Cứu hộ 9 cá thể gấu ở Bình Dương: Tín hiệu khởi sắc cho nỗ lực bảo tồn

Ngày 11/2, 9 cá thể gấu ngựa bị quý, hiếm bị nuôi nhốt nhiều năm tại 3 cơ sở trên địa bàn tỉnh Bình Dương, đã được cứu hộ và chuyển tới Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình để chăm sóc, bảo tồn.
Cứu hộ 9 cá thể gấu tại tỉnh Bình Dương. (Ảnh: ENV cung cấp)
Cứu hộ 9 cá thể gấu tại tỉnh Bình Dương. (Ảnh: ENV cung cấp)

Sự kiện chuyển giao 9 cá thể gấu ngựa quý, hiếm tại tỉnh Bình Dương trong ngày hôm nay (11/2) cùng với chỉ đạo về tăng cường công tác quản lý, bảo vệ các loài động vật hoang dã là những bước tiến cho thấy chuyển biến tích cực trong nỗ lực chấm dứt tình trạng nuôi nhốt gấu lấy mật, làm cảnh tại Việt Nam.

9 cá thể gấu thoát kiếp nuôi nhốt

Thông tin tới phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus cuối chiều 11/2, đại diện Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) cho biết trong ngày hôm nay, 9 cá thể gấu ngựa bị nuôi nhốt nhiều năm tại 3 cơ sở trên địa bàn tỉnh Bình Dương, đã được chủ nuôi tự nguyện chuyển giao cho cơ quan quản lý Nhà nước để chăm sóc, bảo tồn.

Cả 9 cá thể gấu trên đang được chuyển giao đến Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình để chăm sóc, bảo tồn. Sự kiện này đánh dấu bước chuyển mình của Bình Dương từ một “điểm nóng” về nuôi nhốt gấu lấy mật trở thành địa phương đi đầu trong công tác bảo vệ gấu.

Chia sẻ về nỗ lực chấm dứt tình trạng nuôi nhốt gấu trên, bà Trần Ngọc Mỹ, Trưởng phòng Quản lý bảo vệ rừng và Bảo tồn thiên nhiên (Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Dương) cho biết “chìa khóa” của thành công là sự chung tay vào cuộc của tất cả các ngành, các cấp, các tổ chức và cá nhân có liên quan.

Trong việc cứu hộ 9 cá thể gấu trên, các chủ nuôi nhốt gấu đã bày tỏ nguyện vọng chuyển giao gấu trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 11/2021. Tuy nhiên, hoạt động chuyển giao gấu bị trì hoãn do tác động nghiêm trọng của đại dịch COVID-19.

Trong các cá thể gấu được cứu hộ gấu lần này, có 3/9 cá thể gấu được chuyển giao từ một vườn thú tư nhân; 4 cá thể gấu được chuyển giao từ một cơ sở chung nhiều chủ nuôi và 2 cá thể còn lại đến từ một cơ sở tư nhân khác.

[Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn 2050]

Từ thành công của tỉnh, bà Mỹ cho rằng công tác kiểm tra, giám sát các cơ sở nuôi nhốt gấu, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về gấu và tăng cường vận động, tuyên truyền cho chủ gấu sớm tự nguyện chuyển giao gấu cho trung tâm cứu hộ cần phải đẩy mạnh hơn nữa để có thể thúc đẩy chấm dứt nuôi nhốt gấu trên cả nước.

Ở góc độ tổ chức nghiên cứu, vận động chính sách, bảo tồn động vật hoang dã, bà Vũ Thị Quyên, Giám đốc ENV cũng khẳng định sự kiện chuyển giao gấu trên đã đánh dấu một bước tiến mới của tỉnh Bình Dương trên chặng đường “từ một trong những điểm nóng lớn nhất về nuôi nhốt gấu tại Việt Nam thành địa phương đạt nhiều thành tựu trong nỗ lực chấm dứt hoạt động nuôi nhốt gấu.”

Cứu hộ 9 cá thể gấu ở Bình Dương: Tín hiệu khởi sắc cho nỗ lực bảo tồn ảnh 1Các cá thể gấu được chuyển giao đến Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình. (Ảnh: ENV cung cấp)

Theo bà Quyên, thành công trong công tác vận động, cứu hộ gấu tại Bình Dương là một ví dụ cho thấy sự hợp tác và quyết tâm của các cơ quan chức năng, các tổ chức phi chính phủ và các chủ nuôi gấu, để có thể cho gấu cơ hội sống tốt hơn tại các trung tâm cứu hộ - điều mà các cá thể gấu xứng đáng được hưởng.

Hi vọng mới từ “điểm nóng” Hà Nội

“ENV hi vọng thành công của Bình Dương sẽ là động lực để thành phố Hà Nội - ‘điểm nóng’ lớn nhất về nuôi nhốt gấu tại Việt Nam hiện nay cũng có thể đặt mục tiêu chấm dứt tình trạng nuôi nhốt gấu trong thời gian tới,” bà Quyên nhấn mạnh.

Là địa phương với số lượng gấu bị nuôi nhốt lên đến 308 cá thể, chiếm hơn một nửa số gấu nuôi nhốt trên cả nước, thành công của Hà Nội sẽ đóng vai trò đáng kể góp phần chấm dứt tình trạng nuôi nhốt gấu trên cả nước.

Trong một diễn biến tích cực gần đây, Hà Nội cũng đã ban hành một chỉ đạo nhằm tăng cường công tác quản lý, bảo vệ các loài động vật hoang dã trên địa bàn thành phố trong đó nhấn mạnh việc giám sát chặt chẽ hơn các cơ sở nuôi nhốt gấu; trong đó yêu cầu cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong nuôi nhốt gấu tại Phúc Thọ, là nơi tập trung đến 92,4% số gấu bị nuôi nhốt.

Theo ENV, nếu chỉ đạo trên được thi hành một cách nghiêm túc, Hà Nội có thể trở thành địa phương tiếp theo không còn gấu bị nuôi nhốt tại các trang trại tư nhân đồng thời góp phần đặt dấu chấm hết cho ngành công nghiệp mật gấu ở Việt Nam.

Thành công tại tỉnh Bình Dương cũng là tiền đề, giúp chính quyền Hà Nội định hướng để đưa Thủ đô từ một “điểm nóng” về nuôi nhốt gấu sớm trở thành địa phương tiếp theo chấm dứt thành công tình trạng nuôi nhốt gấu./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục