Cựu Thủ tướng Thái Lan nói về thách thức lớn nhất đối với ASEAN

Cựu Thủ tướng Thái Lan nói về thách thức lớn nhất với ASEAN

Bài phát biểu của ông Abhisit Vejjajiva, cựu Thủ tướng Thái Lan đi sâu phân tích các cơ chế mà ASEAN đã áp dụng trước đây, so sánh với hiện tại và gợi mở những vấn đề cần phải xem xét điều chỉnh.

Ngày 17/8, Nhật báo Bangkokpost đăng tải tóm tắt bài diễn thuyết của ông Abhisit Vejjajiva, cựu Thủ tướng Thái Lan, được trình bày vào ngày 1/8 tại trường Đại học Chulalongkorn ở thủ đô Bangkok.

Bài phát biểu đi sâu phân tích các cơ chế mà Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã áp dụng trước đây, so sánh với hiện tại và gợi mở những vấn đề cần phải xem xét điều chỉnh để đáp ứng với yêu cầu hiện nay, nhất là yếu tố đại diện cho người dân, nội dung như sau:

Trong năm 2019, Thái Lan đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN và chúng ta mới tổ chức thành công một Hội nghị thượng đỉnh ASEAN tại Bangkok.

Một ngày trước khi Hội nghị thượng đỉnh diễn ra, một nhà lãnh đạo phe đối lập đã có một bài phát biểu kêu gọi ASEAN thay đổi đường lối của họ và từ bỏ cái mà nhà lãnh đạo này cho rằng một số nguyên tắc mà ASEAN đang bảo vệ, chẳng hạn như không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau và mong muốn ASEAN đặt trọng tâm lớn hơn vào nhân quyền và dân chủ.

Ngay ngày hôm sau, Bộ Ngoại giao đã có một phản ứng tương đối nhanh và mạnh mẽ. Chính Bộ trưởng Ngoại giao đã nói rằng nhà lãnh đạo phe đối lập đó đã không hiểu gì về ASEAN và ý kiến của của nhân vật này là nguy hiểm bởi vì nó có thể làm phân rã và chia rẽ ASEAN cũng như làm đảo ngược tất cả những tiến bộ và thành quả mà ASEAN đã đạt được trong nhiều thập kỷ qua.

Theo ông Vejjajiva, đây là một cuộc tranh luận rất quan trọng. ASEAN cần suy nghĩ về việc phải vận hành như thế nào để có khả năng vượt qua những thử thách mà chúng ta đang phải đối mặt. Việc cố gắng xem xét lại hoặc thậm chí sửa đổi phương thức mà ASEAN xử lý công việc không có nghĩa là xóa bỏ những thành quả mà ASEAN đã đạt được trong nửa thế kỷ qua. Tuy nhiên, chúng ta phải ghi nhận sự biến đổi của môi trường khu vực và trên toàn cầu.

Một lần nữa, chúng ta có thể lập luận rằng ASEAN đã thành công và tiếp tục là một trong những khu vực tăng trưởng kinh tế nhanh nhất trên thế giới, một khu vực có thể ứng phó tốt với các cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính. Do vậy, việc phủ nhận những thành quả của ASEAN là rất khó, theo cách mà ASEAN vận hành phù hợp với văn hóa ở khu vực.

Tuy nhiên, hai lập trường trong cuộc tranh luận nêu trên đều có phần đúng và phần sai. Không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau không phải là một nguyên tắc "cứng nhắc" bởi vì trong một trật tự đã được toàn cầu hoá, người ta không thể phớt lờ sự tác động vượt ngoài các ranh giới của bất kỳ sự phát triển nào ở trong mỗi quốc gia thành viên. Chỉ có điều là chúng ta không giải quyết công việc theo cách của phương Tây hay của châu Âu. Chúng ta luôn luôn có sự tham vấn.

Vào thời điểm Myanmar phải chật vật với lộ trình dân chủ của nước này, tất cả các hội nghị ASEAN đều có một cuộc thảo luận về vấn đề đó. Tuy nhiên, vào thời điểm này, chúng ta sẽ mất nhiều thời gian để khởi động quá trình tham vấn đánh giá xem liệu cơ chế vận hành dựa trên sự đồng thuận có tiếp tục là một cơ chế phù hợp để đối phó với những thách thức lớn hiện nay hay không.

Quan điểm của cá nhân ông Vejjajiva là những thách thức hiện nay đòi hỏi rất nhiều nỗ lực từ tất cả các quốc gia và các tổ chức khu vực, trong đó có ASEAN. Những thách thức hiện nay đều có mối liên hệ phổ biến và rất phức tạp. Những vấn đề này đòi hỏi nhiều yếu tố khác ngoài tri thức cụ thể. Việc giải quyết những thách thức hiện nay cần đến sự lãnh đạo về chính trị và ý trí chính trị mạnh mẽ ở cả cấp độ quốc gia và cấp độ ASEAN.

Chúng ta đối mặt với vấn đề năng lực cạnh tranh về kinh tế, nhưng hoàn cảnh hiện nay không giống với thời điểm mà chúng ta thúc đẩy các thỏa thuận thương mại tự do. Năng lực cạnh tranh không còn luẩn quẩn xung quanh các vấn đề thuế và tiếp cận thị trường cho hàng hóa.

Vấn đề hiện nay còn bao gồm cả việc tạo ra năng lực cạnh tranh nội bộ và nền tảng thông qua chất lượng nguồn nhân lực, hệ thống luật lệ và quy định phù hợp, cũng như việc thiết lập một mạng lưới hoặc một chuỗi cung ứng hiệu quả để có thể cạnh tranh trong môi trường kinh tế hiện đại.

Hiện nay với sự trỗi dậy của Trung Quốc và Ấn Độ, chúng ta chứng kiến các vấn đề kinh tế đang bị những siêu cường này chi phối. Đối với vấn đề bất bình đẳng, khu vực vẫn đang có một khoảng cách kinh tế lớn giữa các quốc gia thành viên. Những cải cách cấu trúc cơ bản là cần thiết để xử lý vấn đề này.

Vấn đề biên đổi khí hậu đòi hỏi ý trí chính trị và sự hợp tác rất lớn và không một quốc gia đơn lẻ nào có thể giải quyết vấn đề này.

Một chìa khóa thành công trong việc giải quyết những thách thức về biến đổi khí hậu là cần lưu ý rằng các doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ (NGO), chính quyền địa phương và các lĩnh vực thứ ba ở nhiều nơi có thể hoạt động hiệu quả hơn nhiều so với các chính quyền trung ương. Theo đó, ASEAN cần phải liên kết những tổ chức đó lại với nhau nhằm tạo thành một cộng đồng bền vững.

Cấu trúc chính trị hợp lý phải có khả năng đảm bảo được sự tham gia một cách hài hòa và bao gồm tất cả các tổ chức liên quan trong một hệ thống - một yếu tố mà ASEAN hiện nay rõ ràng là không có.

Cách đây 10 năm, chúng ta mong muốn thiết lập một Ủy ban nhân quyền ASEAN. Chúng ta đã thành công một phần vì đã thành lập được ủy ban này. Tuy nhiên, những thành quả mà ủy ban này đã đạt được là gì? Trong vòng một thập kỷ qua, chúng ta bị thế giới chỉ trích về hàng loạt vấn đề, từ cuộc khủng hoảng của người Rohingya đến những vụ hành quyết. Một vấn đề rất cơ bản đang tồn tại là có sự thiếu dân chủ trong ASEAN. Điều này có nghĩa là chúng ta phải giải quyết sự thiếu dân chủ đó ở hai cấp độ.

Ở cấp độ khu vực, ASEAN cần cho phép đại diện người dân ở mỗi nước tham gia. Ở cấp độ quốc gia, các câu hỏi sẽ tiếp tục được đặt ra là liệu ASEAN có phản ánh được ý chí của người dân của một nước thành viên hay không nếu như không có một hệ thống đại diện (Nghị viện) hiệu quả ở trong quốc gia đó.

Phương thức vận hành của ASEAN cần điều chỉnh để tăng cường sự can dự và sự tham gia. Tính cộng đồng trong khía cạnh kinh tế và xã hội sẽ không thể đạt được nếu không có sự kết hợp chặt chẽ về chính trị. Đây chính là thách thức lớn nhất đối với ASEAN./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục