Đại biểu Quốc hội: Không nên chỉ nhìn lũ lụt mà đổ hết cho thủy điện

Theo ý kiến của đại biểu quốc hội Lê Thanh Vân, đoàn Cà Mau, việc đánh giá các thủy điện phải xem xét khách quan và nhiều chiều, không nên chỉ nhìn lũ lụt mà đổ hết cho thủy điện.
Đại biểu Quốc hội: Không nên chỉ nhìn lũ lụt mà đổ hết cho thủy điện ảnh 1Thủy điện Bản Vẽ, Nghệ An. (Ảnh: Nguyễn Oanh/TTXVN)

Vấn đề phát triển thủy điện nhất là việc an toàn các thủy điện vừa và nhỏ tiếp tục nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận về kinh tế-xã hội sáng 5/11.

Báo VietnamPlus xin tổng hợp lại các ý kiến tranh luận của các đại biểu tại hội trường, để có cách nhìn đa chiều về vấn đề này.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh: Chúng ta có quy trình bài bản để quản lý dự án đầu tư đảm bảo hiệu quả, Luật đầu tư có báo cáo kinh tế kỹ thuật.

[Bộ Trưởng Trần Tuấn Anh: Sẽ siết chặt quản lý phát triển thủy điện]

Bên cạnh đó còn có báo cáo đánh giá tác động môi trường (DTM). Đây là những căn cứ cơ bản để các cấp có thẩm quyền quyết định xem dự án có hiệu quả hay không. Các dự án còn thoả mãn các điều kiện để khai thác về quản lý đất rừng tự nhiên.

Trên thực tế các dự án thuỷ điện có khâu quan trọng là bổ sung quy hoạch, cái này xuất phát từ địa phương căn cứ các thông tư hướng dẫn, ví dụ như thông tư 43 của Bộ Công Thương (nếu vượt quá 10ha/1 Mw)hay có đất rừng tự nhiên  thì không xem xét, bổ sung.

Khi Bộ Công Thương bổ sung vào quy hoạch đều phải xin ý kiến các bộ khác như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và môi trường, Bộ Xây dựng, Bộ Công an và các cơ quan khác để phù hợp với quy hoạch sử dụng đất. Đây là chốt chặn đầu tiên.

Sau đó quy trình đầu tư còn bao gồm các cấp thẩm quyền phê duyệt dự án đầu tư và quản lý đầu tư (đã quy định trong Luật đầu tư, Xây dựng) các cơ quan chức năng từ trung ương và địa phương đều có trách nhiệm, đặc biệt là địa phương kiểm tra việc thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật và báo cáo khả thi, báo cáo DTM.

DTM là báo cáo rất quan trọng để giúp các cấp có thẩm quyền xem xét quyết định thông qua. Báo cáo DTM đều được đăng công khai trên trang điện tử của cơ quan thẩm định xem môi trường có đảm bảo hay không.

Trong khi đó, các thuỷ điện nhỏ đã hết khấu hao, hết vòng đời dự án thì căn cứ điều 118, 127 của Luật Xây dựng, Nghị định 46 liên quan đến Luật điện lực. Các văn bản này đã có hướng dẫn, khi hết vòng đời phải thực hiện đánh giá chất lượng các công trình hồ đập, hướng sử dụng hay phá bỏ, nếu phá bỏ, chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm tháo dỡ, phải  có phương án, báo cáo cấp thẩm quyền.

Đại biểu Quốc hội: Không nên chỉ nhìn lũ lụt mà đổ hết cho thủy điện ảnh 2Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh, đoàn Khánh Hòa. (Ảnh: TTXVN)

Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (đoàn Khánh Hòa): Bộ trưởng Công Thương nói rằng các quy trình chúng ta đã làm đúng, như vậy chúng ta phải ủng hộ điều đó. Về mặt trái của thủy điện thì Bộ Công Thương đang kiểm soát tương đối chặt chẽ, song trước diễn biến của thời tiết việc kiểm soát cần hiệu quả hơn.

Vấn đề gì cũng có hai mặt cả, song theo tôi cần kiểm soát tốt vấn đề đó, tức là nhận biết được mặt trái để đưa ra các giải pháp hiệu quả.

Đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau): Thủy điện và những tác động của thủy điện trong đợt thiên tai vừa qua cần xem xét bởi quan điểm lịch sử. Ví dụ việc xây dựng thủy điện Sông Đà, mục tiêu ban đầu là trị thủy sau đó mới là mục tiêu phát điện.

Chính vì sử dụng chủ yếu trong điều tiết lũ nên Hà Nội tránh được các trận lụt lịch sử và từ khi có Sông Đà việc điều tiết nước rất tốt, lũ lụt ở vùng Đồng bằng Sông Hồng cơ bản được khắc phục, đây là mặt tốt của thủy điện cần thấy được.

Đánh giá phải xem xét khách quan và nhiều chiều, không nên chỉ nhìn lũ lụt mà đổ hết cho thủy điện./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục