Chính sách dân tộc thiểu số: Hướng đến cho vay ưu đãi, giảm cho không

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cho biết tới đây, Ủy ban sẽ đề nghị Quốc hội, Chính phủ, địa phương ủng hộ nghiên cứu tích hợp chính sách thành Chương trình mục tiêu Quốc gia 10 năm.
Chính sách dân tộc thiểu số: Hướng đến cho vay ưu đãi, giảm cho không ảnh 1Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến trả lời chất vấn. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 13/8, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến đã trả lời câu hỏi của các đại biểu Quốc hội liên quan đến giải pháp để khắc phục sự chồng chéo trong chính sách dân tộc thiểu số thời gian tới.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) nêu câu hỏi: Thời gian qua có nhiều văn bản pháp luật liên quan chính sách dân tộc thiểu số, song như Bộ trưởng cho biết là chưa hoàn thiện. Vậy Bộ trưởng cho biết sẽ tổ chức thế nào, giải pháp gì để thực hiện chính sách dân tộc thời gian tới?

Về nội dung này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến cho biết về tổng thể chính sách bao phủ hầu hết các mặt từ y tế, văn hóa giáo dục, hạ tầng, sinh kế... nhưng chưa đạt hiệu quả vì các nguyên nhân: Chính sách khung, chưa xác định rõ nguồn lực; có chính sách chưa cân đối hoặc cân đối thấp; chính sách kéo dài tương ứng nhiệm kỳ nên giữa hai nhiệm kỳ thì chính sách chưa được triển khai liên tục; đồng bào sinh sống ở nơi khó khăn về địa lý, khí hậu, thiếu đất... Chính sách hỗ trợ trực tiếp cho hộ dân cũng khiến dẫn đến sự dựa dẫm, thậm chí không muốn ra khỏi hộ nghèo.


[Tìm giải pháp nâng cao đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số]

Tới đây, Ủy ban Dân tộc sẽ đề nghị Quốc hội, Chính phủ, địa phương ủng hộ nghiên cứu tích hợp chính sách thành Chương trình mục tiêu Quốc gia 10 năm; hướng tới cơ chế tăng vay ưu đãi, giảm cho không- Bộ trưởng nêu.

Cùng sự quan tâm, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) nêu thực tế qua giám sát và khảo sát cho thấy các chương trình, dự án đầu tư cho khu vực dân tộc miền núi có nhiều nội dung chồng chéo, thiếu tập trung, nhiều đầu mối quản lý, dẫn đến phân tán nguồn lực, gây khó khăn trong tổ chức thực hiện. Ví dụ, hỗ trợ sản xuất có 4 chính sách, nước sinh hoạt có 3 chính sách. Một số chính sách không phù hợp với đặc điểm vùng, khu vực, dân tộc. Bộ trưởng cho biết trách nhiệm của Ủy ban Dân tộc, cũng như quan điểm, giải pháp cho vấn đề nêu trên?

Trả lời chất vấn về sự chồng chéo, mâu thuẫn trong các chương trình, dự án đầu tư cho khu vực này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến cho biết, hiện theo quy định tại Nghị định 05/2011 của Chính phủ về công tác dân tộc, có 13 nhóm chính sách, phân công cho 14 bộ chủ trì. Chính sách về nguồn lực do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, các địa phương triển khai.

Chính sách phát triển bền vững do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì. Chính sách về giáo dục, đào tạo do Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì. Chính sách bảo tồn, phát triển văn hóa, thể thao, du lịch do Bộ Văn hóa, Du lịch và Thể thao chủ trì... Các chính sách hiện do nhiều bộ chủ trì triển khai, nhưng chưa hiệu quả vì đồng bào sinh sống phân tán ở 51 tỉnh, thành phố, nên các bộ không có đủ nguồn lực, nhân lực để quản lý thực hiện toàn bộ những chính sách nêu trên. Chính phủ phân công nhiệm vụ, các bộ chủ yếu xây dựng chính sách, kiểm tra, đôn đốc thực hiện, việc triển khai thực hiện ở dưới tỉnh, tập trung chủ yếu ở địa phương. Kết quả thực hiện đúng là có trách nhiệm của bộ, ngành nhưng vai trò chính là ở địa phương.

Thừa nhận có chính sách mấy bộ đề xuất, nhưng Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc khẳng định đã đến kiểm tra và không thấy có nơi nào tồn tại hai công trình như nhau. Các xã có khoảng 15 chương trình, nên nếu chương trình này đầu tư vào thôn này, sẽ không đầu tư ở thôn khác. Việc lồng ghép các chương trình cũng diễn ra ở địa phương là chủ yếu.

Về các giải pháp, Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến cho rằng cần có nghiên cứu tầm quốc gia để hỗ trợ 14 triệu đồng bào dân tộc thiểu số có đời sống tốt hơn, bởi đây là vùng có vị trí chiến lược, nếu không nói là nhạy cảm về sinh thái, môi trường, an ninh, quốc phòng... Nếu tích hợp các chương trình thành một chương trình quốc gia và có ban điều hành, theo dõi, đôn đốc sẽ có hiệu quả hơn rất nhiều./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục