Chủ động phương án xử lý chất thải lây nhiễm, khẩu trang y tế thải bỏ

Tổng cục Môi trường cho biết đã có phương án hướng dẫn xử lý chất thải y tế lây nhiễm phát sinh từ các cơ sở y tế, khu vực cách ly, trong trường hợp vượt quá năng lực xử lý của địa phương.
Chủ động phương án xử lý chất thải lây nhiễm, khẩu trang y tế thải bỏ ảnh 1Xịt dung dịch sát khuẩn vào thùng lưu chứa chất thải trước khi để vào nơi quy định. (Nguồn ảnh: TTXVN)

Để tăng cường biện pháp quản lý chất thải, phòng chống dịch COVID-19, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã hướng dẫn các địa phương lưu giữ, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế lây nhiễm, bao gồm khẩu trang y tế thải bỏ sau khi sử dụng theo đúng quy định và đảm bảo phòng, ngừa dịch bệnh.

Theo Tổng cục Môi trường, khẩu trang y tế phát sinh do người dân sử dụng tại các cơ sở y tế hay khẩu trang y tế phát sinh do người dân sử dụng trong quá trình sinh hoạt hàng ngày khi thải bỏ đang phát sinh một khối lượng chất thải cần xử lý.

Vì thế, mới đây, đơn vị này đã tham mưu lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Công văn số 676/ BTNMT-TCMT gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, hướng dẫn cụ thể về việc lưu giữ, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế lây nhiễm (bao gồm khẩu trang y tế thải bỏ sau khi sử dụng) theo đúng quy định và đảm bảo phòng, ngừa dịch bệnh.

Tổng cục Môi trường cũng báo cáo lãnh đạo Bộ và chuẩn bị phương án để hướng dẫn xử lý chất thải y tế lây nhiễm phát sinh từ các cơ sở y tế, khu vực cách ly tại các địa phương, trong trường hợp vượt quá năng lực xử lý của địa phương.

Về quy trình thu gom, Tổng cục Môi trường cho biết đối với các loại khẩu trang sử dụng trong hoạt động sinh hoạt thông thường của người dân, không có nguy cơ nhiễm bệnh thì được sử dụng theo khuyến cáo của nhà sản xuất cần. Khi thải bỏ, các loại khẩu trang này được được thu gom, xử lý như đối với chất thải thông thường.

[Bộ Y tế đề nghị cung cấp vật tư y tế phục vụ chống dịch COVID-19]

Đối với chất thải y tế lây nhiễm phát sinh từ các cơ sở y tế, khu vực cách ly được thu gom, xử lý theo quy định tại Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT của Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về quản lý chất thải y tế; Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT về quản lý chất thải nguy hại và theo các khuyến cáo của Tổ chức y tế thế giới để loại bỏ tất cả các tác nhân gây bệnh.

Chủ động phương án xử lý chất thải lây nhiễm, khẩu trang y tế thải bỏ ảnh 2Khẩu trang y tế nhếch nhác ngoài đường. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Theo Thông tư liên tịch số 58, chất thải lây nhiễm phải thu gom riêng từ nơi phát sinh về khu vực lưu giữ chất thải trong khuôn viên cơ sở y tế; trong quá trình thu gom, túi đựng chất thải phải buộc kín, thùng đựng chất thải phải có nắp đậy kín, bảo đảm không bị rơi, rò rỉ chất thải trong quá trình thu gom.

Cơ sở y tế quy định tuyến đường và thời điểm thu gom chất thải lây nhiễm phù hợp để hạn chế ảnh hưởng đến khu vực chăm sóc người bệnh và khu vực khác trong cơ sở y tế.

Chất thải có nguy cơ lây nhiễm cao phải xử lý sơ bộ trước khi thu gom về khu lưu giữ, xử lý chất thải trong khuôn viên cơ sở y tế; chất thải y tế nguy hại phải xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường; ưu tiên lựa chọn các công nghệ không đốt, thân thiện với môi trường và bảo đảm xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành.

Hình thức xử lý chất thải y tế nguy hại theo thứ tự: Xử lý tại cơ sở xử lý chất thải y tế nguy hại tập trung hoặc tại cơ sở xử lý chất thải nguy hại tập trung có hạng mục xử lý chất thải y tế; xử lý chất thải y tế nguy hại theo mô hình cụm cơ sở y tế; tự xử lý tại công trình xử lý chất thải y tế nguy hại trong khuôn viên cơ sở y tế.

Tuy nhiên, hình thức xử lý chất thải y tế nguy hại theo mô hình cụm cơ sở y tế phải được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt trong kế hoạch thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải y tế nguy hại trên địa bàn tỉnh bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

Ngoài ra, Tổng cục Môi trường cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu, cập nhật các tài liệu của Tổ chức Y tế thế giới và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Bộ Y tế và các Bộ, ngành, địa phương để nghiên cứu hướng dẫn việc xử lý chất thải y tế; đặc biệt là việc xử lý khẩu trang y tế, để tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch, giảm thiểu tác động của dịch bệnh../.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục