COVID-19: Campuchia sẽ sử dụng vắcxin viện trợ của Trung Quốc

Campuchia sẽ nhận viện trợ vắcxin phòng COVID-19 do hãng Sinopharm của Trung Quốc sản xuất để tiêm phòng cho 500.000 người dân và Thủ tướng Hun Sen sẽ là người tiêm phòng đầu tiên.
COVID-19: Campuchia sẽ sử dụng vắcxin viện trợ của Trung Quốc ảnh 1Vắcxin phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 của Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)

Trung Quốc sẽ viện trợ cho Campuchia một triệu liều vắcxin phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do hãng Sinopharm của Trung Quốc sản xuất.

Campuchia sẽ nhận để tiêm phòng cho 500.000 người dân và Thủ tướng Hun Sen sẽ là người tiêm phòng đầu tiên.

Những thông tin trên do Thủ tướng Campuchia công bố trên tài khoản Facebook.

Hồi tháng 12/2020, ôn Hun Sen tuyên bố Campuchia sẽ chỉ sử dụng loại vắcxin được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cấp giấy chứng nhận an toàn và hiệu quả.

Lý giải về quyết định mới, ông Hun Sen cho biết diễn biến mới của đại dịch COVID-19 trên phạm vi toàn cầu và tình hình trong nước khiến Campuchia phải nhanh chóng nhận sự hỗ trợ của Trung Quốc trước khi vắcxin Sinopharm được WHO cấp phép.

Ông Hun Sen nhấn mạnh rằng cần phải triển khai chương trình tiêm chủng để bảo vệ quốc gia và người dân trước virus nguy hiểm. Ông cũng đề cập đến một loạt các quốc gia, trong đó có Indonesia đã tiêm phòng vắcxin của Trung Quốc. Theo ông, có nhiều lý do để chấp nhận vắcxin Trung Quốc như loại vắcxin này dễ vận chuyển và bảo quản hơn những loại khác hiện đang được sử dụng.

Theo ông Hun Sen, khoảng 10-13 triệu người trong tổng số 16 triệu dân Campuchia cần được tiêm phòng vắcxin ngừa COVID-19. Tuy nhiên, lượng vắcxin ban đầu sẽ chỉ ưu tiên tiêm phòng miễn phí cho nhân viên y tế, giáo viên, quân đội, công an, lao động trong các ngành dịch vụ như tài xế ôtô, lái xe Tuk Tuk.

Liên quan đến diễn biến của dịch COVID-19, Bộ Y tế Campuchia ngày 18/1 ra thông cáo không có thêm ca nhiễm mới và có thêm một bệnh nhân hồi phục. Tính đến ngày 18/1, Campuchia ghi nhận tổng cộng 439 ca mắc COVID-19, trong đó 386 người đã khỏi bệnh và không có trường hợp nào tử vong.

[Dịch COVID-19 ở nhiều nước "hạ nhiệt," Trung Quốc thành điểm nóng mới]

Tại Anh, Bộ trưởng phụ trách triển khai công tác tiêm chủng vắcxin Nadhim Zahawi ngày 18/1 cho biết trung bình Anh tiêm chủng cho 140 người/phút. Con số này dự kiến sẽ tăng thêm khi Anh mở rộng các trung tâm tiêm chủng từ mức 17 trung tâm hiện nay, lên 50 trung tâm vào cuối tháng 1/2021.

Ngoài ra, vào cuối tháng Một này, Anh sẽ triển khai chương trình thí điểm tiêm chủng 24 giờ/7 tại thủ đô London.

COVID-19: Campuchia sẽ sử dụng vắcxin viện trợ của Trung Quốc ảnh 2Chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới bệnh viện ở London, Anh. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tại Mỹ, chuyên gia hàng đầu về các bệnh truyền nhiễm - ông Anthony Fauci, cho biết mục tiêu của Tổng thống đắc cử Joe Biden là tiêm chủng 100 triệu liều vắcxin ngừa COVID-19 trong 100 ngày đầu tiên nhậm chức kể từ ngày 20/1. Theo ông Fauci, mục tiêu này hoàn toàn có thể đạt được.

Trong khi đó, giới chức y tế Mỹ thành công trong việc thử nghiệm và xác định tính an toàn và hiệu quả của 2 loại vắcxin ngừa COVID-19 mới trong thời gian kỷ lục.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, tính đến nay, đã có hơn 31 triệu liều vắcxin ngừa COVID-19 được phân phối đến các trung tâm tiêm phòng, nhưng con số này thấp hơn khoảng 40% so với kế hoạch.

Một số bang trong đó có New York cảnh báo họ có thể thiếu hụt nguồn cung vắcxin ngay đầu tuần tới do số lượng vắcxin phân phối thấp. Hiện các bang trên toàn nước Mỹ đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng trong bối cảnh dịch bệnh tại Mỹ có chiều hướng xấu đi. Trong năm ngày qua, tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Mỹ lên tới gần 20.000 ca.

Trước tình hình dịch bệnh này, ông Biden cho biết ông sẽ huy động Lực lượng Vệ binh và Cơ quan xử lý tình huống khẩn cấp liên bang Mỹ tham gia hỗ trợ thiết lập các trung tâm tiêm chủng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục