Đà Nẵng: Ứng dụng công nghệ thông tin nâng chất lượng khám, chữa bệnh

Ngành y tế đặt mục đến năm 2030 sẽ ứng dụng công nghệ số trong hầu hết hoạt động; hình thành nền y tế thông minh với phòng bệnh thông minh, khám chữa bệnh thông minh và quản trị y tế thông minh.
Đà Nẵng: Ứng dụng công nghệ thông tin nâng chất lượng khám, chữa bệnh ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN phát)

Nhằm giúp bệnh nhân tiếp cận dễ dàng với các dịch vụ y tế, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, ngành y tế thành phố Đà Nẵng đã nỗ lực ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, phòng dịch, tăng cường chuyển đổi số trong toàn ngành.

Giảm thủ tục hành chính ở bệnh viện

Triển khai chuyển đổi số cách đây khoảng 5 năm, Trung tâm Y tế quận Hải Châu hiện đã ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong các thủ tục hành chính mang lại hiệu quả tích cực trong khám, chữa bệnh và nâng cao mức độ hài lòng của người dân.

Phó Giám đốc Trung tâm Y tế quận Hải Châu Nguyễn Cảnh Việt cho hay, sau khi đơn vị áp dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, việc triển khai các thủ tục hành chính được thực hiện dễ dàng, gọn nhẹ.

Đặc biệt, các bước tiếp đón, thăm khám, cấp phát thuốc cho người bệnh, bốc số tự động, quét mã bảo hiểm, sử dụng căn cước công dân thay thế bảo hiểm, đặt lịch khám từ xa, khám và kê thuốc qua mạng… đều đã được số hóa.

Ngoài ra, việc chỉ định chẩn đoán hình ảnh cận lâm sàng cũng thực hiện trên hệ thống máy tính liên thông. Nhờ đó, bác sỹ ngồi ở phòng khám vẫn có thể chỉ định thực hiện chụp X Quang, xét nghiệm cho bệnh nhân. Sau đó kết quả cũng trả trên máy…

[Hiện thực hóa mục tiêu chuyển đổi số tại các cơ sở khám chữa bệnh]

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Y tế quận Hải Châu, việc áp dụng chuyển đổi số trong hệ thống hành chính góp phần giảm bớt nhiều thủ tục rườm rà, tiết kiệm thời gian cho người bệnh nhân, giúp nhân viên y tế tập trung chuyên môn khám, chữa bệnh.

Tương tự, Bệnh viện 199 đã số hóa, thực hiện chuyển đổi số ở mọi quy trình như đặt lịch, trả kết quả khám bệnh online, chữ ký số, quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử trọn đời, hệ thống thanh toán không tiền mặt (MB bank).

Ngoài ra, Bệnh viện cũng ứng dụng hệ thống công nghệ vào hoạt động như: phần mềm quản lý công văn, quản lý bệnh viện HIS, quản lý khách hàng; hệ thống xử lý hình ảnh PACS; phần mềm hội chẩn trực tuyến; hệ thống NAS sao lưu dữ liệu…

Phó Giám đốc Bệnh viện 199, Trung tá Trần Nam Chung cho biết đội ngũ cán bộ bộ phận công nghệ thông tin của Bệnh viện không ngừng sáng tạo, phát triển, quản lý hiệu quả các phần mềm chuyển đổi số.

Đơn vị đã áp dụng nhiều phương thức để tiếp cận, khám, tư vấn sức khỏe cho người dân trong tình hình dịch bệnh như: chương trình Livestream tư vấn sức khỏe; khám, chữa bệnh trực tuyến qua các phần mềm (như: IsoFh care, Telehealth, Zalo, Facebook…) đều nhận được phản hồi tích cực của bệnh nhân.

Xây dựng hệ thống y tế thông minh

Theo Phó Giám đốc Phụ trách Sở Y tế Đà Nẵng Trần Thanh Thủy, ngành y tế xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm, vừa cấp bách vừa lâu dài, xuyên suốt trong công tác quản lý Nhà nước và tổ chức các hoạt động sự nghiệp của ngành; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức và cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế hoạt động trên lĩnh vực y tế trên địa bàn.

Ngành đặt mục đến năm 2030 sẽ ứng dụng công nghệ số trong hầu hết các hoạt động, dịch vụ của ngành; hình thành nền y tế thông minh với ba nội dung chính là phòng bệnh thông minh, khám chữa bệnh thông minh và quản trị y tế thông minh.

Hiện ngành y tế Đà Nẵng đang xây dựng và hoàn thiện các dự án công nghệ thông tin trong lĩnh vực y tế như: Đề án Y tế thông minh, hồ sơ sức khỏe công dân và chăm sóc sức khỏe qua mạng; triển khai kê đơn thuốc điện tử và tiếp tục thực hiện công tác làm sạch dữ liệu tiêm chủng, tổ chức ký số hộ chiếu vaccine…

Năm 2022, các hệ thống y tế đã hoàn thành tiêu chí 100% dịch vụ hành chính công trực tuyến mức độ 4; mỗi người dân có thể giám sát hành trình xe cứu thương trên ứng dụng di động, được bác sỹ theo dõi, tư vấn khi được vận chuyển trên xe cứu thương; triển khai các giải pháp bệnh viện thông minh và khám chữa bệnh từ xa telehealth.

Đồng thời, các đơn vị đã tổ chức sử dụng thẻ Căn cước công dân thay thế cho bảo hiểm y tế (có 192.096 lượt tra cứu bằng thẻ Căn cước công dân gắn chip tính đến ngày 28/12). Các bệnh viện triển khai thanh toán không dùng tiền mặt…

Ngoài ra, công tác đầu tư hạ tầng thiết bị số được thực hiện đồng bộ, kết nối liên thông hệ thống lưu trữ và truyền hình ảnh y tế (PACs) giữa một số trung tâm y tế quận, huyện và Bệnh viện Đà Nẵng.

Bà Trần Thanh Thủy nhận định chuyển đổi số đóng vai trò quan trọng vào hiệu quả khám, chữa bệnh tại các bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn thành phố. Do đó, ngành y tế tiếp tục triển khai xây dựng đề án phát triển y tế thông minh, bệnh viện thông minh, chăm sóc y tế qua mạng; nâng cấp hệ thống cơ sở dữ liệu, hồ sơ sức khỏe công dân trong năm 2023.

Đồng thời, ngành chỉ đạo các đơn vị đơn giản hóa quy trình thủ tục, khuyến khích các khoa, phòng đủ điều kiện sử dụng bệnh án điện tử thay bệnh án giấy; xây dựng vị trí việc làm công nghệ thông tin và bổ sung nhân lực đáp ứng nhiệm vụ chuyển đổi số./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục