Đại chiến Anh-Đức: Đội tuyển Đức còn may mắn được bao lâu?

Người hâm mộ đang đặt câu hỏi, nếu Joachim Loew không có những thay đổi cần thiết và ngay lập tức, liệu đội tuyển Đức còn may mắn được bao lâu?

Người Đức đã phải trải qua không biết bao nhiêu cung bậc cảm xúc chồng chéo lẫn lộn khi chứng kiến đội nhà gượng gạo vào vòng 1/8 EURO 2020 bằng trận hòa hú vía trước Hungary.

Thậm chí, Leon Goretzka, người hùng của tuyển Đức với pha lập công ở phút 84, sau trận đấu dường như đã trút đi được gánh nặng, khi nhẹ nhàng nói: "Cũng may là cuối cùng mọi chuyện cũng ổn."

Cũng như trong một ngày mưa tầm tã khi lần đầu tiên Đức vào chung kết gặp Hungary và lần đầu vô địch thế giới 1954, đội bóng của Joachim Loew sau hai lần bị dẫn bàn cuối cùng cũng có một trận hòa, vươn lên đứng thứ 2 bảng F để đụng độ tuyển Anh trên sân Wembley.

Trong trận hóa hú vía trước Hungary, người hâm mộ Đức thực sự bị sốc khi chứng kiến Ádam Szalai ghi bàn mở tỷ số 1-0 ở ngay phút 11 - cơn ác mộng Nga 2018 lại như ập đến khi thời điểm đó.

Nếu kịch bản kinh khủng đó xảy ra, Loew sẽ đi vào lịch sử bóng đá Đức khi hai lần liên tiếp bị loại ngay từ vòng bảng ở những giải đấu lớn.

Thế nên, thật không khó hiểu khi người ta có cảm giác Loew như trút được một gánh nặng mà ông đã phải chịu trong suốt 90+4 phút giao tranh ở trận đấu tưởng chừng như sẽ là cuối cùng của ông. 

[Tiền vệ trẻ Jamal Musiala - “Viên ngọc thô” quý báu của tuyển Đức]

Đối đầu Hungary, Loew đã "kiên định" theo đuổi chiến thuật 3 hậu vệ nhưng cuối cùng ông cũng phải chấp nhận đổi sang một thứ chiến thuật tạm gọi là "lẩu thập cẩm."

Đại chiến Anh-Đức: Đội tuyển Đức còn may mắn được bao lâu? ảnh 1Khoảnh khắc khiếu người Đức vỡ òa sau quãng thời gian 'sống trong lo lắng.' (Nguồn: AFP)

Hàng công của Loew thì thi đấu tệ hại, để rồi ông buộc phải tung vào sân tất cả những tiền đạo đang có trong tay - những gương mặt đại diện cho nền bóng đá Đức có khả năng ghi bàn có mặt đầy đủ trên sân - không thiếu một ai. Truyền thông Đức bình luận, đây gọi là chiến thuật "All in one" - kế hoạch B của Loew.

Ở hai cánh, Joshua Kimmich và Robin Gosens từng được ca ngợi hết lời sau màn trình diễn trước Bồ Đào Nha, cũng nhanh chóng trở nên vô hại trước Hungary. Không đưa được bóng ra cánh cho Joshua Kimmich và Robin Gosens - Đức cũng chẳng biết làm gì hơn.

Sự thay đổi chỉ thực sự diễn ra khi Goretzka, Thomas Mueller và Jamal Musiala có mặt trên sân, còn Kimmich được đẩy vào trong.

Vòng ngoài tam giác, 3 tiền vệ Bayern là vệ tinh quấy rối, Jamal Musiala hoạt động rất hiệu quả, và chính cầu thủ này góp công lớn mang về bàn thắng gỡ hòa của Goretzka, đưa đội Đức vào vòng sau.

Loew thừa nhận và cũng khen ngợi: "Trận đấu khó khăn, cậu ấy quá hay trong không gian chật chội, phong độ cậu ấy đúng như mong đợi của chúng tôi." Tuy nhiên, đằng sau lời khen ngợi đó, không ít người thắc mắc tại sao phải đến phút thứ 82 Loew mới tung Jamal Musiala vào sân?

Câu hỏi này chắc chắn sẽ chưa thể có lời đáp ngay từ Loew, bởi sau trận hòa hú vía trước Hungary, Đức đã phải tập trung ngay cho trận "đại chiến" với Anh ngay tại Wembley.

Và điều mà người ta quan tâm lúc này là Loew có thay đổi? Cặp tiền vệ Kroos-Guendogan không mang lại hiệu quả, trong khi Leroy Sané thi đấu không đúng như mọng đợi, Loew có nên cân nhắc lựa chọn Timo Werner hay Musiala.

Trước những băn khoăn này, Loew không đưa ra câu trả lời rõ ràng mà thay vào đó là khẳng định: "Chúng tôi sẽ có một màn thể hiện hoàn toàn khác khi gặp Anh" và tất cả đang dồn toàn lực cho trận chiến sắp tới.

Xét về lý thuyết, thật khó để chê trách gì Đức khi mà họ đứng thứ 2 ở bảng đấu được xem là "tử thần."

Về điều này, Kimmich nói: "Chung bảng với đương kim vô địch thế giới Pháp, đương kim vô địch châu Âu Bồ Đào Nha, đó đều những đội bóng được đánh giá cao hơn chúng tôi rất nhiều. Và giờ là đội tuyển Anh. Thật tuyệt! Chúng tôi đã rất nóng lòng..."

Đại chiến Anh-Đức: Đội tuyển Đức còn may mắn được bao lâu? ảnh 2Loew như trút bỏ gánh nặng sau khi Đức vào tứ kết. (Nguồn: Getty Images)

Khó ai có thể dám chắc Đức sẽ phải dừng bước tại Wembley, nhưng điều mà ai cũng dễ nhận ra rằng đội bóng này luôn gặp khó khăn khi phải đối mặt với đội bóng phòng ngự có chiều sâu, nhất là khi thiếu vắng một thủ lĩnh như Thomas Mueller trong phần lớn thời gian ở trận gặp Hungary.

Hàng thủ vẫn là điểm yếu của Đức. Mats Hummels dù kinh nghiệp nhưng chưa bao giờ thi đấu với Ginter và Rudiger, cộng thêm chiến thuật 3-4-3 của Loew - chỉ cần những tiền đạo cỡ trung bình Bundesliaga như Ádam Szalai đã đủ làm cho họ quá vất vả.

Loew không có phương án B. Các tiền vệ Đức thường xuyên tạt bóng vào chỗ không người, Sané và cả Gnabry - trốn đâu không ai biết. Không một cầu thủ nào còn đủ tự tin để lật cánh hay chuyền dài.

Trước khi Goretzka và Mueller vào sân, đội hình Đức bị chia ra làm ba phần rõ ràng, hàng thủ, tuyến tiền vệ trung tâm và 3 tiền vệ tấn công. Ai? Cầu thủ nào là cầu nối gắn kết họ? Câu trả lời là không có!

Loew cho hay: "Chúng tôi đã tự làm khó mình, khi đối phương có bóng và tấn công từ dưới lên chúng tôi đã mắc quá nhiều sai lầm. Kể cả khi có bóng, chúng tôi đã chọn vị trí không tốt để họ có thể phản công..."

Đại chiến Anh-Đức: Đội tuyển Đức còn may mắn được bao lâu? ảnh 3Musiala sẽ được trao cơ hội hay vẫn chỉ là 'kép phụ' trong chiến thuật của Loew? (Nguồn: Getty Images)

Trong khi đó, Goretzka lại xoáy sâu vào nỗi đau Đức: "Trong những pha bóng chết chúng tôi đã quá chậm. Điều đó không được phép xảy ra" và ví dụ điển hình là bàn thắng thứ 2 của Hungary đến chỉ 1 phút sau khi Đức gỡ hòa.

Loew phải nhận ra một điều rằng, cầm bóng nhiều không có nghĩa là hiệu quả và mang về chiến thắng. Trận gặp Pháp, Đức cầm bóng 53%, trận gặp Hungary thời gian cầm bóng thậm chí lên đến 75%.

Các hậu vệ Đức khi có bóng phát động tấn công ngay lập tức bị các cầu thủ tuyến trên đối phương áp sát, cặp tiền vệ Kroos-Guendogan đứng quá xa họ hoặc ở những vị trí không thể chuyền bóng, khiến các cầu thủ chỉ có thể đưa bóng qua lại ngang cho nhau. Cặp hậu vệ Kimmich-Gosens bị kèm chặt - Đức hết bài!

Nói một cách khác, thế mạnh của các cầu thủ Đức đã bị chiến thuật Loew hạn chế. Đức cầm bóng nhiều hơn - hàng thủ 5 người để làm gì? Ngược lại, khi mất bóng, không có tiền vệ đánh chặn thực thụ, hàng hậu vệ 3 người lại quá mong manh.

Chiến thuật của Loew dễ hiểu tới mức các huấn luyện viên online cũng biết điểm yếu của nó ở đâu và phá như thế nào. Nếu như Loew vẫn kiên định với chiến thuật và cách dùng người như trong 3 trận vừa qua - Wembley sẽ là nơi dừng chân cuối cùng của đội Đức.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục