Chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip: Khách hàng có mất phí?

Chi phí phát hành thẻ chip đắt gấp 4 lần thẻ từ. Như vậy, tổng chi phí chuyển đổi 76 triệu thẻ nội địa là khoảng hơn 9.000 tỷ đồng.
Chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip: Khách hàng có mất phí? ảnh 1Thẻ chip nội địa của ABBANK. (Ảnh: T.H/Vietnam+)

Bắt đầu từ hôm nay (29/5) nếu như khách hàng đến mở thẻ tại 7 ngân hàng (gồm Vietcombank, VietinBank, BIDV, Sacombank, TPBank, Agribank và ABBank) tham gia phát hành thẻ chip đợt này thì sẽ được nhận thẻ ATM chip thay thế cho thẻ từ trước đây.

Miễn phí giai đoạn đầu

Chị Thùy Linh ở quận Long Biên, Hà Nội cho hay chị muốn đổi thẻ ATM hiện nay sang thẻ chip để an toàn hơn song chị tỏ ra băn khoăn vì không biết có phải trả thêm chi phí khi đến ngân hàng để chuyển đổi thẻ từ hiện nay sang thẻ chip hay không.

Lo lắng của chị Linh cũng là suy nghĩ chung của nhiều khách hàng khác. Bởi theo tính toán, hiện nay chi phí để làm ra một phôi thẻ chip cao hơn 4 lần so với thẻ từ. Đó là chưa kể các ngân hàng còn phải nâng cấp cả thiết bị đầu cuối là POS, máy ATM… để phù hợp với việc chuyển đổi thẻ và nhiều khoản chi phí khác.

Trao đổi với báo chí, một số ngân hàng cho biết sẽ miễn phí chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip cho khách hàng trong giai đoạn đầu. Thời gian áp dụng chính sách miễn phí này tới khi nào chưa được các ngân hàng xác định cụ thể.

[Các ngân hàng sẵn sàng chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip nội địa]

Ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc TPBank cho biết: “Mặc dù chi phí chuyển đổi khá lớn khi chi phí phôi thẻ chip gấp từ 7-8 lần so với phôi thẻ từ nhưng với định hướng ngân hàng số, dịch vụ tiện dụng, đảm bảo ổn định cho khách hàng trong quá trình giao dịch, chúng tôi sẽ cân nhắc để hài hòa, có thể sẽ có một số chương trình miễn phí cho khách hàng cũ trong giai đoạn đầu chuyển đổi. Đây là sự đầu tư đúng hướng và cần thiết để TPBank phục vụ khách hàng tốt hơn.”

TPBank hiện có gần 600.000 thẻ nội địa với hơn 70% tỷ lệ thẻ được active (kích hoạt). Đại diện TPBank cho biết, sử dụng thẻ chip nội địa này, khách hàng có thể sử dụng các dịch vụ của thẻ như thông thường. Các khách hàng sử dụng thẻ cũ có thể sử dụng thẻ bình thường cho tới khi nhận được thẻ chuyển đổi mới.

Với lợi thế định hướng về ngân hàng số, TPBank đã có sự đầu tư cả về nguồn lực con người và công nghệ để có thể nâng cấp hệ thống phù hợp với dự án. Hiện tại, toàn bộ hệ thống liên quan tới việc phát hành thẻ, thanh toán thẻ thông qua ATM, mPos, LiveBank… tại TPBank đã hoàn toàn sẵn sàng cho việc chuyển đổi này.

Khách hàng có thể đăng ký mở thẻ chip nội địa có tích hợp contactless mới ngay tại điểm giao dịch LiveBank của TPBank. Thời gian để nhận thẻ sau khi đăng ký phát hành là 10 phút và khách hàng cũng sẽ nhận được mã PIN điện tử cũng như có thể chủ động kích hoạt thẻ ngay lập tức.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, Việt Nam hiện có 48 ngân hàng phát hành thẻ nội địa với số lượng khoảng 76 triệu thẻ (nhiều nhất là Vietcombank với 14 triệu thẻ, tiếp theo Agribank).

Theo tính toán của ông Đào Minh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Vietcombank kiêm Chủ tịch Hội thẻ ngân hàng Việt Nam, chi phí phát hành thẻ chip đắt gấp 4 lần thẻ từ. Như vậy, tổng chi phí chuyển đổi 76 triệu thẻ nội địa nói trên là khoảng hơn 9.000 tỷ đồng.

Ông Chu Hồng Ngọc, Giám đốc Khối Vận hành VPBank cũng cho biết, hiện ngân hàng này có 500 máy POS và khoảng 1,5 triệu thẻ nội địa cần phải nâng cấp trong tổng số hơn 3,8 triệu thẻ tín dụng và ghi nợ đã phát hành. VPBank cam kết sẽ chi trả toàn bộ chi phí chuyển đổi sang thẻ chip cho khách.

"Chi phí liên quan đến việc nâng cấp cũng như chuyển thẻ chuẩn từ thẻ từ sang thẻ chip cũng tương đối lớn, nhưng mà đó cũng là một trong những trọng tâm của chúng tôi trong việc đảm bảo an toàn cho khách hàng cũng như an toàn cho cả ngân hàng. Khách hàng sẽ không phải mất phí chuyển đổi, đây là trách nhiệm của ngân hàng," ông Ngọc nhấn mạnh. 

Trong khi đó với Sacombank, ông Nguyễn Minh Tâm, Phó Tổng Giám đốc ngân hàng cho biết mức phí chuyển đổi sẽ căn cứ vào mối quan hệ giữa khách hàng và ngân hàng. Chẳng hạn khách hàng đang sở hữu thẻ tại Sacombank thì sẽ miễn phí chuyển đổi. Còn với khách hàng mới thì ngân hàng sẽ đánh giá mức độ khai thác khách hàng để đưa ra mức phí phù hợp nhất.

Từ phía cơ quan quản lý, theo ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước), các ngân hàng sẽ tự cân đối, quy định mức phí đổi… Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng thương mại phải đảm bảo an toàn hoạt động thanh toán và quyền lợi của chủ thẻ, đặc biệt không để gián đoạn việc thanh toán trong quá trình đổi thẻ.

Mặc dù đã có nhiều ngân hàng đã tham gia vào việc chuyển đổi nhưng vẫn còn một số ngân hàng chưa sẵn sàng nên việc tích hợp vẫn còn khó khăn.  Ông Nguyễn Minh Tâm, Phó Tổng giám đốc Sacombank cho rằng khó khăn trong việc chuyển đổi là làm sao để toàn ngành ngân hàng triển khai đồng bộ để khách hàng không bị giới hạn. Ông Tâm hy vọng trong thời gian tới các ngân hàng sẽ triển khai đồng bộ thì khách hàng sẽ thuận lợi hơn.

Lãnh đạo Sacombank cũng biết 100% máy ATM của Sacombank đọc thẻ chip và 50% máy POS của ngân hàng này đọc được thẻ không tiếp xúc.

Chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip: Khách hàng có mất phí? ảnh 2Thẻ chip sẽ tránh tình được trạng thẻ giả gia tăng ở Việt Nam trong những năm gần đây. (Nguồn: Vietcombank)

Đưa Việt Nam thoát khỏi "vùng trũng" về gian lận thẻ

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh cho biết thẻ chip nội địa sẽ hạn chế các rủi ro về gian lận giả mạo trong thanh toán thẻ, đảm bảo an ninh an toàn thanh toán cho khách hàng, làm nền tảng quan trọng để tích hợp, ứng dụng cho các dịch vụ và phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt trong các ngành, lĩnh vực khác.

Để bắt kịp với xu thế quốc tế, nhanh chóng đưa Việt Nam ra khỏi “vũng trũng” về gian lận, giả mạo thẻ, Phó Thống đốc yêu cầu các ngân hàng phải đẩy nhanh quá trình chuyển đổi thẻ chip nội địa theo đúng lộ trình đã được Ngân hàng Nhà nước ban hành tại Thông tư 41. Các ngân hàng thương mại còn lại cần nhanh chóng, chủ động xây dựng kế hoạch chuyển đổi cùng với Công ty NAPAS nhằm hoàn thành mục tiêu chuyển đổi chung của toàn thị trường trong năm 2019.

Ngoài ra, cũng theo Phó Thống đốc, công tác chuyển đổi phải được thực hiện an toàn, ổn định, đảm bảo hoạt động thẻ diễn ra liên tục, không gây gián đoạn, ảnh hưởng tới giao dịch của khách hàng, người dân. Các ngân hàng cũng nghiên cứu xây dựng và tính toán chính sách, chi phí chuyển đổi phù hợp sao cho vừa đảm bảo hiệu quả vừa không ảnh hưởng lớn đến hệ thống dịch vụ, khách hàng.

Hiện Việt Nam có 48 ngân hàng phát hành thẻ nội địa với số lượng khoảng 76 triệu thẻ, hơn 261.000 máy POS và 18.600 máy ATM; trong đó phần lớn POS đã tuân theo Tiêu chuẩn EMV nên việc triển khai thẻ chip nội địa trên các thiết bị chấp nhận thẻ sẽ không quá phức tạp.

Theo kế hoạch đặt ra, đến 31/12/2019, các ngân hàng thương mại thực hiện chuyển đổi ít nhất 30% số lượng thẻ từ nội địa, 35% số lượng ATM và 50% số lượng POS hiện có sang công nghệ chip tiếp xúc và không tiếp xúc. Toàn bộ máy ATM và POS trên thị trường đảm bảo tuân thủ tiêu chuẩn VCCS vào 31/12/2020. Chậm nhất vào 31/12/2021, toàn bộ thẻ từ nội địa đang lưu hành của tổ chức phát hành thẻ tuân thủ tiêu chuẩn TCCS về thẻ chip nội.

Phó Tổng giám đốc Sacombank: Hy vọng thời gian tới các ngân hàng sẽ đồng bộ triển khai thẻ chip nội địa

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục