Đà Nẵng huy động sức mạnh cộng đồng để bảo vệ môi trường

Trong hai năm qua, Đà Nẵng thực hiện đề án “Xây dựng Đà Nẵng - thành phố môi trường” nhằm phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học...
Đà Nẵng huy động sức mạnh cộng đồng để bảo vệ môi trường ảnh 1Đường phố Đà Nẵng. (Ảnh: Vietnam+)

Sau 25 năm kể từ khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng đã có sự phát triển vượt bậc cả về kinh tế lẫn xã hội.

Điều thành phố đặc biệt chú trọng là vấn đề môi trường, để vừa tạo một môi trường sống văn minh, lành mạnh cho người dân, vừa thu hút du khách như một thành phố văn minh, xanh-sạch-đẹp, một điểm đến an toàn, hấp dẫn và mến khách.

Tầm nhìn xa vì một "thành phố môi trường"

Năm 2008, thực hiện chỉ đạo của Thành ủy, Ủy ban Nhân dânthành phố ban hành Quyết định số 41/2008/QĐ-UBND ngày 21/08/2008 triển khai Đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường.”

Kể từ đó, các mục tiêu, tiêu chí về “Xây dựng Đà Nẵng-Thành phố Môi trường” đã trở thành những nội dung được Thành ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân thành phố đặc biệt quan tâm, chỉ đạo, với sự vào cuộc khá đồng bộ của các cấp, các ngành và được lồng ghép trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển của thành phố.

Để phát triển theo hướng dịch vụ, du lịch, công nghiệp công nghệ cao, tiên tiến và bảo đảm môi trường chung, thành phố đã có nhiều chủ trương không cho phép đầu tư đối với các lĩnh vực sản xuất công nghệ cũ, lạc hậu; từ chối các dự án khi xét thấy nguy cơ tiềm ẩn ô nhiễm, khuyến khích phát triển du lịch dịch vụ theo hướng sinh thái, ban hành nhiều chính sách để bảo vệ môi trường khu dân cư, hệ sinh thái.

[Đà Nẵng: Xem xét việc trồng cây rừng bản địa ở khu dễ xảy ra sạt lở]

Đến nay, thành phố đã thiết lập sự cân đối giữa kinh tế-xã hội-môi trường, kết hợp bảo vệ môi trường với phát triển kinh tế-xã hội một cách hài hòa.

Đề án “Xây dựng Đà Nẵng-Thành phố môi trường” giai đoạn 2021-2030 lấy quan điểm, bảo vệ môi trường làm nền tảng xây dựng thành phố sinh thái, là nhiệm vụ được đặt ở vị trí trung tâm của các quyết sách; phát triển hài hòa với thiên nhiên, tôn trọng quy luật tự nhiên, không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế.

Đề án đặt ra các giải pháp, bảo vệ môi trường được lồng ghép trong các chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng cách mạng công nghiệp lần thứ 4; chủ động phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm, giải quyết các vấn đề môi trường trọng điểm, cấp bách; khắc phục ô nhiễm, suy thoái môi trường, kết hợp với bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Trong thời gian qua, nhiều hoạt động nhằm bảo vệ, làm sạch môi trường đã được triển khai tại Đà Nẵng. Trong đó, điển hình là sự kiện sáng 8/4/2022, hơn 600 tình nguyện viên đã tham gia dọn dẹp vệ sinh bãi biển thành phố Đà Nẵng để hưởng ứng chương trình “Thành phố sạch-Điểm đến xanh.”

Đây là chương trình do Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng tổ chức, nhằm chào đón khách du lịch quay trở lại thành phố sau dịch COVID-19.

Đặc biệt, trận mưa lũ lịch sử tại Đà Nẵng vào tháng 10/2022 cũng đã đặt ra cho thành phố nhiều câu hỏi về các loại cây đang được trồng để tránh xói mòn, sạt lở đất, cụ thể là cây keo.

Để giải quyết vấn đề này, Chi cục Kiểm lâm thành phố đã tiến hành rà soát, có phương án đề xuất việc chuyển đổi cây trồng sản xuất sang cây bản địa với thành phần hỗn giao tạo ra nhiều tán rừng, góp phần chống sạt lở.

Thay đổi nhận thức cộng đồng là giải pháp bền vững

Năm 2023, Đề án “Xây dựng Đà Nẵng - thành phố môi trường” giai đoạn 2021-2030 sẽ được Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố tiếp tục triển khai nghiêm túc, hiệu quả, đảm bảo theo Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020, phù hợp thực tiễn tại đơn vị, địa phương, phát huy tối đa nguồn lực phục vụ công tác bảo vệ môi trường theo quy định.

Đà Nẵng huy động sức mạnh cộng đồng để bảo vệ môi trường ảnh 2Biển Đà Nẵng. (Nguồn: Vietnam+)

Trong hai năm 2021 và 2022, thành phố đã thực hiện hơn 88 nhiệm vụ tương ứng 4 nhóm nhiệm vụ trọng tâm gồm phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm; cải thiện môi trường, giải quyết những vấn đề trọng tâm, trọng điểm; bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường với nguồn lực tài chính hơn 3.418 tỷ đồng (tính trong năm 2022 và chưa kể các dự án quốc tế tài trợ).

Các cơ quan chức năng đã hoàn thành, vận hành khai thác hạng mục tại khu liên hợp xử lý Khánh Sơn; thực hiện đầu tư đồng bộ công trình thu gom, xử lý rác thải.

Đặc biệt, năm 2022, thành phố đã thực hiện mạnh mẽ hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng, để cộng đồng cùng tham gia bảo vệ môi trường. Bởi đây mới thực sự là giải pháp bền vững, để người dân, du khách cùng chung tay bảo vệ thành phố biển xinh đẹp này.

Nhờ triển khai đồng bộ các hoạt động bảo vệ môi trường, Đà Nẵng được Bộ Tài nguyên và Môi trường xếp loại đứng đầu trong 63 tỉnh, thành phố cả nước về thực hiện Bộ chỉ số bảo vệ môi trường (PEPI) năm 2021.

Tại Quyết định số 3979/QĐ-BTNMT ngày 30/12/2022, tổng điểm bộ chỉ số PEPI thành phố Đà Nẵng là 79,82 điểm, tiếp sau đó là tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và Trà Vinh.

Bộ chỉ số đánh giá kết quả bảo vệ môi trường (PEPI) đóng vai trò then chốt, tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước, khuyến khích nỗ lực của địa phương trong công tác bảo vệ môi trường.

Từ năm 2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường bắt đầu xếp hạng theo Bộ chỉ số đánh giá kết quả bảo vệ môi trường, đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ môi trường và mức độ hài lòng của người dân về chất lượng môi trường sống của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục