm ở Cao Bằng gần như bị xoá sổ.

Thế nhưng, như một phép màu, đây đó ở những bản làng xa xôi, người ta vẫn giữ được những cánh rừng già giàu có với những cây nghiến cổ thụ nghìn năm, với những loài chim, thú quý hiếm.
Những năm 1980-1990, nạn phá rừng như một “cơn lốc” tràn qua những cánh rừng đại ngàn giàu có của tỉnh Cao Bằng.

Sau “cơn lốc” ấy, hàng nghìn, hàng triệu cây gỗ quý hiếm, nhiều loài động, thực vật quý hiếm ở Cao Bằng gần như bị xoá sổ.

Thế nhưng, như một phép màu, đây đó ở những bản làng xa xôi, người ta vẫn giữ được những cánh rừng già giàu có với những cây nghiến cổ thụ nghìn năm, với những loài chim, thú quý hiếm.

“Phép màu” Đông Shấn

Xóm Lũng Tủng, xã Kim Loan, huyện Hạ Lang là một trong những số ít những bản làng còn giữ được những cánh rừng già nguyên sinh nhiều gỗ quý hiếm.

Lũng Tủng là một thung lũng nhỏ giữa bốn bề đá núi cao vút. Trên những ngọn núi ấy phủ kín một màu xanh mướt bạt ngàn của rừng nguyên sinh. Cây mọc trên núi đá rất quý hiếm bởi sinh trưởng trên núi đá, trong điều kiện khó khăn nên cây lớn rất chậm. Nhưng chính cái sự chậm lớn ấy lại làm nên giá trị của gỗ núi đá.

Gỗ núi đá cây nào cũng cứng, chắc và rất bền. Một cây gỗ mọc trên núi đá phải mất hàng trăm năm mới to bằng cái phích nước. Ấy vậy mà ở Lũng Tủng có rất nhiều cây nghiến to, nhiều người ôm không xuể, cao vút sừng sững trên núi đá. Những cành cây to lớn gân guốc như cánh tay của chàng lực sỹ xoè ra che mát cả một góc núi.

Đặc biệt nhất là “cụ” nghiến có niên đại lên tới nghìn năm tuổi mọc sừng sững đầu làng, gốc cây to lớn 6 người ôm không xuể.

Tháng 5/2011, “cụ” nghiến này đã được cả nước biết đến được Hội bảo vệ thiên nhiên môi trường đưa vào danh sách Cây di sản Việt Nam . Cách cây di sản không xa, một mó nước đầy trong vắt tuôn ra từ lòng núi. Bên cạnh mó nước là ngôi miếu thờ thần rừng và tấm biển ghi rõ ranh giới, vị trí mô hình rừng thí điểm lâm nghiệp cộng đồng.

Lũng Tủng giữ được những cánh rừng nguyên sinh quý hiếm như vậy là nhờ có “phép màu” Đông Shấn. Đông Shấn theo tiếng Tày nghĩa là rừng thiêng. Từ xa xưa, người làng Lũng Tủng đã có luật tục giữ rừng rất nghiêm khắc.

Ai xâm phạm Đông Shấn nghĩa là phạm đến thần rừng - vị thần bảo vệ mùa màng và cuộc sống bình an cho dân làng, người đó sẽ bị phạt rất nặng, nếu là người trong làng thì sẽ bị tẩy chay khỏi cộng đồng. Nhờ luật tục giữ rừng nghiêm khắc ấy mà những cánh rừng nguyên sinh của làng vượt qua được “cơn lốc” phá rừng ghê gớm diễn ra những năm 1980-1990.

Gần 10ha Đông Shấn của làng gần như còn nguyên vẹn với nhiều cây gỗ quý cổ thụ xanh ngút ngàn và có nhiều thú rừng như khỉ, nai, nhím, sóc, cáo, chồn và nhiều loại chim quý khác.

Để tạ ơn thần rừng đã ban cho nguồn nước dồi dào tắm mát những cánh đồng mùa màng tươi tốt, nuôi sống người dân, xuân nào, làng cũng tổ chức lễ lớn tạ ơn thần rừng. Ngày lễ, cả làng từ già đến trẻ đều có mặt trước miếu thờ thần rừng, kính cẩn dâng những sản vật ngon nhất cúng thần rừng.

Năm 2004, Lũng Tủng được chọn làm điểm thực hiện Chương trình thí điểm rừng lâm nghiệp cộng đồng, được hỗ trợ kinh phí tuần tra, bảo vệ rừng. Tổ bảo vệ gồm 20 người, ai cũng nhiệt tình tham gia bảo vệ rừng bất kể ngày mưa hay nắng, nhưng phần kinh phí được hỗ trợ 20.000 đồng/ buổi tuần tra, anh em không ai nhận mà dùng để góp vào quỹ của xóm để chu dùng vào việc chung.

Theo ông Hoàng Văn Hạnh, Hạt trưởng hạt kiểm lâm huyện Hạ Lang, hiện trên địa bàn huyện còn khá nhiều nơi có Đông Shấn với các loại cây gỗ quý và thú rừng báo, gấu, khỉ, vượn… Huyện đã triển khai hiệu quả giao rừng cộng đồng ở xã Kim Loan, Đức Quang, An Lạc, Thắng Lợi…

Đông Shấn và Chương trình giao rừng cộng đồng đã phát huy hiệu quả tốt góp phần ngăn chặn “lâm tặc” rình rập phá rừng già lấy để gỗ quý, săn bắt động vật hoang dã quý hiếm.

Nỗi đau rừng nghiến

Nhiều vùng đồng bào dân tộc Tày, Nùng ở Cao Bằng có luật tục giữ rừng bằng cách lập ra Đông Shấn, thế nhưng không phải khu rừng thiêng nào cũng được giữ gìn như ở Lũng Tủng.

Ông Nông Văn Cầu, Chủ tịch xã Kim Loan trầm ngâm nhớ lại: Những năm 70 của thế kỷ trước, 8 xóm của xã Kim Loan đều có rừng nghiến nguyên sinh cổ thụ trải dài màu xanh trên những dãy núi đá cao chập trùng. Hồi đó, muông thú nhiều vô kể. Đêm đến, không ai dám đi một mình từ xóm này đến xóm khác vì có nhiều loài thú rừng ăn đêm vô tình “cản đường” làm giật mình sợ hãi. Thế rồi, những năm 1980, “cơn lốc” phá rừng khủng khiếp ập đến Kim Loan và các xã khác trong huyện.

Trước sức ép của cuộc sống khó khăn và sự quản lý lỏng lẻo của chính quyền, những người dân hiền lành sống dưới sự chở che đùm bọc của rừng ấy bỗng biến thành những tên lâm tặc đáng sợ.

Họ ồ ạt kéo nhau lên rừng, chọn những cây nghiến cổ thụ nhất, to cao nhất để cưa đổ, xẻ thành thớt nghiến, bán sang biên giới. Có những cây nghiến hàng nghìn năm tuổi, thân cứng như sắt như đá, búa bổ không vào, lữa cưa cũng phải gãy. Ấy vậy mà người ta vẫn dùng đủ mọi quỷ kế đế ám hại nghiến rừng. Họ chất củi vào gốc cây, đổ xăng, châm lửa đốt. Thế là ngọn lửa quái ác cứ cháy âm ỉ cả mấy tháng trời dưới gốc nghiến, như căn bệnh hoại tử ăn mòn dần gốc cây. Cuối cùng, những chàng lực sỹ nghiến dũng mãnh nhất của rừng xanh ấy cũng đành gục xuống.

Thương thay, những cánh rừng nghiến nghìn đời bị cái suy nghĩ nông cạn và cái lợi cỏn con trước mắt của người dân phá trụi. Từ những cây nghiến to lớn cổ thụ đến những cây nghiến non chưa kịp to bằng bắp chân đã bị người ta chặt ráo. Bán được mấy đồng tiền phá rừng, họ hỉ hả mua đèn pin, vải vóc, xô chậu Trung Quốc về dùng. Thế nhưng, chẳng bao lâu những hàng hóa rẻ tiền đó hư hỏng, vứt đầy đường không ai nhặt, còn rừng nghiến, nếu muốn xanh lại như xưa, chắc phải đợi cả nghìn năm nữa.

Đến nay, những xã có nhiều gỗ nghiến nhất như Đồng Loan, Thắng Lợi gần như đã “hoàn thành 100% công cuộc phá rừng nghiến”. Và điều nghịch lý là tiền hủy hoại nghiến không giúp họ giàu có, ổn định cuộc sống mà những xã này vẫn đang trong diện nghèo nhất tỉnh. Sau khi phá hết rừng, ngay lập tức, những người phá rừng đã nhận được câu trả lời từ thiên nhiên. Mỗi đợt mưa về, những cơn lũ khủng khiếp như đại hồng thuỷ từ trên núi tràn xuống cuốn phăng bao nhiêu là nhà cửa, ruộng đồng, gia súc. Mất cây, mất rừng, những dòng suối trong mát giàu có cá tôm, nước tưới dồi dào, nay chỉ còn là những con suối cạn khô, nghèo kiệt.

Từ những cánh rừng giàu có chim muông, cây thuốc, lâm sản biến thành những quả đồi, quả núi trơ chụi không sức sống. Từ một tỉnh miền núi ít bị thiên tai, Cao Bằng liên tiếp hứng chịu những trận lũ quét, lũ ống, sạt lở đất gây thiệt hại nặng nề về người và của.

Dù nghèo vẫn quyết giữ rừng

Hiện nay, giá 1m3 gỗ nghiến bán tại rừng hơn 15 triệu đồng, dân làng Lũng Tủng còn nghèo, nhưng không ai nghĩ đến việc đốn hạ cây gỗ quý đi bán kiếm lời. Trong làng ai cần đến gỗ phải có lý do chính đáng, xin phép thần rừng, xin phép làng làng, tổ bảo vệ rừng và Hạt lâm kiểm lâm thì mới được phép khai thác lấy gỗ và chỉ được lấy đủ số lượng cần dùng. Lời nguyền giữ Đông Shấn của Lũng Tủng vẫn còn nguyên giá trị.

Người làng ai cũng biết nếu không giữ được Đông Shấn thì mó nước sẽ cạn kiệt, cuộc sống người dân sẽ chịu thảm hoạ vì thiên tai, vì thiếu nước sinh hoạt, nước tưới tiêu ruộng đồng, vì thế họ kiên quyết bảo vệ rừng đến cùng. Và giờ đây, người dân Lũng Tủng đang được thiên nhiên trả công xứng đáng cho việc giữ rừng. Họ đang được sống giữa một màu xanh trùng điệp của núi rừng với không khí trong lành nguyên sơ, được tắm trong dòng nước suối trong vắt mát lành thanh khiết, được hưởng cuộc sống yên bình giữa thiên nhiên./.

Quốc Đạt (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục