Một thai nhi 36 tuần tuổi dọa tử vong do bị tim bẩm sinh vừa được 40 y bác sỹ của Bệnh viện Từ Dũ và Bệnh viện Nhi đồng 2, Thành phố Hồ Chí Minh mổ bắt con trong bụng mẹ và đặt máy tạo nhịp tim nhân tạo cứu sống.
Trước đó, sản phụ 28 tuổi, quê ở Lâm Đồng mang thai tuần thứ 27 khi đi khám ở Bệnh viện Từ Dũ đã được phát hiện thai nhi mắc bệnh tim bẩm sinh phức tạp với các bệnh lý gồm tắc nghẽn dẫn truyền nhĩ thất độ 3, tim to, hở van 3 lá; thai nhỏ so với tháng tuổi, tràn dịch màng ngoài tim.
Ngay lập tức, các bác sỹ của Bệnh viện Từ Dũ đã hội chẩn với bác sỹ chuyên khoa của Bệnh viện Nhi đồng 2 và xác định đây là ca bệnh nặng, thai nhi có nguy cơ chết lưu trong bụng mẹ hoặc tử vong ngay khi vừa chào đời. Vì thế, các bác sỹ đã quyết định sẽ mổ bắt con vào lúc thai 36 tuần tuổi.
Ngày 20/2 vừa qua, do thai nhi có nguy cơ tử vong, êkíp gồm 40 y bác sỹ của hai bệnh viện trên đã thực hiện phẫu thuật mổ bắt con, là một bé trai cân nặng 2,3kg. Tuy nhiên, ngay sau khi ra đời, mạch của bé chậm, chỉ 52 lần/phút, trong khi em bé bình thường phải đạt từ 110 đến 160 lần/phút.
Trước tình huống đó, các bác sỹ buộc phải mở ngực bệnh nhi và đặt máy tạo nhịp tim nhân tạo để cứu sống bé. Sau khi đặt máy tạo nhịp tim, tim của bé có nhịp đập 128 lần/phút và được chuyển về Bệnh viện Nhi đồng 2.
Hiện, sức khỏe của bệnh nhi đã tạm ổn định, nhịp tim bình thường và sẽ được tiếp tục theo dõi trong thời gian tới.
Ngày 22/2, bác sỹ chuyên khoa II, Trần Công Quyền, Trưởng khoa Lồng ngực-Mạch máu-Bướu cổ, Bệnh viện Bình Dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, một cụ bà 90 tuổi bị vỡ động mạch chủ vừa được cứu sống sau cuộc phẫu thuật nghẹt thở kéo dài 4 giờ.
Cụ bà V.T.C, ngụ Quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh nhập viện trong tình trạng lơ mơ, tụt huyết áp, trụy mạch, sốc mất máu cấp vì vỡ túi phình động mạch chủ bụng. Qua siêu âm, các bác sỹ phát hiện ổ bụng bệnh nhân chứa nhiều dịch, có triệu chứng tiếp xúc chậm, sốc mất máu và đã chỉ định phẫu thuật khẩn cấp với hy vọng có thể kịp cứu tính mạng cho bệnh nhân.
Bác sỹ Trần Công Quyền đánh giá: “Đây là một trường hợp đại phẫu trên bệnh nhân cao tuổi, có tiền sử tăng huyết áp và đang sốc mất máu, suy đa cơ quan với tiên lượng nặng. Để tiếp cận nhanh nhất túi phình đã vỡ, kiểm soát tình trạng mất máu, các bác sỹ đã phẫu thuật thực hiện ngay đường mổ mở và tiến hành đặt ống ghép bằng chất liệu tổng hợp (dacron) thẳng động mạch chủ bụng, thay thế cho đoạn động mạch phình vỡ.”
Trong quá trình phẫu thuật, máu chảy ồ ạt trong ổ bụng gần 2.500 ml khiến người bệnh rơi vào tình trạng thiếu máu cấp. Trước tình hình đó, kíp gây mê hồi sức đã nhanh chóng bồi hoàn lượng máu mất cho người bệnh với 6 đơn vị máu và 4 đơn vị huyết tương. Sau gần 4 giờ phẫu thuật như chạy đua với thời gian, các bác sỹ đã giúp người bệnh thoát khỏi tình trạng nguy kịch.
Theo người nhà bệnh nhân, khi phát hiện cụ bà có các triệu chứng: bụng to dần lên, đau bụng, choáng và lơ mơ dần, trên cơ thể dần xuất hiện mảng tím như nổi bông… liền đưa ngay vào Bệnh viện Bình Dân cấp cứu khẩn cấp.
Sau phẫu thuật, cụ C. đã tỉnh táo, có thể trò chuyện với người xung quanh, vận động nhẹ và ăn uống tốt. Dự kiến bệnh nhân có thể xuất viện trong vài ngày tới.
Theo các bác sỹ, phình động mạch chủ bụng là tình trạng động mạch chủ bị giãn ra to hơn bình thường, thành mạch dần yếu, mỏng dẫn tới nguy cơ vỡ do áp lực của mạch máu.Vỡ động mạch chủ bụng gây nguy hiểm cho tính mạng bởi đây là động mạch lớn nhất trong cơ thể dẫn máu từ tim đến các cơ quan và các mô ở nửa phần dưới của cơ thể.
Bệnh lý này thường bị bỏ qua bởi phình động mạch chủ bụng khi còn nhỏ không gây triệu chứng đau. Túi phình có xu hướng lớn dần lên theo thời gian với tốc độ nhanh hay chậm tùy thuộc vào huyết áp và các nguy cơ làm tăng áp lực ổ bụng thường xuyên như ho kéo dài, viêm phế quản mạn tính.
Người bị tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, hút thuốc lá và người cao tuổi là những đối tượng có nguy cơ bị phình động mạch./.