Chìa khóa hóa giải những quan ngại của ASEAN về AUKUS

Mặc dù ai cũng hiểu rằng AUKUS không phải là một liên minh, song sự kết hợp này có nguy cơ làm thay đổi bối cảnh chiến lược ở khu vực đối với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Chìa khóa hóa giải những quan ngại của ASEAN về AUKUS ảnh 1Mỹ, Anh và Australia đã thiết lập mối quan hệ đối tác an ninh ba bên. (Nguồn: EPA)

Theo trang mạng eastasiaforum.org, khi tin tức về thỏa thuận an ninh ba bên giữa Australia, Anh và Mỹ (AUKUS) được công bố ngày 16/9/2021, giới lãnh đạo các nước khu vực Đông Nam Á đều hết sức bất ngờ.

Mặc dù ai cũng hiểu rằng AUKUS không phải là một liên minh, song sự kết hợp này có nguy cơ làm thay đổi bối cảnh chiến lược ở khu vực đối với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Ở Indonesia, không một nghị sỹ quốc hội nào tán thành sự ra đời của AUKUS. Chính phủ quốc gia Đông Nam Á này đã đưa ra một văn bản gồm 5 điểm để thể hiện quan điểm về AUKUS song không có một từ ngữ nào đề cập đến từ viết tắt này.

Thay vào đó, Jakarta tuyên bố rằng Indonesia "quan ngại sâu sắc về cuộc chạy đua vũ trang vẫn đang tiếp diễn và hoạt động tăng cường sức mạnh trong khu vực." Rõ ràng, Jakarta quan ngại về việc hình thành AUKUS.

Malaysia chia sẻ mối quan ngại tương tự với Indonesia về nguy cơ kích động một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực sau sự ra đời của thỏa thuận AUKUS.

Malaysia cũng quan ngại rằng mặc dù Australia sẽ không sở hữu bất kỳ vũ khí hạt nhân nào theo thỏa thuận nói trên, song việc chuyển giao công nghệ hạt nhân để cung cấp nguồn năng lượng điện hạt nhân cho đội tàu ngầm tương lai của Australia có thể giúp "tích tiểu thành đại" trong quá trình sở hữu vũ khí hạt nhân.

Đây cũng chính là quan ngại của Vụ trưởng Vụ châu Á-Thái Bình Dương và châu Phi thuộc Bộ Ngoại giao Indonesia, ông Abdul KadirJailani. Quan chức này từng bình luận rằng Australia, nước tham gia ký kết Hiệp ước Không Phổ biến Vũ khí Hạt nhân song lại có bước đi đầu tiên trong việc xây dựng đội tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, có thể tạo tiền lệ nguy hiểm khiến các nước khác "theo gót."

[Ba thách thức liên minh AUKUS đặt ra đối với ASEAN]

Tuy nhiên, ông Jailani chỉ rõ rằng dự án xây dựng tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân của Australia không vi phạm Hiệp ước khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân.

Mặc dù Trung Quốc khó có thể thiết lập những mối quan hệ liên minh chính thức song Bắc Kinh có thể sẽ nỗ lực thiết lập những dàn xếp an ninh với các nước khác trong khu vực giống như mô hình AUKUS.

Các nước ASEAN vẫn chia rẽ quan điểm về AUKUS. Nếu như quan điểm của Singapore phần nào trung lập, hy vọng AUKUS sẽ giúp tăng cường hòa bình và an ninh khu vực thì Philippines coi AUKUS là một bước đi đáng hoan nghênh, giúp đạt được sự cân bằng chiến lược trong bối cảnh cuộc cạnh tranh địa chính trị đang diễn ra trong khu vực.

Mặc dù không có sự thống nhất trong quan điểm của các nước thành viên ASEAN song Ngoại trưởng Indonesia RetnoMarsudi sẽ khó có thể gây sức ép một cách chính thức đối với những đồng cấp của mình về vấn đề này tại thời điểm hiện nay.

Rõ ràng, ASEAN không phải là mục tiêu của thỏa thuận hỗ trợ Australia xây dựng đội tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân cũng như không phải là mục tiêu của những khía cạnh hợp tác quốc phòng khác dự kiến sẽ được triển khai theo dàn xếp an ninh ba bên này.

Thực ra, ai cũng hiểu rõ rằng thỏa thuận tàu ngầm này nhắm đến Trung Quốc. Australia và Mỹ đều là những đối tác đối thoại của ASEAN và quan hệ giữa ASEAN và hai quốc gia này cho đến nay vẫn ổn định và bền vững.

Tuy nhiên, vấn đề đáng quan ngại hơn là AUKUS sẽ làm suy giảm vai trò của ASEAN về mặt chiến lược ở mức độ nào và AUKUS sẽ tác động như thế nào đến vai trò trung tâm của ASEAN khi lâu nay khối này vẫn được coi là lực lượng đối trọng trong cán cân an ninh ở châu Á.

Một số quốc gia ASEAN lo ngại rằng AUKUS có thể ảnh hưởng đến vai trò của ASEAN trong việc giúp ổn định tình hình trong một môi trường địa chính trị bất ổn.

Canberra đã tận dụng mọi cơ hội để trấn an Jakarta về sự ủng hộ của Australia đối với vai trò trung tâm của ASEAN. Tuy nhiên, điều quan trọng là Australia cần biến lời nói thành hành động bằng việc tăng cường áp dụng vai trò trung tâm của ASEAN trong các hoạt động thực tiễn. Canberra cần coi vai trò trung tâm của ASEAN có ý nghĩa then chốt trong nỗ lực của khối giúp ổn định tình hình ở khu vực sân sau của Australia.

ASEAN có thể sở hữu sức mạnh huy động lực lượng đầy ấn tượng của mình và có thể đóng vai trò hữu hiệu trong việc "chèo lái" những dàn xếp ngoại giao trong khu vực.

Tuy nhiên, khối 10 nước thành viên này cần nỗ lực hơn nữa để có thể kiểm soát được cuộc đối đầu địa chính trị đang diễn ra ngày càng căng thẳng trong khu vực.

Trong cách đối đãi với Bắc Kinh và Washington, ASEAN thực hiện phong cách ngoại giao quá mềm mỏng và quá kiềm chế. ASEAN cần khẳng định những lợi ích của khối một cách mạnh mẽ hơn nhằm duy trì và củng cố vai trò liên quan của khối trên bàn cờ địa chính trị của khu vực. Điều này đồng nghĩa với việc ASEAN cần thẳng thừng bày tỏ quan điểm của mình và không nên giữ kẽ.

ASEAN cũng cần đưa ra một mô hình chiến lược vốn được các cường quốc đối địch chấp nhận. Đây là một thách thức khó khăn song có thể thực hiện được khi ASEAN lâu nay vẫn dựa vào sự đồng thuận và một vài thành viên của khối đã có những liên kết riêng với hai cường quốc Mỹ và Trung Quốc trên nhiều lĩnh vực khác nhau.

Ví dụ, Thượng đỉnh Đông Á chưa thể phát triển thành một diễn đàn có tiếng nói quyết định, nơi mà các cường quốc lớn và các nước ASEAN có thể tăng cường hợp tác và giảm thiểu tình trạng đối địch.

Cựu Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa từng đề xuất ý tưởng thiết lập "Hiệp ước Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương," theo đó, sẽ áp dụng những quy định của Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á mà ASEAN ký hồi năm 1976 đối với toàn bộ khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Tuy nhiên, cho đến nay, đề xuất này vẫn vấp phải sự phản đối.

ASEAN hoan nghênh sự cạnh tranh công khai giữa các cường quốc lớn trong khu vực theo phương thức thích hợp nhằm đem lại hòa bình và thúc đẩy sự tiến bộ cho khu vực.

Ví dụ, cạnh tranh lành mạnh và tích cực giữa Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản trong lĩnh vực thương mại, đầu tư và giáo dục đã giúp đem lại lợi ích cho các nước ASEAN. Điều mà ASEAN không hoan nghênh là tình trạng đối địch giữa các cường quốc theo hướng gây bất lợi và thua thiệt cho tất cả các bên đồng thời gây căng thẳng, nghi ngờ và chia rẽ trong khu vực.

Mặc dù sự ra đời của AUKUS ban đầu đã vấp phải sự phản đối dữ dội song những tranh cãi đã lắng dịu. AUKUS chưa đến mức hủy hoại nghiêm trọng sự tin tưởng chiến lược giữa Australia và các đối tác ASEAN như một số quan ngại đã nổi lên.

Australia, Anh và Mỹ cần tích cực tham gia những hoạt động nhằm xây dựng và củng cố sự tin tưởng của các nước trong khu vực. Đặc biệt, việc các thành viên AUKUS thiết lập các biện pháp xây dựng niềm tin với Trung Quốc sẽ mang lại lợi ích (cho ASEAN). Để làm được điều này, các thành viên AUKUS cần nâng cao hơn nữa nghệ thuật ngoại giao và can đảm chính trị.

Việc coi Trung Quốc là nhân tố gây đe dọa đáng gờm đã quá lỗi thời, mặc dù vấn đề này vẫn được lưỡng đảng ở Washington ủng hộ. Trong một thế giới ngày càng phân cực như hiện nay, cần một nỗ lực lớn hơn nữa để hàn gắn tình trạng phân cực này vì điều đó đóng vai trò quan trọng đối với an ninh chính trị và kinh tế của châu Á.

Do đó "chìa khóa" của nỗ lực này sẽ nằm trong tay của các cường quốc tầm trung như Australia và những nhóm như ASEAN để có thể thúc đẩy mối quan hệ thân thiện chiến lược giữa hai cường quốc lớn trên thế giới - hai cường quốc vốn đang nỗ lực giải quyết mọi vấn đề theo cách riêng của mình song lại khó có thể đạt được thêm nhiều tiến bộ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục